Đại hội cổ đông VPBank 2023: Hé lộ chiến lược mạnh mẽ, tham vọng 5 năm tới

(Banker.vn) Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã đặt những kế hoạch mạnh mẽ, tham vọng trong năm nay và 5 năm tới.
Đại hội cổ đông VPBank: 97% khách hàng được cơ cấu nợ đã trả nợ, tự tin kế hoạch gần 30.000 tỷ lợi nhuận VPBank chinh phục khách hàng doanh nghiệp bằng nhiều điểm chạm đắt giá VPBank nhận giải Ứng dụng Ngân hàng Điện tử tốt nhất Việt Nam

Kết quả kinh doanh ấn tượng

Chiều 18/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank mã chứng khoán VPB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2022, ông Nguyễn Đức Vinh, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc VPBank cho biết, quy mô vốn chủ sở hữu hợp nhất của VPBank đã chính thức cán mốc hơn 103 nghìn tỷ tại thời điểm cuối năm. Ngân hàng cũng đã thực hiện phát hành cổ phiếu với tỷ lệ 50% để chia cổ tức cho cổ đông, từ đó tăng vốn điều lệ lên 67 nghìn tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống.

Với nguồn vốn dồi dào sau thương vụ bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit cho SMBC năm 2021, VPBank đã tiến hành tăng vốn điều lệ cho công ty con VPBankS lên hơn 15 nghìn tỷ đồng, đưa VPBankS trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất. Ngân hàng cũng đã hoàn tất việc mua công ty cổ phần bảo hiểm OPES với tỷ lệ sở hữu 98%.

Tổng giám đốc VPBank cũng cho biết, năm 2022, lần đầu tiên ngân hàng này gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận tỷ đô với việc báo lãi trước thuế ngân hàng riêng lẻ đạt hơn 24.000 tỷ đồng, tăng trưởng 71,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Đại hội cổ đông VPBank 2023: Hé lộ chiến lược mạnh mẽ, tham vọng 5 năm tới
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của ngân hàng VPBank

Bên cạnh những kết quả kinh doanh ấn tượng, năm 2022 VPBank đồng thời ghi nhận hàng loạt dấu ấn, khẳng định vị thế dẫn đầu như: VPBank được định giá thương hiệu xếp thứ 173 (cải thiện 32 bậc) trên 500 ngân hàng đứng đầu thế giới về giá trị thương hiệu năm 2023 và thứ 11 trong top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam do Công ty tư vấn định giá thương hiệu Brand Finance công bố. Thành công trong việc tái định vị thương hiệu và tuyên bố sứ mệnh mới “Vì một Việt Nam thịnh vượng" cùng với chiến dịch “Light up Vietnam".

Lần thứ 2 liên tiếp VPBank được Tạp chí Asia Risk vừa vinh danh là “Ngân hàng xuất sắc nhất năm - Vietnam House of TheYear 2022" trong lĩnh vực Quản trị rủi ro. Ứng dụng VPBank NEO đã xuất sắc trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam được vinh danh trong hạng mục giải thưởng “Ứng dụng Ngân hàng Điện tử tốt nhất Việt Nam" của The Asian Banker. VPBank còn được vinh danh là Ngân hàng số hóa xuất sắc nhất dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam năm 2022 (Excellence in Innovation - Digital Banking for SME Vietnam 2022) do Tạp chí Global Banking & Finance Review đánh giá.

