Đại biểu Quốc hội đề nghị xử lý hình sự bỏ cọc đấu giá tài sản

(Banker.vn) Theo Đại biểu Quốc hội, thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc bỏ cọc đấu giá, làm lũng đoạn thị trường, lu mờ hình ảnh của cuộc đấu giá, gây dư luận không tốt.
Đã xuất hiện hiện tượng thao túng giá khởi điểm trong đấu giá tài sản Từ đấu giá biển số xe ô tô: Cần thêm chế tài về hành vi bỏ cọc

Ngày 28/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đấu giá tài sản sửa đổi. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, đó là làm sao để ngăn chặn tình trạng bỏ cọc đấu giá.

Cần chế tài "siết" quân xanh, quân đỏ, thổi giá

Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu rà soát, liệt kê những tài sản phải đấu giá như dự thảo luật đã đầy đủ chưa, có chồng chéo với các luật chuyên ngành không?

Bên cạnh đó, cần xem xét có những loại tài sản có thể phát sinh mới trong cuộc sống mà không được ghi vào luật thì được đấu giá hay không?

Đại biểu Quốc hội đề nghị xử lý hình sự bỏ cọc đấu giá tài sản
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa phát biểu tại hội trường

Góp ý về quy định nợ xấu và tài sản đảm bảo của các tổ chức ngân hàng cũng thuộc loại tài sản đấu giá, đại biểu cho rằng, nên có sự cân nhắc, không nên đấu giá.

Loại tài sản này nên giao cho tổ chức hoặc cá nhân muốn có sở hữu bán hoặc thỏa thuận cho chủ sở hữu và nhà đầu tư vì loại tài sản này rất khó có người tham gia đấu giá, làm mất thời gian và tốn kém.

Về quy định thời gian thông báo thay đổi địa điểm đấu giá chỉ có một ngày là chưa hợp lý, đại biểu đề xuất quy định là 3 ngày cho phù hợp…

Đại biểu Hòa cũng đề nghị không bỏ quy định công bố số phiếu phát ra, số phiếu thu về, công bố từng phiếu trả giá. Bởi dù thực hiện mất một chút thời gian nhưng lại đảm bảo công khai minh bạch, rõ ràng giữa những người tham gia đấu giá.

Về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, đại biểu cho biết, đây là vấn đề nhạy cảm. Thực tiễn có nhiều trường hợp người đã trúng đấu giá chấp nhận bỏ tiền cọc mà không thực hiện nghĩa vụ tài chính, gây lũng đoạn thị trường, gây dư luận xã hội không tốt như vụ Tân Hoàng Minh, đấu giá biển số xe, 3 mỏ cát ở Hà Nội...

Để chấm dứt tình trạng người trúng đấu giá bỏ cọc, ông Hòa cho rằng cần có các biện pháp như nâng mức đặt cọc cao hơn so với quy định hiện hành, áp dụng chế tài xử phạt vi phạm hành chính, không cho tham gia đấu giá lần tiếp theo.

"Có như thế mới giữ được kỷ cương trong hoạt động đấu giá tài sản, không chấp nhận đối tượng nào có tiền muốn làm thế nào thì làm, làm xáo trộn thị trường", ông Hòa nói, đồng thời đề nghị công nhận kết quả đối với người trả giá cao thứ hai, không cần tổ chức đấu giá lại, tránh tốn kém.

Đề nghị xử lý hình sự

Cùng tham gia thảo luận, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An cho rằng quy định mức tiền đặt trước từ 5 - 20% như hiện hành là phù hợp. Nếu nâng lên quá cao sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do giao dịch, giảm tính cạnh tranh, ít người tham gia đấu giá tài sản.

Nữ đại biểu đề cập tới một số tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá với mục đích không tốt, như là phô trương thanh thế hoặc thao túng thị trường để hình thành mặt bằng giá mới.

Đại biểu Quốc hội đề nghị xử lý hình sự bỏ cọc đấu giá tài sản
Đai biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung

Bà Dung đề xuất sau thời gian nhất định mà người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính và không chứng minh được lý do bất khả kháng thì ngoài việc mất tiền đặt trước còn bị phạt thêm một số tiền. Tất nhiên, việc phạt này phải dựa trên cơ sở bổ sung các quy chế, chế tài có liên quan.

Đặc biệt, theo bà Dung, thời gian qua, nhiều cuộc đấu giá có biểu hiện bất thường, trả giá quá cao so với mặt bằng chung, nhất là tài sản công (quyền sử dụng đất, quyền khai thác mỏ), giá trả cao hơn giá khởi điểm tới 204 lần.

"Từ giá khởi điểm 24 tỷ đồng nhưng giá trúng đấu giá lên tới 1.684 tỷ đồng", nữ đại biểu dẫn chứng và cho rằng luật chưa quy định đấu giá viên hoặc người có tài sản đấu giá được quyền dừng hoặc yêu cầu dừng cuộc đấu giá để xử lý các trường hợp tương tự.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau khẳng định cần có các quy định để hướng tới hạn chế tình trạng bỏ cọc đấu giá.

Theo ông Thanh, luật hiện hành quy định mức tiền đặt trước từ 5 - 20% giá khởi điểm (sau khi trúng đấu giá chuyển thành tiền đặt cọc), trong khi đó nhiều trường hợp giá khởi điểm thấp nên người trúng đấu giá không phải cân nhắc quá nhiều khi bỏ cọc.

Đại biểu Quốc hội đề nghị xử lý hình sự bỏ cọc đấu giá tài sản
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Thanh phát biểu tại hội trường

Để hạn chế câu chuyện người trúng đấu giá bỏ cọc, nhất là yếu tố lợi ích nhóm, thao túng đấu giá, vị đại biểu tỉnh Cà Mau cho rằng cần tách biệt giữa tiền đặt trước và tiền đặt cọc.

Trong đó, tiền đặt cọc có thể là 20 - 30% giá trúng đấu giá, phải nộp ngay sau khi có kết quả trúng đấu giá. Nếu người trúng đấu giá không nộp thì kết quả bị hủy, cuộc đấu giá tiếp tục được diễn ra.

"Giả sử tiền đặt cọc phải nộp ngay lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng thay vì chỉ vài trăm triệu hoặc vài tỷ đồng, người trúng đấu giá chắc chắn sẽ rất thận trọng khi bỏ giá", ông Thanh góp ý.

Vị đại biểu cũng nhấn mạnh, có thể tham khảo kinh nghiệm quốc tế, bổ sung quy định cụ thể theo hướng xử lý hình sự đối với hành vi bỏ cọc đấu giá và có dấu hiệu thao túng, gây rối trật tự, ảnh hưởng xấu đến an ninh kinh tế.

"Bộ luật Hình sự cần bổ sung các hành vi tương ứng trong hoạt động đấu giá tài sản cho phù hợp, tránh tình trạng thổi giá, phá giá, gây hệ lụy lớn như thời gian vừa qua", ông Thanh nói.

Chí Tâm

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục