Đại gia Nguyễn Cao Trí vừa bị chặn mọi giao dịch sở hữu hệ sinh thái “đồ sộ” cỡ nào?

(Banker.vn) Hệ sinh thái của doanh nhân Nguyễn Cao Trí có cấu trúc “đồ sộ”, trải rộng trên nhiều lĩnh vực: bất động sản, kinh doanh quán bar, nhà hàng (F&B), trung tâm hội nghị tiệc cưới, giáo dục...
Đại gia Nguyễn Cao Trí vừa bị chặn mọi giao dịch sở hữu hệ sinh thái “đồ sộ” cỡ nào?
Ông Nguyễn Cao Trí bị chặn mọi giao dịch vì có liên quan đến vụ án Khu đô thị Nam Đà Lạt

Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản gửi các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn về việc ngăn chặn giao dịch đối với quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của ông Nguyễn Cao Trí (sinh năm 1970, trú tại quận 3, TP. Hồ Chí Minh), Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư du lịch Sài Gòn – Đại Ninh.

Động thái trên được thực hiện sau khi Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng nhận được công văn của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) về việc phối hợp điều tra vụ án liên quan đến ông Nguyễn Cao Trí.

Đại gia Nguyễn Cao Trí và “hệ sinh thái” đồ sộ

Mặc dù hiếm khi xuất hiện trên truyền thông, nhưng doanh nhân Nguyễn Cao Trí là một nhân vật nổi danh trong giới “đại gia” Sài thành nhờ tiềm lực tài chính “khủng” và “hệ sinh thái” đa ngành đồ sộ.

Được biết, doanh nhân này theo học Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và đã đạt học vị Tiến sĩ Kinh tế, chuyên ngành Quản trị Kinh doanh.

Trên thương trường, cái tên “Nguyễn Cao Trí” bắt đầu được biết tới khi doanh nhân này đảm nhiệm những chức vụ cấp cao tại các công ty thành viên của Tập đoàn Bến Thành (Bến Thành Group), như Giám đốc Đầu tư tại Công ty Bến Thành Tourist từ năm 1999 đến năm 2005, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Địa ốc Bến Thành (Bến Thành Land) từ năm 2006 đến năm 2014.

Đáng chú ý, năm 2015, sau khi Bến Thành Group thoái vốn tại Bến Thành Land, ông Nguyễn Cao Trí đã gây dựng thương hiệu Capella Holdings cho riêng mình và bắt đầu chuyển trọng tâm kinh doanh sang lĩnh vực ẩm thực - giải trí (F&B Hospitality). Dưới sự dẫn dắt của ông Trí trong vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, Capella Holdings ngày càng được khẳng định vị thế trong lĩnh vực F&B khi sở hữu 9 tụ điểm ăn chơi đình đám Sài thành. Được biết, hệ thống này gồm các thương hiệu quán bar Air 360 Sky Bar, Chill Bar, La Vie En Rose Live Music & Bar; trung tâm hội nghị tiệc cưới Riverside Palace, Claris Palace, Capella Park View, Capella Center và các nhà hàng Hoa, Nhật, Việt Nam là San Fu Lou, Sorae, Dì Mai.

Đại gia Nguyễn Cao Trí vừa bị chặn mọi giao dịch sở hữu hệ sinh thái “đồ sộ” cỡ nào?
Capella Holdings sở hữu những tụ điểm ăn chơi đình đám Sài thành.

Năm 2018, chủ nhân Capella Holdings cho thấy tiềm lực tài chính vào loại “khủng” khi chi ra hơn 30 triệu USD để thâu tóm “lâu đài” Tajmasago và nhà hàng Cham Charm từ doanh nhân Hoàng Khải (Khải Silk).

Trước đó, để mở rộng hệ sinh thái F&B, năm 2017 ông Nguyễn Cao Trí “lấn sân” sang ngành sữa khi đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT của Lothamilk - một doanh nghiệp ngành sữa từng giữ vị trí thứ 3 tại Việt Nam, chỉ sau hai “ông lớn” Vinamilk và TH True Milk. Sau hai năm, ông Trí kiêm nhiệm thêm chức Tổng Giám đốc và đại diện pháp luật của doanh nghiệp này.

Năm 2017 cũng đánh dấu một bước đi mới trong sự nghiệp của ông Trí khi doanh nhân này quyết định tham gia lĩnh vực giáo dục với việc thành lập Công ty CP Tập đoàn Đầu tư và Quản lý giáo dục Văn Lang với số vốn điều lệ 404,7 tỷ đồng. Đây là chủ sở hữu Đại học Văn Lang, một trong những trường đại học tư nhân đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh.

Theo tìm hiểu, doanh nhân Nguyễn Cao Trí không chỉ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT của tập đoàn Văn Lang mà còn giữ vai trò đại diện tại các đơn vị giáo dục khác như Công ty CP Dịch vụ và Nhân lực quốc tế Văn Lang, Công ty TNHH US Talent International – UTI và Chủ tịch hội đồng trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Trong lĩnh vực ngân hàng, năm 2021, đại gia này đã mua vào gần 580.000 cổ phiếu SGB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) và tham gia vào HĐQT ngân hàng này. Tuy nhiên, đầu năm 2023, ông bất ngờ bị công bố “đương nhiên mất tư cách, không còn là thành viên HĐQT Saigonbank”.

Ngoài ra, ông chủ của Capella Holdings còn tham gia lĩnh vực bóng đá từ đầu năm 2020 với vai trò Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển bóng đá Sài Gòn, chủ quản của câu lạc bộ Sài Gòn FC.

Loạt doanh nghiệp bất động sản và dự án “tai tiếng” Khu đô thị Nam Đà Lạt

Đáng nói, dù thành công trong lĩnh vực F&B nhưng Capella Holdings của ông Nguyễn Cao Trí xuất phát điểm là một doanh nghiệp địa ốc và có một thực tế là, đại gia này cũng liên tục thành lập, liên kết và tạo ra một loạt các pháp nhân hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Có thể đến một số cái tên như Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Quảng Trường Thời Đại Bến Thành; Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Bến Thành; Sàn giao dịch Bất động sản Bến Thành - Đức Khải.

Tuy nhiên, nổi bật nhất phải kể tới Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội (Khahomex), doanh nghiệp địa ốc duy nhất thuộc “hệ sinh thái” Nguyễn Cao Trí được niêm yết cổ trên sàn chứng khoán với cổ phiếu KHA. Được biết, cuối tháng 2/2023, cổ đông Khahomex đã thông qua việc công ty này không còn là công ty đại chúng theo luật chứng khoán và sẽ hủy niêm yết trên sàn UPCoM.Theo tìm hiểu, doanh nghiệp này sở hữu nhiều dự án bất động sản “đắc địa” tại khu vực quận 4, TP. Hồ Chí Minh, như: Chung cư Khahomex 1, 2, 3 và các cơ sở dịch vụ gia tăng gồm Trường Mầm non, Trung tâm hội nghị - tiệc cưới.

Ngoài ra, ông Trí cũng được cho là có liên quan tới Bến Thành Holdings - tập đoàn từng đề xuất rót hơn 65.000 tỷ đồng đầu tư vào 2 “siêu dự án” ở Quảng Ninh.

Đại gia Nguyễn Cao Trí vừa bị chặn mọi giao dịch sở hữu hệ sinh thái “đồ sộ” cỡ nào?
Dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt 25.000 tỷ của đại gia Nguyễn Cao Trí từng "thoát" thu hồi

Đặc biệt, không thể kể không nhắc tới Công ty CP Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh, nơi ông Trí đang đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc. Doanh nghiệp này là chủ đầu tư dự án Khu đô thị thương mại, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (tên gọi khác là Khu đô thị Nam Đà Lạt). Dự án này có diện tích lên tới hơn 3.500ha, tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 25.000 tỷ đồng, tọa lạc tại huyện Đức Trọng, cách TP Đà Lạt khoảng 45km về phía Nam.

Dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt từng tiêu tốn không ít giấy mực báo chí khi tháng 7/2020, Thanh tra Chính phủ đã công khai Kết luận thanh tra số 929/KL-TTCP, yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi đất do có vi phạm về pháp luật đất đai và đầu tư. Gần một năm sau đó, sau khi thành lập tổ công tác và tiến hành xác minh lại theo yêu cầu của Sài Gòn Đại Ninh, chính Thanh tra Chính phủ đã rút yêu cầu chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với dự án này.

Tuy nhiên, đầu tháng 6/2023, các cơ quan chức năng đã phát hiện sai phạm liên quan đến sự việc này. Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ. Trong khi đó, các thành viên còn lại của tổ thanh tra là ông Lê Quốc Khanh, ông Hoàng Văn Xuân, ông Nguyễn Nho Định đã bị Thanh tra Chính phủ đã kỷ luật với hình thức buộc thôi việc.

Chủ tịch Capella Holdings mua vào lượng lớn cổ phiếu SGB

Theo thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ông Nguyễn Cao Trí, Ủy viên Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP ...

Sài Gòn - Đại Ninh nợ tiền chuyển đổi hơn 166 ha đất tại siêu dự án hồ Đại Ninh

Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Lâm Đồng vừa có báo cáo về dự án Khu đô thị thương mại, dịch vụ, nghỉ ...

Cơ ngơi đáng nể của đại gia buôn đồng hồ triệu USD “Tùng vàng"

Ít ra biết rằng, bên cạnh chuỗi cửa hàng bán điện thoại, đồng hồ xa xỉ Luxury VIP, doanh nhân Phạm Quang Tùng còn sở ...

Thái Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán