Doanh nghiệp là linh hồn sống của nền kinh tế
Sáng 1/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp tại hội trường Quốc hội sáng 1/6 |
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa - đoàn Lạng Sơn cho biết, báo cáo của Chính phủ nhận định "tình hình trong nước có thể chuyển biến tích cực nếu tình hình thế giới thuận lợi hơn". Tuy nhiên ở phạm vi toàn cầu, bức tranh kinh tế - xã hội năm 2023 không sáng sủa, chiến tranh và cạnh tranh chiến lược diễn ra gay gắt, phức tạp, lạm phát cao, tổng cầu giảm, thương mại toàn cầu chậm lại, các chỉ số kinh tế - xã hội đều thấp hơn năm 2022.
Quỹ tiền tệ quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 chỉ đạt 2,8%, trung bình khoảng 3% trong giai đoạn 5 năm tới, đây là mức thấp nhất trong hơn 20 năm qua. Theo Tổ chức Thương mại thế giới, thương mại toàn cầu năm 2023 chỉ tăng trưởng khoảng 1,7%, giảm tới mức 2,7% của năm 2022. Thực tiễn những ngày qua cho thấy một số nền kinh tế lớn đã bộc lộ dấu hiệu suy thoái.
Bên cạnh khó khăn về kinh tế, mất việc làm đang và sẽ diễn ra nhanh chóng trên quy mô toàn cầu. Theo Tổ chức lao động quốc tế, tăng trưởng việc làm năm 2023 chỉ đạt 1% và dự báo năm 2024 chỉ đạt 1,1%, thấp hơn nhiều so với mức 2,3% của năm 2022. Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho rằng, từ năm 2012 - 2027, thế giới tạo ra 69 triệu việc làm nhưng lại mất đi 83 triệu việc làm, tức là mất 14 triệu việc làm trong giai đoạn 5 năm.
Theo ông Phạm Trọng Nghĩa, doanh nghiệp là linh hồn sống của nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp đã và luôn có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước, nhất là trong thời kỳ tại dịch vừa qua, Nhà nước và xã hội cần chia sẻ, chung tay cùng cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn hết sức khó khăn này, như hầu hết các ý kiến đại biểu đã nêu: Cần phải có những quyết sách quyết liệt hơn, khẩn cấp hơn.
"Đại biểu Quốc hội sẵn sàng làm thêm giờ, họp thêm kỳ họp bất thường để phúc đáp yêu cầu của thực tiễn, tháo gỡ cho doanh nghiệp" - ông Phạm Trọng Nghĩa nói, đồng thời đề nghị Quốc hội, Chính phủ ưu tiên 5 giải pháp.
Thứ nhất, tiếp tục giảm thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác cho doanh nghiệp, cho người dân. Đại biểu đoàn Lạng Sơn hoàn toàn nhất trí việc giảm thuế VAT 2% sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, đồng thời đề nghị xem xét kéo dài sang năm 2014 như một số đại biểu đã nêu.
Thứ hai, đẩy mạnh phát triển lĩnh vực du lịch để bù đắp suy giảm về thương mại. Ông Nghĩa đánh giá cao việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh trong dự án luật liên quan đến lĩnh vực này do Bộ Công an soạn thảo.
Thứ ba, quyết liệt cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Báo cáo Quốc hội, theo báo cáo PCI, tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp tăng từ mức 57,4% trong năm 2021 lên 71,7% trong năm 2022.
Thứ tư, chuẩn bị phương án để giải quyết vấn đề an sinh xã hội phát sinh do khó khăn của doanh nghiệp mang lại.
Thứ năm, xem xét, đánh giá kỹ lưỡng bối cảnh để kịp thời điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển.
Xác định thế mạnh xuất khẩu, phát triển thị trường nội địa
Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, khó khăn của kinh tế toàn cầu là phép thử đối với sự chống chịu của kinh tế trong nước nhưng cũng là cơ hội. Đây là dịp để xem xét, điều chỉnh chính sách, như chính sách thu hút đầu tư, xác định thế mạnh xuất khẩu, phát triển thị trường nội địa. Đây cũng là thời điểm để điều chỉnh giảm thời giờ làm việc và thời giờ làm thêm cho người lao động.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - đoàn Lạng Sơn phát biểu tại hội trường |
Về tốc độ tăng năng suất lao động, đại biểu cho rằng, năng suất lao động là chìa khóa dẫn đến sự thịnh vượng của quốc gia. Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế, nếu năng suất lao động tăng 1% thì GDP của toàn nền kinh tế tăng 0,94 điểm %.
Ở nước ta, năm 2022 tốc độ tăng năng suất lao động bình quân chỉ đạt 4,8%. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp chúng ta không đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Trong khi đó, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế xác định tốc độ tăng năng suất lao động giai đoạn 2021-2025 bình quân trên 6,5%/năm.
Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ lại chưa quan tâm thỏa đáng đến vấn đề này, do đó đề nghị đánh giá cụ thể hơn nguyên nhân, từ đó đề xuất các giải pháp riêng nhằm đạt chỉ tiêu cho năm 2023 và các năm tiếp theo.
Về phát triển nguồn nhân lực, ông Phạm Trọng Nghĩa nêu, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đối với năng suất lao động, vì vậy, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khẩn trương ban hành 3 chiến lược: Chiến lược phát triển nguồn nhân lực, Chiến lược phát triển giáo dục và Chiến lược phát triển đội ngũ trí thức cho giai đoạn 2021-2030.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đối với đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 81 với 137 nhiệm vụ lập pháp. Đối với đột phá chiến lược về xây dựng kết cấu hạ tầng, Quốc hội đã quyết định tổng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2,8 triệu tỷ đồng.
Quốc hội cũng đã thông qua các quy hoạch, kế hoạch cấp quốc gia, nhằm định hướng không gian phát triển của đất nước. Tuy nhiên, ngoài 2 tiểu dự án thành phần đề cập đến phát triển nguồn nhân lực cho các đối tượng đặc thù trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia, vẫn chưa có một chương trình tổng thể ở tầm Quốc hội liên quan đến đột phá chiến lược này.
Theo đó, đại biểu đề nghị, Quốc hội xem xét, ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nguồn nhân lực, để một mặt phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng, một mặt chuẩn bị các điều kiện cần thiết thích ứng với thời kỳ dân số già sẽ xảy ra trong tương lai.
Bên cạnh đó, Quốc hội xem xét, ưu tiên các dự án luật liên quan đến khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo để thể chế hóa quan điểm của Đảng và các quy định của Hiến pháp "khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu", từ đó góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Quỳnh Nga - Thu Hường
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|