Moody's đã đánh giá điểm ESG của VPBank đạt mức 2 trên thang điểm 5, (trong đó 1 là cao nhất) nhờ những chiến lược rõ ràng và hệ thống quản trị hiệu quả, sánh ngang với các tổ chức tín dụng hàng đầu trong khu vực. VPBank là ngân hàng duy nhất trong khu được IFC trao tặng giải thưởng “Ngân hàng dẫn đầu về Tài chính Khí hậu khu vực Đông Á và Thái Bình Dương năm 2022” hạng mục “Tổ chức tài chính đạt được Mục tiêu Khí hậu cao nhất trong năm tài chính". FE CREDIT đã vinh dự nhận giải thưởng “Thương Hiệu Số 1 Việt Nam 2022" do Trung tâm Nghiên cứu phát triển doanh nghiệp châu Á tổ chức…

Mặc dù đạt được những kết quả ấn tượng, tuy nhiên lãnh đạo VPBank cũng thừa nhận, năm 2022, VPBank cũng gặp nhiều thách thức trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước gặp nhiều khó khăn. Sau hơn 10 năm hoạt động, FE Credit lần đầu tiên không đem lại hiệu quả, báo lỗ, ảnh hưởng đến kết quả chung của ngân hàng. Cuộc khủng hoảng về thanh khoản trên thị trường tiền tệ bắt nguồn từ một số doanh nghiệp bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, dẫn đến các áp lực lớn tới các ngân hàng. Trong bối cảnh đó, Ban lãnh đạo VPBank xác định, ưu tiên hàng đầu là thanh khoản, quản trị rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống. Nhờ nền tảng vốn được củng cố, năm qua, VPBank là một trong những nhà băng được Ngân hàng Nhà nước ưu tiên 'room' tín dụng.

Về khó khăn của thị trường bất động sản, ông Nguyễn Đức Vinh đánh giá, thị trường bất động sản đang nằm trong giai đoạn phát triển, trong quá trình đó có giai đoạn phát triển quá nóng, nhưng nó chưa đến mức khó khăn đến mức khủng hoảng hệ thống. Tương tự, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam chưa lớn. Giai đoạn đầu, một số trái phiếu doanh nghiệp chưa đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng. Năm qua, một số trái phiếu doanh nghiệp thực sự xấu đã ảnh hưởng tới thị trường chung, ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư, người gửi tiền. Tuy nhiên, phần lớn trái phiếu trên thị trường vẫn đảm bảo, có khả năng trả nợ.

"VPBank cũng là một trong các ngân hàng tham gia tư vấn, phát hành trái phiếu doanh nghiệp và hỗ trợ khách hàng. Thời gian qua, chúng tôi đã có nhiều biện pháp giúp đỡ doanh nghiệp phát hành, người đầu tư gỡ dần khó khăn" - ông Nguyễn Đức Vinh khẳng định.

Mục tiêu lớn cho năm 2023 và 5 năm tới

Tại Đại hội đồng cổ đông chiều nay Tổng giám đốc VPBank cũng cho biết, năm 2023, HĐQT đã thông qua Chiến lược 5 năm tới (2022 - 2026) mạnh mẽ và tham vọng. “Chúng tôi tham vọng nhưng không viển vông. Những gì Ban lãnh đạo dự kiến và tập trung làm đều dựa trên các nền tảng lớn mà ngân hàng đã đạt được đó là nguồn vốn rất lớn, hạ tầng, ngân hàng số, tín dụng, bảo hiểm…” - đại diện VPBank nói.

Đại hội cổ đông VPBank 2023: Hé lộ chiến lược mạnh mẽ, tham vọng 5 năm tới
Năm 2023, HĐQT VPBank đã thông qua Chiến lược 5 năm tới (2022 - 2026) mạnh mẽ và tham vọng

Trước đây, chiến lược của VPBank là tập trung vào tài chính tiêu dùng, bán lẻ, khách hàng SME (doanh nghiệp nhỏ và vừa). Tuy nhiên, với sự đồng hành của nhà đầu tư chiến lược đến từ Nhật Bản, VPBank định hướng xây dựng một tập đoàn tài chính đa năng, với sự nổi bật của công nghệ, sáng tạo. Đây là thời điểm VPBank mở rộng hoạt động, tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng 30-35% trong vòng 3-5 năm tới, nhờ bệ đỡ vốn vững chắc. Nếu không có gì thay đổi, cuối năm nay, VPBank sẽ đạt vốn chủ sở hữu 150.000 tỷ đồng.

Năm 2023, VPbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế vượt 24.000 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2022 và lần đầu vượt mốc 1 tỷ USD. Tuy nhiên, năm 2022, VPBank ghi nhận khoản thu nhập bất thường khoảng 7.000 tỷ đồng từ doanh thu trả trước của hợp đồng bảo hiểm độc quyền tái ký với AIA. Do đó, nếu loại trừ khoản thu nhập bất thường này, với lợi nhuận vượt 1 tỷ USD, năm nay tăng trưởng lợi nhuận của VPBank là 53% nếu tính trên hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Ngoài ra, năm 2023, ngân hàng đặt mục tiêu tăng tổng tài sản 39% lên 877.000 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 41% lên 518.000 tỷ đồng. Dư nợ cấp tín dụng tăng 33% lên 636.000 tỷ đồng. Mức tăng trưởng tín dụng thực tế sẽ được thực hiện dựa trên các hạn mức tối đa/quy định của Ngân hàng Nhà nước. Nợ xấu kiểm soát dưới 3%.

Về phân chia lợi nhuận, năm nay, VPBank không đưa ra kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu mà chỉ chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 10%, thực hiện vào khoảng quý II - quý III/2023.

Thời gian cụ thể do Hội đồng quản trị quyết định, đảm bảo phù hợp quy định pháp luật và các điều kiện thực tế của ngân hàng. Với tỷ lệ này, VPBank sẽ chi 7.934 tỷ đồng trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông. Ngay khi lãnh đạo VPBank đọc tờ trình chia cổ tức tiền mặt, hàng loạt cổ đông đã nhiệt liệt vỗ tay.

Tại Đại hội đồng cổ đông lần này, HĐQT cũng trình cổ đông thông qua việc sẽ bán 1,19 tỷ cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản - Sumitomo Mitsui Banking Corporation với giá 30.159 đồng/cổ phiếu, theo thỏa thuận vừa ký kết hôm 27/3. Số cổ phiếu này tương đương 15% vốn cổ phần VPBank (sau phát hành).

Số tiền thu về là 35.904 tỷ đồng. Sau thương vụ, vốn điều lệ của VPBank sẽ tăng từ 67.434 tỷ đồng lên 79.339 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu từ 103,5 nghìn tỷ đồng lên xấp xỉ 140 nghìn tỷ. Qua đó, đưa VPBank trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 tại Việt Nam.

Với nguồn vốn điều lệ tăng thêm vào khoảng 11.905 tỷ đồng, VPBank sẽ sử dụng 5.000 tỷ để tăng trưởng nguồn vốn trung dài hạn, để phục vụ nhu cầu cấp tín dụng của khách hàng; 6.000 tỷ để đầu tư góp vốn mua cổ phần công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm và các kế hoạch đầu tư góp vốn khác. Ngoài ra, 905 tỷ đồng đầu tư vào hạ tầng, cơ sở vật chất, phát triển hệ thống công nghệ thông tin,…

Ngoài ra, năm nay, VPBank dự định phát hành 30,22 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn dành cho cán bộ nhân viên (ESOP), với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến thu về 302,2 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại Đại hội đồng cổ đông năm nay, VPBank cũng trình cổ đông thống nhất đầu tư góp vốn, hợp tác, liên doanh, liên kết. Trong đó, Đại hội đồng cổ đông thống nhất về mặt chủ trương và thông qua các phương án/giao dịch VPBank thực hiện góp vốn/mua cổ phần, thành lập hoặc mua lại công ty con, liên kết, hợp tác, tham gia vào các phương án cơ cấu lại/hỗ trợ tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng yếu kém hoặc các hình thức khác với các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác.

Lãnh đạo cho biết, VPBank là 1 trong 4 ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém song tất cả vẫn đang trong quá trình nghiên cứu triển khai, chưa thể công bố chi tiết thêm.

Thùy Linh

Theo: Báo Công Thương