Đại lý ngân hàng: Cần một hành lang pháp lý đủ rộng để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt

(Banker.vn) Ngân hàng Nhà nước đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt trình Chính phủ ban hành. Dự thảo lần đầu tiên có quy định cho phép các ngân hàng uỷ thác cho các bên thứ ba làm đại lý thực hiện một số dịch vụ cơ bản như mở tài khoản, nạp rút tiền mặt, chuyển tiền, thu hộ chi hộ với hạn mức nhỏ.

Một trong những chính sách được chờ đợi nhất tại Dự thảo Nghị định là chính sách về đại lý thanh toán, hay còn gọi là đại lý ngân hàng. Chính sách này sẽ cho phép các ngân hàng uỷ thác cho các bên thứ ba thực hiện một số dịch vụ cơ bản như mở tài khoản, nạp rút tiền mặt, chuyển tiền, thu hộ chi hộ với hạn mức nhỏ. Các ngân hàng có trách nhiệm giám sát hoạt động của đại lý và trả hoa hồng/phí đại lý theo thỏa thuận. Được biết, nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực đã cho phép hoạt động đại lý ngân hàng với mô hình thành công khác nhau. Tại Việt Nam, trong thời gian qua NHNN cũng đã triển khai thí điểm 3 mô hình đại lý ngân hàng của MBank, PGBank và Vietcombank với những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, với quan điểm thận trọng và quan ngại về rủi ro, NHNN đã quy định nhiều hạn chế lên mô hình này, đặc biệt đối với các đại lý là doanh nghiệp phi ngân hàng, chẳng hạn như quy định các đại lý phải là doanh nghiệp nhưng 80% phải hoạt động tại khu vực nông thôn, tổng giá trị giao dịch không hơn 200 triệu/ngày đồng thời không được thu phí cao hơn phí niêm yết tại ngân hàng. Đồng thời mỗi ngân hàng bị cấm giao đại lý là tổ chức phi ngân hàng nhiều hơn số lượng chi nhánh hiện có. Các hạn chế này khiến cho giới ngân hàng quan ngại chính sách mới khó có tính khả thi trên thực tế.

Không chỉ từ góc độ kinh doanh ngân hàng, mà từ phía các chuyên gia pháp lý cũng có nhiều quan điểm cho rằng quy định tại Dự thảo sẽ không phù hợp với một loạt các văn bản luật quan trọng như Luật Thương mại, Luật Đầu tư và Luật Cạnh tranh.

Theo Luật sư Trần Thành Quyết, Đoàn luật sư Hà Nội , dự thảo Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt là văn bản hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng, trong luật này chỉ quy định về việc các tổ chức tín dụng được thực hiện nghiệp vụ đại lý tại Điều 106. Như vậy, cơ sở pháp lý của hoạt động đại lý ngân hàng phải là chế định đại lý thương mại tại Luật Thương mại. Theo Điều 166 của Luật Thương mại, đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hoá cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao. Đồng thời, theo quy định tại mục 4 Chương V của Luật Thương mại, hoạt động đại lý được thực hiện theo sự thoả thuận của hai bên, trong đó bao gồm cả việc đại lý có quyền hưởng thù lao thông qua chênh lệch giữa giá dịch vụ mình cung cấp với giá của bên giao đại lý. Như vậy, việc dự thảo Nghị định buộc các đại lý thanh toán không được thu phí cao hơn mức phí niêm yết của ngân hàng giao đại lý là hạn chế trái luật.

Ở một góc nhìn khác, ông Phùng Anh Tuấn- Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính, Giám đốc Công ty Luật VCI-Legal nhìn nhận: Theo quy định của dự thảo, trong mọi trường hợp NH giao đại lý sẽ chịu trách nhiệm đối với hoạt động của đại lý. Ngoài ra theo quy định hiện tại về quản trị rủi ro, các NH cũng phải tự đảm bảo việc tuân thủ hệ số an toàn vốn CAR cho toàn bộ hệ thống của mình. Vì vậy, để chính sách có tính khả thi, đem lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, cơ quan soạn thảo nên điều chỉnh dự thảo theo hướng mở để các NH, tổ chức trung gian thanh toán và các đơn vị hữu quan có không gian cơ chế linh hoạt hơn trong việc lựa chọn và giao đại lý theo các điều kiện, khả năng và chiến lược cụ thể của từng đơn vị, thay vì áp dụng những hạn chế cứng như nêu trên. Ngoài ra, để dự thảo trên khả thi, thì cần tạo hành lang pháp lý thuận tiện hơn nữa.

Một hạn chế khác có trong tại Dự thảo Nghị định lần này là quy định mỗi ngân hàng có số lượng đại lý là tổ chức khác không vượt quá số lượng chi nhánh hiện có. Theo đánh giá của các chuyên gia, quy định này sẽ khiến các ngân hàng nhỏ gặp nhiều khó khăn khi mở đại lý, trong khi chính họ mới là đối tượng có nhu cầu đại lý hơn các ngân hàng lớn có sẵn nhiều chi nhánh. Theo đề xuất của NHNN, các ngân hàng nhỏ có thể giao đại lý cho các ngân hàng lớn có nhiều chi nhánh, phòng giao dịch để mở rộng phạm vi hoạt động. Tuy nhiên, theo đại diện một ngân hàng thương mại, từ góc độ kinh doanh, đề xuất này rất khó thực hiện: “Không kể đến vấn đề cạnh tranh, nhận diện thương hiệu, về kỹ thuật một ngân hàng không thể sử dụng hệ thống của ngân hàng khác để cung cấp dịch vụ được. Do đó, mặc dù Luật Các tổ chức tín dụng từ năm 2010 đã cho phép, việc một ngân hàng làm đại lý cho ngân hàng khác là khó khả thi. Nếu mục tiêu chính sách là mở rộng độ phủ dịch vụ ngân hàng, giúp ngân hàng tìm kiếm khách hàng mới thì đối tượng ưu tiên phải là các đại lý nằm ngoài hệ thống ngân hàng hiện tại”.

Đại lý ngân hàng đang là một mô hình mới mẻ tại Việt Nam và mới được thí điểm ở 3 ngânhàng thương mại, nhưng trên thế giới, mô hình này đã có hàng chục năm tồn tại và phát triển, được đánh giá là “cánh tay nối dài” của các ngân hàng tới khách hàng ở vùng xa, khu vực chưa tiếp cận được nhiều tới dịch vụ tài chính hiện đại.

Cơ quan quản lý đã rất cầu thị lấy ý kiến cho một dự thảo Nghị định được xem là tạo động lực lớn cho phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Vì thế, bên cạnh việc có thể kế thừa kinh nghiệm hoạt động của mô hình này từ các quốc gia đã đi trước thì lắng nghe những ý kiến từ thực tế, đa chiều để có một hành lang chính sách hoàn thiện, đầy đủ là điều mà doanh nghiệp và người dân cần, để có một môi trường kinh doanh lành mạnh, cởi mở, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Nguyên Bùi

Theo Báo Công thương

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục