“Đại gia” ngành mía đường rót thêm 178 tỷ đồng vào Điện Gia Lai (GEG)

(Banker.vn) TTC AgriS mới đây đã mua thêm 13 triệu cổ phiếu GEG, nâng tỷ lệ sở hữu lên mức 10,99%. Số tiền mà “đại gia” ngành mía đường bỏ ra ở thương vụ này rơi vào khoảng 178 tỷ đồng.
“Đại gia” ngành mía đường rót thêm 178 tỷ đồng vào Điện Gia Lai (GEG)
TTC AgriS đã chi khoảng 178 tỷ đồng để tăng tỷ lệ sở hữu tại Điện Gia Lai

Mới đây, Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS, HOSE: SBT) đã có báo cáo về việc thay đổi sở hữu tại Công ty CP Điện Gia Lai (HOSE: GEG).

Cụ thể, trong các ngày 22 và 27/11/2023, AgriS đã lần lượt mua vào 9,9 và 3,1 triệu cổ phiếu GEG. Theo đó, tổng số lượng cổ phiếu mà “đại gia” ngành mía đường nắm giữ tại Điện Gia Lai đã được nâng lên mức 38 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ sở hữu 10,99%.

AgriS cho biết, các giao dịch này được thực hiện nhằm mục đích sắp xếp lại danh mục đầu tư tại các công ty con.

Dữ liệu lịch sử hai phiên giao dịch 22/11 và 27/11 cho thấy, cổ phiếu GEG không phát sinh giao dịch thỏa thuận nào. Như vậy, khả năng cao AgriS đã mua vào cổ phiếu GEG thông qua phương thức khớp lệnh trên sàn. Chiếu theo thị giá cổ phiếu GEG, ước tính, doanh nghiệp này đã bỏ ra khoảng 178 tỷ đồng.

“Đại gia” ngành mía đường rót thêm 178 tỷ đồng vào Điện Gia Lai (GEG)
Dữ liệu lịch sử giao dịch cổ phiếu GEG

Theo tìm hiểu, Điện Gia Lai tiền thân là Công ty Thủy điện Gia Lai Kon Tum, được thành lập ngày 1/6/1989. Đến năm 2010, doanh nghiệp đã tiến hành cổ phần hóa với vốn điều lệ hơn 261 tỷ đồng.

Tháng 1/2013, Điện Gia Lai chính thức trở thành thành viên của Tập đoàn Thành Thành Công của gia đình “ông vua mía đường” Đặng Văn Thành và được xác định là đơn vị tiên phong, hạt nhân của tập đoàn này trong lĩnh vực năng lượng.

Hiện nay, doanh nghiệp này được xem là doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng mặt trời ở Việt Nam. Điện Gia Lai đã đầu tư và vận hành 2 nhà máy năng lượng mặt trời đầu tiên ở Việt Nam là Phong Điền (có công suất 48 MWp, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng) và Krông Pa (69 MWp, tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng).

Danh mục đầu tư điện mặt trời của Điện Gia Lai gồm 4 dự án đã vận hành thương mại. Ngoài 2 dự án kể trên, còn có 2 dự án khác là Dự án nhà máy điện mặt trời TTC Hàm Phú 2 và Dự án nhà máy điện Trúc Sơn.

Bên cạnh điện mặt trời, doanh nghiệp này còn trực tiếp và gián tiếp sở hữu 14 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ tiềm năng với tổng công suất 85,1MW chủ yếu tập trung ở Tây Nguyên (93%) và Bắc Trung Bộ (7%).

Về kết quả kinh doanh, quý III/2023, mặc dù doanh thu thuần đạt 566 tỷ đồng - mức cao nhất 6 quý nhưng lợi nhuận sau thuế của Điện Gia Lai “bốc hơi” gần hết so với cùng kỳ, chỉ còn vỏn vẹn 300 triệu đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt xấp xỉ 1.600 tỷ đồng - tương đương cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế giảm tới 68% , chỉ còn hơn 111 tỷ đồng. Theo đó, doanh nghiệp còn cách rất xa kế hoạch thu về 2.918 tỷ đồng doanh thu và 155 tỷ lãi sau thuế.

Trong diễn biến khác, về phía TTC AgriS, doanh nghiệp này mới đây đã ông bố kế hoạch phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2023. Theo đó, TTC AgriS dự kiến phát hành tối đa 5.000 trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, qua đó huy động 500 tỷ đồng.

Toàn bộ số tiền nói trên sẽ được TTC AgriS góp vốn hợp tác với Công ty CP Hàng tiêu dùng Biên Hòa (BHC) - công ty con do đơn vị này nắm 90% vốn.

Dự án hợp tác đầu tư và kinh doanh giữa TTC AgriS và BHC là dự án mở rộng thị phần nội địa, xuất khẩu các sản phẩm đường, cạnh đường và các sản phẩm thuộc ngành hàng thực phẩm, nước uống giải khát, sữa, bánh kẹo, có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 550 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh, kết thúc kỳ kinh doanh từ ngày 1/7 – 30/9/2023, TTC AgriS ghi nhận doanh thu đạt 6.366 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do chi phí lãi vay tăng mạnh, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đã bị bào mòn, chỉ đạt 217 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ.

Tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản của TTC AgriS đạt 30.763 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ, tập trung chủ yếu tại tài sản ngắn hạn. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn lên tới 11.044 tỷ đồng.

Ở phía bên kia bảng cân đối kế toán, cuối tháng 9, tổng nợ phải trả của TTC AgriS đạt 19.994 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay chiếm tới 59% tổng nợ, ghi nhận ở mức là 11.871 tỷ đồng, bao gồm 11.245 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 626 tỷ đồng nợ vay dài hạn.

Tổng dư nợ trái phiếu dài hạn tại cuối tháng 9 ghi nhận ở mức 733 tỷ đồng, gồm 416 tỷ đồng trái phiếu dài hạn đến hạn trả và 317 tỷ đồng trái phiếu dài hạn.

TTC AgriS (SBT) muốn huy động 500 tỷ đồng trái phiếu để mở rộng thị phần nội địa, xuất khẩu mảng đường

Mới đây, Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS, HOSE: SBT) đã công bố kế hoạch phát hành trái phiếu riêng ...

Điện Gia Lai (GEG) lập công ty con vốn 100 tỷ đồng, hoạt động trong mảng năng lượng tái tạo

Thời gian gần đây, cổ đông GEG biến động khá mạnh. Tháng 12/2022, International Finance Corporation (IFC - Tổ chức tài chính quốc tế) chuyển ...

Điện Gia Lai (GEG): Cải thiện tình trạng công nợ, giải tỏa áp lực dòng tiền nhờ EVN tăng giá điện 3%

Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) vừa gửi báo cáo phân tích hoạt động của Công ty CP Điện Gia Lai (HOSE: GEG) tới ...

Thái Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục