Đặc sắc lễ hội đền Đồng Nhân

(Banker.vn) Đền Đồng Nhân thuộc quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), thờ Hai Bà Trưng là những nữ anh hùng kiệt suất đã khởi nghĩa chống quân Đông Hán giành độc lập cho dân tộc.
Lễ hội Nàng Hai: Nét ứng xử văn hoá của dân tộc Tày Bắc Giang sắp diễn ra lễ hội Yên Thế Lào Cai: Đặc sắc Lễ hội đền Đồng Ân

Đã thành thông lệ hàng năm, cứ vào mùng 4 đến mùng 6 tháng 2 âm lịch, người dân phường Đồng Nhân và nhân dân Thủ đô lại nô nức hướng về lễ hội đền Đồng Nhân để tưởng nhớ tới công lao dẹp giặc cứu nước của Hai Bà Trưng.

Lễ hội đền Đồng Nhân
Sân đền Đồng Nhân trong dịp lễ hội. Ảnh Lehoi.info

Hai Bà Trưng quê ở Mê Linh (nay thuộc huyện Mê Linh, Hà Nội). Vào những năm 40 - 43 sau công nguyên, khi nhà Đông Hán đang cai trị hà khắc nước Việt, thái thú nhà Đông Hán là Tô Định đã giết hại Thi Sách - chồng của bà Trưng Trắc. Hận giặc đàn áp nhân dân, giết hại chồng mình, hai bà đã phất cờ nổi dậy và được dân chúng ở các nơi cùng hưởng ứng đánh đuổi quân Đông Hán, lấy được 65 huyện thành (toàn bộ lãnh thổ nước Việt hồi đó) và tự xưng làm vua.

Năm 42, nhà Đông Hán sai tướng là Mã Viện mang quân sang chiếm lại nước Việt. Lực lượng của hai bà yếu thế hơn và phải rút về Cấm Khê (nay thuộc huyện Thạch Thất, Hà Nội) cầm cự gần 1 năm. Khi không chống đỡ nổi, hai bà chạy về địa phận đền Hát Môn bây giờ (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) và cùng nhảy xuống sông Hát tự vẫn vào ngày 6/2 âm lịch. Khi chết đi, hai bà hóa thành pho tượng đá trôi trên sông Hồng về bãi Đồng Nhân (Thanh Trì, Hà Nội) và ban đêm thường phát sáng rực rỡ.

Năm 1142, dưới triều vua Lý Anh Tông, sau khi vua biết chuyện về pho tượng phát sáng đã truyền lệnh cho dân làng Đồng Nhân lấy vải đỏ rước tượng bà về và lập đền thờ ngay tại bãi Đồng Nhân ven sông. Về sau, do bãi sông bị lở dần, đền có nguy cơ bị đổ nên dân làng dời đền về khu Võ Sở (thời Lê dùng làm nơi luyện và thi võ) ở thôn Hương Viên (nay thuộc phường Đồng Nhân, Hà Nội). Dân làng Đồng Nhân ở ngoài bãi cũng di chuyển theo đền về nơi mới để thờ cúng hai bà.

Đặc sắc lễ hội đền Đồng Nhân
Một tiết mục tái hiện cảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh giặc. Ảnh velang.vn

Lễ hội đền Đồng Nhân được tổ chức từ mùng 4 đến hết 6/2 âm lịch hàng năm, chính hội là 5 - 6/2. Cứ 5 năm có một hội lớn, thu hút rất nhiều nhân dân cùng du khách thập phương về tham dự.

Diễn biến chính của lễ hội:

Ngày mùng 4/2: Từ sáng sớm các cụ ông phường Đồng Nhân trong trang phục truyền thống làm lễ bao sái đồ thờ và lễ tế yết xin đức Thánh khai hội.

Sau đó, là lễ dâng cúng trà rượu vào hậu cung theo tục lệ xưa do các cụ bà đảm nhiệm. Tiếp theo đội tế nữ phường Đồng Nhân làm lễ dâng hương.

Ngày mùng 5/2: Là ngày chính hội, từ 6h sáng, giữa tiếng trống, tiếng chiêng và cờ quạt, tán lọng rực rỡ, đám rước đi ra đường Nguyễn Công Trứ rồi tiến về bờ sông Hồng, đến miếu thờ Hai Bà ở đường Bạch Đằng thì dừng kiệu. Đội rước nước khiêng 2 choé xuống thuyền đã chờ sẵn, rồi chèo thuyền ra giữa dòng, múc nước vào đôi choé (nước đem về sẽ được nấu với trầm hương để làm lễ tắm tượng và dâng cúng Thánh). Sau đó, đội rước nước chèo thuyền vào bờ rồi nhập vào đám rước chính để trở lại đền. Khi đoàn rước đã yên vị tại đền, đội tế nữ làm lễ dâng hương lễ Thánh.

Sau tuần tế là tiết mục múa đèn, được thực hiện bởi mười cô gái vấn khăn, mặc áo dài đen, thắt lưng điều, hai tay cầm hai đèn, múa trước bàn thờ. Dẫn nhịp cho đội múa là "con đĩ đánh bồng" do một nam đóng giả nữ, mặc áo the quần trắng, khăn lượt, đeo trống cơm, sau lưng cắm cờ đuôi nheo, hai tay "bập bùng" dẫn động tác cho đội múa đèn một cách mềm mại, duyên dáng. Đến tối, lễ mộc dục được diễn ra lúc 19h tối với lễ lục cúng do các vị sư làm lễ (dâng sáu lễ vật hương, hoa, đèn và nến, trà, quả).

Ngày mùng 6/2: Ngày cuối của lễ hội, buổi sáng có chương trình biểu diễn hoạt cảnh, tái hiện cảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh giặc. Tiếp đó lễ mít tinh đón các xã quan anh về để tế hội đồng được tổ chức.

Theo tục lệ truyền thống, đúng 12 giờ trưa, cỗ chay của ông chủ cỗ và của dân làng được rước vào để làm lễ Thánh. Sau đó là lễ tế hội đồng của 4 xã, phường kết chạ là: Đồng Nhân, Mê Linh, Hát Môn, Phụng Công. Kết thúc lễ hội là màn tế giã hội đóng cửa đền của đội tế nam Đồng Nhân vào lúc xế chiều.

Trong thời gian diễn ra lễ hội còn có nhiều hoạt động được tổ chức như: hát quan họ trên thuyền, hát chầu văn, hội thi nấu cơm, biểu diễn võ thuật, múa roi, thi đấu cờ, chọi gà...

Lễ hội Đồng Nhân là một trong những lễ hội đặc sắc của người dân Thủ đô, giúp cho con cháu các đời sau luôn biết hướng về cội nguồn, không quên ơn các vị anh hùng dân tộc đã có công chống giặc giữ nước.

Lê Nguyệt

Theo: Báo Công Thương