Đại gia nuôi lợn Dabaco (DBC) "đại thắng"

(Banker.vn) Sau hai quý liền thua lỗ, “đại gia” ngành chăn nuôi Dabaco đã chính thức trở lại với kết quả kinh doanh quý II tăng trưởng ngoạn mục.
Đại gia nuôi lợn Dabaco (DBC)
"Đại gia” ngành chăn nuôi Dabaco đã chính thức trở lại với kết quả kinh doanh quý II/2023 tăng trưởng ngoạn mục

Mới đây, Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HOSE: DBC) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023.

Theo đó, với mức tăng trưởng 17% so với cùng kỳ, doanh thu của “ông lớn” ngành chăn nuôi đã trở lại vùng đỉnh lịch sử, đạt 3.473 tỷ đồng. Cùng với đó, nhờ giá vốn hàng bán chỉ lên gần 5%, chậm hơn mức tăng doanh thu, Dabaco lãi gộp hơn 662 tỷ đồng, tăng 132% so với quý II/2022.

Sau cùng, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này đạt 327 tỷ đồng, gấp 23 lần con số ít ỏi 14 tỷ đồng ghi nhận hồi quý II/2022.

Giải trình về nguyên nhân lợi nhuận tăng vọt, Dabaco cho biết, quý II/2023, giá một số nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước và nhập khẩu giảm, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm từng bước được kiểm soát, giá lợn hơi tăng dần đã khiến cho kết quả kinh doanh của lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và kết quả của các công ty chăn nuôi tốt hơn so với cùng kỳ năm trước.

Đối với riêng Dabaco, trong kỳ kinh doanh này, doanh nghiệp cũng ghi nhận doanh thu và lợi của dự án chung cư cao cấp Parkview tại TP. Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh).

Đại gia nuôi lợn Dabaco (DBC)
Doanh thu quý II trở lại vùng đỉnh, lợi nhuận của Dabaco theo đó tăng vọt

Đáng nói, việc doanh thu quý II trở lại vùng đỉnh, đã bù đắp cho sự sụt giảm ghi nhận tại chỉ tiêu này hồi quý I, kéo doanh thu luỹ kế 6 tháng đầu năm đạt 5.787 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Theo thuyết minh của Dabaco, nguồn thu chính của doanh nghiệp trong nửa đầu năm là từ hoạt động bán thành phẩm sản xuất khi doanh thu mảng này chiếm tới 84% cơ cấu, đạt 4.880 đồng. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng chính lại đến từ lĩnh vực bất động sản khi ghi nhận doanh thu đạt gần 754 triệu đồng, tăng gần 6 lần so với cùng kỳ.

Cũng cần nói thêm, trong báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 của Dabaco không ghi nhận doanh thu từ bất động sản. Như vậy, khoản tiền này là do dự án Parkview mang về trong quý II.

Đại gia nuôi lợn Dabaco (DBC)
Thuyết minh của Dabaco về cơ cấu doanh thu luỹ kế 6 tháng đầu năm

Không chỉ doanh thu có tăng trưởng ấn tượng, lợi nhuận quý II bứt phá đã “xoá sạch” khoản lỗ kỷ lục 321 tỷ đồng của quý I, đưa lợi nhuận luỹ kế nửa đầu năm dương trở lại, đúng như lời dự báo được ông Nguyễn Khắc Thảo, Tổng giám đốc Dabaco đưa ra hồi cuối tháng 6. Tuy nhiên, do khoản lỗ quý I quá lớn, lợi nhuận 6 tháng đầu năm của doanh nghiệp này chỉ đạt 6 tỷ đồng, giảm 74% so với cùng kỳ.

Được biết, trong năm 2023, Dabaco đặt mục tiêu doanh thu đạt 24.562 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 569 tỷ đồng. Đây sẽ là mức doanh thu cao nhất trong lịch sử của Dabaco, nếu doanh nghiệp này đạt được kế hoạch.

Tuy nhiên, kết thúc nửa đầu năm, doanh nghiệp này đã thực hiện được 24% chỉ tiêu doanh thu và chỉ 1% mục tiêu lợi nhuận.

Trên thị trường, cổ phiếu DBC đang phục hồi tốt. Theo đà đi lên của giá lợn hơi, mã cổ phiếu này cũng đã tăng tới 73% so với hồi đầu tháng 5. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/7, cổ phiếu DBC tăng 3,4% lên mức 26.000 đồng/cp, khối lượng khớp lệnh đạt 7,55 triệu đơn vị.

Kỳ vọng từ “sân chơi” vaccine dịch tả lợn châu Phi

Trong một diễn biến khác, theo kế hoạch được chia sẻ tại Đại hội cổ đông năm 2023 của Dabaco, “đại gia” ngành chăn nuôi dự kiến sản xuất vaccine thương mại sớm nhất quý IV/2023, đặt mục tiêu làm 3 loại vaccine đầu tiên. Ngoài vaccine dịch tả lợn châu Phi đang nghiên cứu, doanh nghiệp này đã ký hợp đồng sản xuất dịch tả lợn cổ điển và hướng đến sản xuất vaccine dịch lở mồm long móng.

Cũng tại cuộc họp này, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Như So đã cập nhật tiến độ dự án nhà máy vaccine của Dabaco. Theo kết quả thử nghiệm, cả 3 lô đã đạt tỷ lệ 100%. Trước đó, dù đạt kết quả thử nghiệm ở phòng thí nghiệm tốt, lần thử nghiệm thứ 2 đã có lô không thành công.

Được biết, Dabaco đã đầu tư vào nhà máy vaccine 300 tỷ đồng. Đây là dự án cần rất nhiều thời gian bởi bởi mỗi lần thử nghiệm đều mất vài tháng. Nếu vaccine thành công, Chủ tịch Dabaco khẳng định sẽ hướng đến xuất khẩu.

Đại gia nuôi lợn Dabaco (DBC)
Thị trường vaccine dịch tả lợn châu Phi được đánh giá là một thị trường quy mô hàng tỷ USD

Hiện nay, thị trường vaccine dịch tả lợn châu Phi được giới chuyên môn đánh giá là một thị trường lớn, quy mô hàng tỷ USD khi mà nhiều quốc gia trên thế giới chưa có giải pháp cho dịch bệnh này.

Theo tìm hiểu, dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện lần đầu năm 1921 tại các quốc gia châu Phi. Đây là loại bệnh truyền nhiễm do một loại virus gây bệnh sốt xuất huyết gây ra, có tốc độ lây lan rất nhanh và xảy ra với mọi loài lợn, gây thiệt hại nghiêm trọng vì tỷ lệ chết lên đến 100%.

Năm 2019, dịch bệnh này đã xuất hiện tại Việt Nam và lây lan nhanh chóng trong phạm vi cả nước. Chỉ trong vòng hơn một năm, 6 triệu con lợn đã phải tiêu hủy, tương đương mức thiệt hại 30.000 tỷ đồng. Do đó, vấn đề về vaccine đang là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp chăn nuôi hiện nay.

Đầu tuần này, Việt Nam đã công nhận 2 loại vaccine dịch tả lợn châu Phi là NAVET-ASFVAC của Công ty CP Thuốc thú y Trung ương NAVETCO và AVAC ASF LIVE của Công ty CP AVAC Việt Nam được phép sản xuất thương mại và lưu hành trên cả nước. Riêng đối với vaccine do Dabaco thử nghiệm, công ty vẫn đang trong giai đoạn cuối cùng để có thể đưa sản phẩm ra thương mại hóa.

Hà Lê

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán