Đại biểu Quốc hội nhất trí cần cơ chế, chính sách đặc thù cho lĩnh vực công nghiệp quốc phòng

(Banker.vn) Thảo luận tại hội trường Quốc hội chiều 30/5, đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có cơ chế, chính sách, pháp luật đặc thù cho lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.
Phát triển công nghiệp quốc phòng gắn với mua sắm vũ khí hiện đại, chuyển giao công nghệ mới Bổ sung chính sách mới thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng Cần có cơ chế vượt trội, khả thi để thúc đẩy công nghiệp quốc phòng, an ninh

Công nghiệp quốc phòng đóng vai trò hết sức quan trọng

Chiều 30/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng
Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng

Đại biểu Nguyễn Tạo - đoàn Lâm Đồng cho biết, công nghiệp quốc phòng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ Tổ quốc, vì sự hưng thịnh của đất nước và quan điểm chỉ đạo xuyên suốt đó là xây dựng lực lượng vũ trang tinh nhuệ, chính quy, hiện đại.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn, toàn diện như hiện nay, đặc biệt khi hội nhập quốc tế về công nghiệp quốc phòng được xác định là một kênh không thể tách rời của quá trình hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh và từng bước đi vào chiều sâu, ổn định, thực chất, hiệu quả thì xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng hiện đại là một yếu tố tất yếu, khách quan, phù hợp với xu hướng phát triển công nghiệp quốc phòng trên khu vực và thế giới, góp phần hội nhập sâu, đầy đủ vào nền kinh tế của toàn cầu.

Hiện nay, qua nhiều lần chỉnh sửa và bổ sung, dự thảo lần này đã đưa ra nhiều chính sách mới, đặc thù, có tính đột phá để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp quốc phòng, đặc biệt là vấn đề chúng tôi đang quan tâm về tổ hợp công nghiệp quốc phòng được thiết kế ở mục 7 Chương II và được Ban dự thảo triển khai từ Điều 41 đến Điều 44 của dự án luật.

Qua phát biểu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 5, đại biểu cho rằng, đây là một nội dung mới nhằm thể chế Nghị quyết Đại hội lần thứ 8 của Đảng về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) và Nghị quyết 08 của Trung ương về việc tổ chức lại các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, tiến tới thành lập tổ hợp công nghiệp quốc phòng, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, tiên tiến, hiện đại, vừa nghiên cứu thử nghiệm, vừa sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật theo chuyên ngành của sản phẩm.

Từ đó, cho thấy rằng cần có cơ chế, chính sách, pháp luật đặc thù cho lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, cụ thể là tổ hợp công nghiệp quốc phòng - đại biểu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo kinh nghiệm của một số nước trong khu vực và thế giới có nền quốc phòng phát triển trên thế giới đều xây dựng các tổ hợp công nghiệp quốc phòng theo nhóm chuyên ngành, như ở Hoa Kỳ có nhóm về tàu ngầm, xe tăng, máy bay và thiết bị UAV không người lái.

Cộng hòa Liên bang Nga có tên lửa siêu thanh, tàu ngầm và các loại vũ khí tàng hình khác. Trung Quốc, Iran, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, mỗi nước đều chiếm lĩnh một lĩnh vực trong liên kết về công nghiệp quốc phòng. Từ đó, cho thấy sự cần thiết về việc liên kết hợp tác, phân công và chuyên môn hóa trong lĩnh vực này, định hướng phát triển công nghiệp quốc phòng ở nước ta hiện nay và lâu dài.

"Dự thảo lần này đã quy định các chính sách cụ thể là hạt nhân của tổ hợp công nghiệp quốc phòng. Quy định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, thành phần của tổ hợp công nghiệp quốc phòng và các chính sách của Đảng trong hoạt động của công nghiệp quốc phòng như điều kiện, chính sách, trách nhiệm hạt nhân của tổ hợp công nghiệp quốc phòng" - đại biểu đoàn Lâm Đồng chỉ rõ.

Đây là bước đầu tạo nên khung hành lang pháp lý để xây dựng hoàn thiện về thể chế cho loại hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng, góp phần thúc đẩy sự hình thành tổ hợp công nghiệp quốc phòng trong tương lai. Đồng thời, tạo hiệu quả đẩy mạnh công nghiệp quốc phòng trong việc liên kết hợp tác giữa các cơ sở công nghiệp quốc phòng. Tập trung nguồn lực cho phát triển theo nhóm, theo ngành sản phẩm mũi nhọn với tinh thần tự lực, tự cường, xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Tại phiên thảo luận, đại biểu cũng đề nghị những nội dung cần được quan tâm và xác định rõ hơn để từng bước phát triển bền vững công nghiệp quốc phòng về lâu dài, đó là: Một là, về khung cơ chế chính sách, pháp lý cần được ưu đãi đặc biệt hơn, phát triển mang tính chất đặc thù hơn kinh tế quốc phòng an ninh ở khoản 1 Điều 6 của dự án luật.

Hai là, chương trình hợp tác quốc tế, trong đó nhấn mạnh về việc chuyển giao công nghệ và lần lượt được thể hiện ở Điều 67, 68, 69 và 70.

Ba là, nguồn lực chủ đạo xây dựng nền công nghiệp quốc phòng an ninh ở Điều 20, 21 và Điều 22.

Bốn là, vị trí hạt nhân của tổ hợp công nghiệp quốc phòng và mối liên hệ với một số doanh nghiệp, tổ chức khác trong việc phát triển công nghiệp quốc phòng từ Điều 29 và Điều 41, Điều 30, Điều 49.

Cụ thể, đại biểu đề nghị các cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu và bổ sung cụ thể như sau: Tại khoản 2 Điều 41 quy định về nhóm chức năng, nhiệm vụ của tổ công nghiệp quốc phòng, trong đó chỉ mới quy định về việc chuyển giao công nghệ. Đây là nội dung mới và rất thiết thực để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, quy định chung chung như vậy là chưa đầy đủ. Đề nghị Ban soạn thảo phải nghiên cứu bổ sung nội dung "nhận chuyển giao công nghệ hiện đại, tiên tiến từ nước ngoài" để bảo đảm tính bao quát trong toàn bộ hoạt động chuyển giao và nhận chuyển giao.

Mặt khác, tại điểm c khoản 2 Điều 42 quy định về trích lại một phần từ quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp để phục vụ hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Để bảo đảm tính khả thi trong quá trình thực hiện thì đối tác của các quỹ dự kiến được thành lập, đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại và quy định cụ thể, tránh sự trùng lặp với nhiệm vụ chi của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ doanh nghiệp, hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát, bổ sung cơ chế quản lý đặc thù phù hợp để tạo điều kiện trong quá trình liên kết, hợp tác của tổ hợp công nghiệp quốc phòng và giao cho Chính phủ quy định chi tiết trong quá trình triển khai thực hiện.

Đánh giá cao nhiều chính sách đột phá phát triển công nghiệp quốc phòng

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - đoàn Bắc Giang về cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo luật, đồng thời, đánh giá cao việc trong dự thảo luật này đã đưa ra nhiều chính sách mới, đặc thù, có tính đột phá để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

"Theo rà soát sơ bộ, dự thảo luật có khoảng 37 chính sách đặc thù vượt trội hơn so với các chế độ chính sách hiện hành ở các luật có liên quan, bảo đảm xây dựng được nền công nghiệp quốc phòng, an ninh chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại để trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia" - đại biểu thông tin.

Qua nghiên cứu dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt - đoàn TP Hà Nội thể hiện sự đồng tình với dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Về phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh lưỡng dụng tại mục 4 của Chương II dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt nhận định, dự thảo luật đã phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về xây dựng nền công nghiệp quốc phòng lưỡng dụng, hiện đại, nghiên cứu phát triển các loại sản phẩm phục vụ nhu cầu kinh tế dân sinh và xuất khẩu, bảo đảm thống nhất với quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh.

Tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới, nhiều công nghệ hiện đại hiện nay đều ứng dụng xuất phát trước tiên từ công nghệ quân sự. "Dự thảo luật lần này đã thiết kế, bổ sung các nội dung về quyền và nghĩa vụ của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, thực hiện sản xuất sản phẩm lưỡng dụng nhằm thể hiện đầy đủ quan điểm của Đảng và hướng tới mục tiêu lưỡng dụng 2 chiều theo đúng tinh thần Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị" - đại biểu đoàn Hà Nội nói.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương