Đại biểu Quốc hội: Rủi ro từ các chung cư mini do “kẽ hở” trong luật

(Banker.vn) Theo đại biểu Quốc hội, chung cư mini đang cho thấy rủi ro rất lớn với người dân,xã hội, trong đó có nguyên nhân do "kẽ hở" trong luật.
Chung cư mini gần 200 căn sai phép: Sở Xây dựng nêu bất thường, lập đoàn liên ngành để xử lý Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thanh tra toàn diện chung cư mini Sẽ kiểm tra đột xuất chung cư mini, nhà nhiều phòng cho thuê

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 26/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội: Rủi ro từ các chung cư mi do “kẽ hở” trong luật
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh - đoàn Cà Mau phát biểu tại hội trường

Tán thành cao với cơ quan soạn thảo về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lần này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Thanh - Cà Mau góp ý, về chung cư mini, thực tế cho thấy đây là loại hình nhà ở các phổ biến cho các hộ gia đình trẻ, sinh viên, người đi làm tại các thành phố lớn, do diện tích vừa phải, giá bán phù hợp với túi tiền, vị trí tại các trung tâm thành phố lớn; tiện lợi cho sinh hoạt, làm việc, học hành trong bối cảnh nhà ở xã hội chưa đáp ứng nhu cầu quá cao của người dân thu nhập thấp.

Hiện nay chung cư mini đã góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở, mưu sinh của hàng triệu người dân. "Song, chung cư mini đang cho thấy rủi ro rất lớn đối với người dân và xã hội. Nguyên nhân là những "kẽ hở" trong luật và quản lý của các cơ quan chức năng" - ông Thanh nói.

Đại biểu nêu dẫn chứng tại dự án chung cư mini ở một con ngõ nhỏ, xe ô tô không vào được nhưng lại xây một tòa nhà chung cư tới 10 tầng, mặt sàn chỉ có 200 m2, tổng diện tích sàn 2.000 m2 với rất nhiều hộ dân sinh sống.

Đáng chú ý, mới đây dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã đề xuất loại hình dưới tên nhà ở nhiều tầng, nhiều hộ của hộ gia đình, cá nhân. "Điều này có nghĩa, nếu một hộ gia đình, cá nhân có thửa đất vài trăm m2 thì có thể xây dựng chung cư mini để bán mà không cần phải thành lập doanh nghiệp, không cần lập dự án đầu tư để thực hiện thủ tục đầu tư theo Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản" - đại biểu phân tích.

Một số thủ tục mà các dự án này không phải thực hiện như chủ trương đầu tư, giao đất, cho thuê đất, đánh giá đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở, thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy, nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy, nghiệm thu công trình đủ điều kiện khai thác, vận hành.

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trước đó đã chấp nhận cho chủ nhà lựa chọn cấp sổ hồng riêng đối với từng căn hộ như chung cư thông thường. Nếu chính sách này được thông qua chắc chắn sẽ dẫn đến việc chung cư mini phát triển rầm rộ.

Đại biểu đoàn Cà Mau cđề nghị cần phải đặt tính mạng người dân lên trên hết, cần phải coi trọng đáp ứng nhu cầu nhà ở, sinh hoạt của người dân.

Vì vậy, cơ quan soạn thảo phải đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật, điều kiện để hình thành. Đặc biệt là tiêu chuẩn kỹ thuật để chung cư mini đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam về phòng cháy, chữa cháy và an toàn động đất, đáp ứng quy hoạch dân cư, giao thông, trường học trên địa bàn.

Cùng với đó, các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương cần thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng trên địa bàn, nhất là các công trình nhà ở riêng lẻ kiểu chung cư mini có nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhằm đảm bảo trật tự đô thị và an toàn đời sống cho người dân.

Ngoài ra, về nhà lưu trú công nhân, theo đại biểu Nguyễn Duy Thanh, các tỉnh miền núi và đồng bằng sông Cửu Long trong đó có tỉnh Cà Mau có một số nhà máy đều nằm ngoài khu công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu, nhưng công nhân làm việc một ngày từ 2-3 ca, do vậy cần nhà lưu trú công nhân để đảm bảo sức khỏe của công nhân đi làm xa từ 20-30 km.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương