Đại sứ Việt Nam tại Israel Lý Đức Trung: VIFTA là “đòn bẩy” thúc đẩy quan hệ song phương Việt Nam–Israel

(Banker.vn) Đại sứ Việt Nam tại Israel Lý Đức Trung cho rằng, việc ký kết Hiệp định VIFTA sẽ là “đòn bẩy” cho quan hệ song phương tiếp tục phát triển trên các lĩnh vực
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA): Cơ hội mở rộng thị trường cho hàng Việt PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: FTA Việt Nam – Israel giúp thắt chặt quan hệ kinh tế

Ngay sau sự kiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Israel (gọi tắt là Hiệp định VIFTA) chính thức được ký kết, đặc biệt vào đúng dịp hai nước đang kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao 2 nước (12/7/1993 - 12/7/2023), phóng viên Báo Công Thương đã có những trao đổi với Đại sứ Việt Nam tại Israel Lý Đức Trung về ý nghĩa của sự kiện này trong thúc đẩy quan hệ song phương Việt Nam – Israel trong thời gian tới.

Sau 7 năm với 12 phiên đàm phán, Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Israel (gọi tắt là Hiệp định VIFTA) đã “về đích” đúng thời điểm hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao 2 nước bằng lễ ký kết do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat thực hiện diễn ra ngày 25/7, tại Văn phòng Thủ tướng Israel, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Phó thủ tướng Trần Lưu Quang. Đại sứ đánh giá thế nào về ý nghĩa của FTA này?

Tôi cho rằng Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Israel (VIFTA) có ý nghĩa rất lớn về cả chính trị, kinh tế cũng tổng thể quan hệ song phương giữa hai nước và là thành quả nỗ lực của cả bộ máy chính trị trong thúc đẩy các hoạt động ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước.

Quan trọng nhất, việc chính thức ký kết VIFTA sau gần 4 tháng kể từ khi kết thúc đàm phán còn thể hiện quyết tâm chính trị lớn của cả Việt Nam và Israel trong mở rộng hợp tác quốc tế và xử lý các vấn đề nội tại của kinh tế quốc dân ở cả hai nước. Bên cạnh đó, thành tựu vượt bậc của VIFTA trong năm nay còn phản ánh nỗ lực không ngừng nghỉ của chuyên gia các bộ ngành, với nòng cốt là các cán bộ của ngành Công Thương phối hợp với chuyên gia các ngành tài chính, đầu tư, ngoại giao, tư pháp và các ngành khác tạo lập nên các khuôn khổ trong quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với các đối tác mới và mở ra các cơ hội, triển vọng mới với các thị trường mới.

Đại sứ Việt Nam tại Israel Lý Đức Trung. (Nguồn: ĐSQ VN tại Israel)
Đại sứ Việt Nam tại Israel Lý Đức Trung. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Israel)

Hơn hết, việc đưa kết quả của 12 năm miệt mài đề xuất, kiến nghị, chuẩn bị và 7 năm đàm phán VIFTA kéo dài đến ngày hái “trái ngọt” vừa thể hiện sự kiên quyết, kiên trì của Việt Nam với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước vừa có ý nghĩa biểu trưng rất lớn trong năm đầu tiên Việt Nam triển khai Chỉ thị 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030.

Năm 2023 còn có ý nghĩa hết sức quan trọng khi Việt Nam và Israel kết thúc đàm phán và ký kết VIFTA – Hiệp định thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam với khu vực Trung Đông đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Đây là một dấu mốc quan trọng góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo đột phá cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới. Đây cũng điều kiện để hai bên gia tăng kim ngạch thương mại song phương trong năm 2023 lên khoảng 10-15% và hướng tới mục tiêu 3 tỉ USD ngay trong thời gian tiếp theo.

Ngoài ra, sau khi VIFTA được ký kết năm 2023 và chính thức có hiệu lực vào năm 2024, đây sẽ là “đòn bẩy” để quan hệ song phương Việt Nam – Israel tiếp tục phát triển trên các lĩnh vực khác. Ở giai đoạn tiếp theo, khi các luồng di chuyển hàng hóa gia tăng nhanh, người tiêu dùng hai bên biết đến hàng hóa của nhau nhiều hơn, doanh nghiệp hai nước sẽ tăng đầu tư vào các lĩnh vực theo thế mạnh, nhu cầu và khả năng tiếp nhận của nhau, qua đó cũng sẽ làm gia tăng giao lưu về con người. Theo đó, quá trình này lại góp phần tăng trưởng về du lịch, dịch chuyển về lực lượng lao động giữa hai nước và kéo theo vận tải cả hàng hóa và hành khách bằng đường hàng không cũng tăng trưởng, trở thành chất xúc tác cho các đường bay thẳng giữa Việt Nam và Israel.

Israel là một trong những đối tác hợp tác thương mại, đầu tư và lao động quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Tây Á. Đồng thời, đây cũng là thị trường xuất khẩu đứng thứ 3, là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại Tây Á và được đánh giá là thị trường tiềm năng tại khu vực này. Vậy hàng hóa Việt Nam có cơ hội xuất khẩu thế nào vào thị trường Israel, nhất là khi đã có Hiệp định VIFTA, thưa Đại sứ?

VIFTA là một hiệp định thương mại tự do mang tính chất truyền thống. Trong khi đó, hàng năm, Israel có nhu cầu nhập khẩu nhiều loại hàng hóa để đáp ứng nhu cầu ở trong nước. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Israel gồm máy móc, thiết bị, phụ tùng, nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng, hàng đầu tư, nhiên liệu xăng dầu, kim cương thô...

Về nhóm hàng tiêu dùng, mỗi năm Israel nhập khẩu khoảng 25 tỷ USD, cụ thể bao gồm các mặt hàng như: lương thực thực phẩm, đồ uống các loại, quần áo, giầy dép, nội thất, hàng điện tử, thiết bị điện, hàng gia dụng, dược phẩm…. Trên cơ sở đó, VIFTA giúp Việt Nam chúng ta đã đạt được thỏa thuận rất đáng khích lệ về thương mại hàng hóa.

Thứ nhất, mặc dù dung lượng thị trường khiêm tốn, với quy mô dân số khoảng 10 triệu người nhưng hoạt động kinh tế và ngoại thương của Israel khá phát triển. Năm 2022, thu nhập đầu người đạt xấp xỉ 55.000 USD; kim ngạch ngoại thương đạt 173 tỷ USD.

Ngoài ra, với vòng quay tiêu dùng ở thị trường Israel nhanh, thể hiện ở trị giá nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh hàng năm, các doanh nghiệp của Việt Nam có thể tranh thủ khai thác cơ hội xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng cao sang thị trường Israel, nhất là sau khi VIFTA được chính thức ký kết sẽ mở cửa thị trường và giảm thuế cho hàng xuất khẩu của ta.

Thứ hai, cơ sở về cơ cấu kinh tế hai nước mang tính bổ trợ lẫn nhau một cách tích cực, hàng hóa không cạnh tranh trực tiếp mà bổ sung cho nhau giúp cả hai bên đều có thể thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh sang thị trường của nhau.

Kể từ tháng 9/2022, Israel đã "hạ chuẩn" bằng cách áp dụng các tiêu chuẩn EU về an toàn thực phẩm, loại bỏ hầu hết các qui định tiêu chuẩn riêng của Israel vốn khắt khe hơn tiêu chuẩn EU đối với hàng hóa tiêu dùng. Trong khi đó, từ năm 2020, hàng hóa của Việt Nam vào EU đã đáp ứng các tiêu chuẩn của khối theo hiệu lực của FTA EVFTA. Vì vậy, hàng hóa của ta đã vào EU sẽ có nhiều thuận lợi tại Israel, khi VIFTA có hiệu lực.

Thứ ba, tập quán và thói quen kinh doanh của các doanh nghiệp Israel là muốn mua hàng thành phẩm, đã qua chế biến, có giá trị gia tăng cao, được đóng gói sẵn bao bì hoàn chỉnh, nhất là đối với nhóm hàng lương thực thực phẩm và hàng tiêu dùng (thủy hải sản, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, nước giải khát, bánh kẹo, quế, dệt may, giày dép các loại…), kể cả hàng điện tử và hàng gia dụng, để nhập khẩu đưa vào các kênh phân phối hoặc chuỗi siêu thị bán lẻ cho người tiêu dùng có thể sử dụng được ngay sau khi mua hàng. Đây là những đặc điểm quan trọng có thể tạo ra dư địa rất lớn cho hàng hoá của Việt Nam vào Israel trong thời gian tới.

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Israel (VIFTA) đã chính thức được ký kết ngày 25/7 tại Israel
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Israel (VIFTA) đã chính thức được ký kết ngày 25/7 tại Israel

Hiệp định VIFTA sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh không chỉ sang Israel mà còn có cơ hội tiếp cận các thị trường khác tại Trung Đông, Bắc Phi và Nam Âu. Đại sứ đánh giá thế nào về cơ hội này? Đâu là những lĩnh vực mà hai bên sẽ thúc đẩy và có cơ hội hợp tác sâu hơn trong thời gian tới?

Thứ nhất, về hợp tác thương mại, với quy mô thị trường, thói quen tiêu dùng và yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa nói trên của Israel cũng như nhìn vào năng lực của các doanh nghiệp trong nước của Việt Nam ngày càng lớn mạnh hơn, bài bản hơn và chuyên nghiệp hơn thì kim ngạch thương mại giữa hai nước sẽ sớm đạt mức 3-4 tỷ USD trong thời gian không xa. Hai bên sẽ mở cửa thị trường cho hàng hóa và dịch vụ của nhau, cùng nâng kim ngạch song phương tăng nhanh nhưng cũng cân bằng hơn, giảm thâm hụt của phía Việt Nam trong cán cân.

Thứ hai, hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Israel hiện đang có nhiều thành quả rất đáng khích lệ và dự kiến sẽ có những tiến triển mới sau khi VIFTA chính thức có hiệu lực.

Về phía Israel, cũng đã có các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, y tế và dịch vụ trợ giúp xã hội, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Đơn cử, Công ty Delta Galil đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất sợi, vải dệt thoi, công nghệ nhuộm, vải dệt kim, vải đan móc, vải không dệt khác và các sản phẩm khác mà Israel có thế mạnh, đang thuộc tốp dẫn đầu thế giới, nhất là nguyên liệu đầu vào cho ngành may mặc có thể đáp ứng nhu cầu tại chỗ của các doanh nghiệp Việt Nam.

Thời gian tới, hai bên có thể tăng cường hợp tác để tối ưu hóa các lĩnh vực sản xuất hàng hóa và dịch vụ hiện có đồng thời thúc đẩy hợp tác về công nghệ số hóa và các giải pháp công nghệ cao trong nông nghiệp như giống, xử lý nước, phân bón và vật liệu mới. Việt Nam sẽ chủ động khuyến khích các doanh nghiệp Israel đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, công nghiệp vật liệu mới, công nghệ thông tin, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như phát triển hạ tầng công nghiệp công nghệ cao.

Ở chiều ngược lại, tập đoàn CT Group của Việt Nam tháng 5/2022 đã chính thức mở Văn phòng Đại diện tại Tel Aviv. Đây là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên thành lập Chi nhánh hoặc mở Văn phòng Đại diện tại Israel nhằm tìm kiếm các cơ hội hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ và trao đổi thương mại với đối tác Israel...

Bên cạnh đó, một số tập đoàn, công ty công nghệ thông tin của Việt Nam như Viettel, FPT… cũng đang tìm kiếm mở rộng hợp tác liên doanh liên kết với các đối tác Israel trong các hoạt động chuyên ngành như phát triển các sản phẩm về an ninh mạng, giải pháp phần mềm… do đây là những thế mạnh của Israel mà phía ta cần tranh thủ cơ hội tận dụng.

Ngoài ra, về hợp tác du lịch và giao lưu nhân dân, lưu lượng khách Israel tiềm năng đến Việt Nam là rất lớn, trước Covid-19, có khoảng 10 - 15 triệu lượt người Israel đi du lịch nước ngoài một năm và sau Covid, khách du lịch Israel đến các thị trường đã phục hồi mạnh mẽ với khoảng 8,5 triệu lượt người Israel du lịch nước ngoài trong năm 2022. Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cũng nhận định nhu cầu du lịch của thị trường Trung Đông được dự báo tăng nhanh trong thời gian tới, dự kiến đạt 165 tỷ USD vào năm 2025 với các thị trường gửi khách hàng đầu là: Saudi Arabia, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel.

Như vậy, việc VIFTA chính thức được ký kết và có hiệu lực trong thời gian tới được kỳ vọng tạo ra những động lực mới thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch và các lĩnh vực khác qua đó đưa quan hệ hợp tác song phương bước sang một giai đoạn mới với phạm vi và qui mô rộng lớn hơn cũng như hiệu quả hơn và cả thực chất hơn, đáp ứng kỳ vọng của lãnh đạo và nhân dân hai nước.

Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Theo thông tin của Thương vụ Việt Nam tại Israel, tính chung trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Israel đạt 1,389 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Israel đạt 336,7 triệu USD và nhập khẩu đạt 1,052 tỷ USD. Ước tính cả năm 2023, nếu thị trường không có những biến động tiêu cực, trao đổi thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Israel có thể đạt mức xấp xỉ 2,5 tỷ USD, tăng khoảng 12% so với năm 2022.

Hà Hương (Thực hiện)

Theo: Báo Công Thương