Thúc đẩy quan hệ truyền thống Việt Nam-Kazakhstan lên tầm cao mới Hợp tác kinh tế là trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Kazakhstan |
Tại buổi gặp gỡ báo chí thông tin về tình hình kinh tế, xã hội Kazakhstan, mục tiêu, kế hoạch hợp tác quốc tế năm 2024, chiều ngày 15/1, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Kazakhstan tại Việt Nam Kanat Tumysh cho biết năm 2023, công tác cải cách chính trị, các vấn đề xã hội cấp bách đã được Kazakhstan thực hiện một cách nhất quán và thành công.
Theo đại sứ Kanat Tumysh, năm nay là một năm đặc biệt quan trọng, đặt nền móng cho chu kỳ 5 năm phát triển tiếp theo của Kazakhstan. "Trong năm 2024, Kazakhstan sẽ tiếp tục hướng tới nhiệm vụ chuyển đổi mô hình kinh tế mới, trong đó mục tiêu chiến lược là tăng gấp đôi GDP vào năm 2029”- ông Kanat Tumysh cho hay.
Đại sứ Kanat Tumysh khẳng định, Việt Nam hiện là đối tác quan trọng trong ASEAN và tại khu vực châu Á. Kazakhstan sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Việt Nam và đây sẽ tiếp tục là một trong những trọng tâm chính sách đối ngoại của Kazakhstan.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Kazakhstan tại Việt Nam Kanat Tumysh. Ảnh: HQ |
Theo đó, trên cơ sở mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai bên, Kazakhstan mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực truyền thống như đầu tư, thương mại, văn hoá, giáo dục, đồng thời thúc đẩy hợp tác ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống khác gồm: biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và an ninh năng lượng.
Đại sứ Kanat Tumysh chia sẻ, hợp tác thanh niên giữa Việt Nam và Kazakhstan có thể được phát triển theo khuôn khổ song phương và đa phương. “Tới đây, Đại sứ quán Kazakhstan tại Việt Nam sẽ có các cuộc hội thảo nhằm thảo luận về phương hướng liên kết hợp tác với các trường đại học, học viện của Việt Nam như Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Ngoại giao và Đại học Hà Nội…”- Đại sứ Kanat Tumysh cho hay.
Bên cạnh đó, Đại sứ Kanat Tumysh cho rằng, ẩm thực là một trong những lĩnh vực góp phần phát triển hợp tác thanh niên hai nước. Hiện, ẩm thực hai nước có nhiều nét tương đồng, như món mỳ kespe của Kazakhstan và phở Việt Nam sử dụng nguyên liệu tương đối giống nhau.
Về hợp tác thương mại, kể từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu chính thức có hiệu lực vào tháng 10 năm 2016, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam với Kazakhstan đã tăng trưởng rất tích cực, trung bình khoảng 28%/năm trong giai đoạn 2017 - 2021.
Năm 2022, mặc dù phải đương đầu với những khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Kazakhstan vẫn đạt 583,7 triệu USD, Kazakhstan vẫn tiếp tục là nước có kim ngạch xuất nhập khẩu với Việt Nam lớn thứ hai trong các nước thành viên Liên minh kinh tế Á - Âu (bao gồm 5 nước: Liên bang Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan). Tuy nhiên, quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư giữa hai bên vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng vốn có của hai nước.
Kazakhstan với vị trí địa lý thuận lợi, ngày nay đã trở thành trung tâm vận tải và trung chuyển toàn cầu hiện đại, kết nối các thị trường lớn và phát triển nhanh của Trung Quốc và Nam Á với Liên bang Nga và Tây Âu bằng đường bộ, đường sắt và cảng trên biển Caspi. Còn Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu khoáng sản, nguyên liệu của Kazakhstan để phục vụ sản xuất, đồng thời có thể xuất khẩu các mặt hàng như điện tử, dệt may, giày dép, nông lâm thủy hải sản… mà thị trường Kazakhstan có nhu cầu.
Từ tiềm năng hợp tác thương mại, thời gian tới, Đại sứ Kanat Tumysh, Kazakhstan mong muốn thúc đẩy hợp tác đường sắt với Việt Nam thông qua tuyến Hành lang Đông Tây xuyên Caspi. Cụ thể, Việt Nam có thể đóng vai trò cửa ngõ để Kazakhstan hợp tác với các nước ở khu vực Đông Nam Á và Kazakhstan sẽ là cầu nối để Việt Nam hợp tác với các nước Trung Á, góp phần thúc đẩy trao đổi giao thương, xuất nhập khẩu hàng hoá thuận lợi.
Đặc biệt, đề cập về việc nâng cấp tuyến đường sắt Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Đại sứ Kanat Tumysh khẳng định đây sẽ là tiền đề quan trọng để thúc đẩy việc xây dựng một hành lang liên vận giữa Việt Nam - Trung Quốc - Kazakhstan. Hiện tại Kazakhstan đã có tuyến đường sắt nối từ Côn Minh đến Kazakhstan và từ đó đến Istanbul, hay xa hơn là châu Âu. Với hành lang liên vận này, hàng hóa từ Việt Nam có thể được vận chuyển đến châu Âu trong khoảng hai tuần.
Theo kế hoạch, Đại sứ quán Kazakhstan sẽ tổ chức hội thảo quốc tế nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực vận tải đường sắt trong năm 2024. Dự kiến, hội thảo sẽ có sự tham dự của các cơ quan liên quan của Việt Nam như Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, doanh nghiệp vận tải, lữ hành và các cơ quan ngoại giao của một số nước tại Việt Nam như Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan và các nước ASEAN.
Bảo Thoa
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|