Nghiên cứu đưa lễ hội chọi trâu Đồ Sơn về đúng giá trị gốc Lễ hội Chèo tàu Tổng Gối, nét đẹp văn hóa truyền thống diễn ra vào dịp Rằm tháng Giêng |
Diễn ra tại xã Hải Lựu huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc từ ngày 16 đến 17 tháng Giêng âm lịch, lễ hội Chọi trâu Hải Lựu là lễ hội Chọi trâu cổ xưa nhất, biểu trưng tính cộng đồng và thể hiện đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt…
Lễ hội nghìn năm tuổi
Theo tương truyền, lễ hội Chọi trâu Hải Lựu có từ thế kỷ II trước Công nguyên (tính đến nay đã hơn 2000 năm). Khi nhà Hán xâm lược nước Nam Việt, nhà Triệu tan rã, thừa tướng Nam Việt là tướng Lữ Gia đã lui quân về vùng núi Hải Lựu, Sông Lô, Vĩnh Phúc để tổ chức đánh giặc. Sau mỗi trận thắng, Lữ Gia lại cho tổ chức Chọi trâu để truyền cho quân sĩ tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, quả cảm như các đấu sĩ trâu, và trâu sau khi chọi đều được đem mổ thịt để khao quân.
Lễ hội chọi trâu thể hiện cho khát vọng độc lập dân tộc, cầu cho quốc thái dân an, mùa màng bội thu. Ảnh baophapluat.vn |
Sau khi Lữ Gia mất, dân làng Hải Lựu thờ làm Thành hoàng làng và lễ hội Chọi trâu cũng bắt đầu có từ đó. Truyền rằng các quân được ăn thịt trâu chọi thân hình tráng kiệt sức khỏe hơn người chính vì thế mà người dân Hải Lựu luôn trụ vững trước quân xâm lược.
Trâu chọi được gọi là "ông Cậu" để phân biệt với trâu cày bởi trâu chọi là trâu không còn khả năng kéo cày được mua về có thể từ các địa phương khác đem về Hải Lựu để chăm sóc, huấn luyện. Trước mỗi kỳ lễ hội, ban tổ chức sẽ kiểm tra các trâu đăng ký chọi của mỗi thôn, làng; sau đó mang lên đền thành Hoàng (tức đền thờ Lữ Gia) để làm lễ, từ đó trâu được gọi là "ông Cậu". Đối với các hộ nuôi "ông Cậu" trong nhà thì đó là cả một sự vinh dự, trong suốt thời gian huấn luyện, "ông Cậu" được chăm sóc đặc biệt, được cho ăn mật mía, mật ong, các thức ăn bổ dưỡng và huấn luyện các đòn võ của trâu chọi.
Trước kia lễ hội vẫn diễn ra vào ngày 17 tháng Giêng âm lịch nhưng từ năm 1947, do nhiều nguyên nhân trong đó có cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp đã bắt đầu khốc liệt, lễ hội Chọi trâu bị gián đoạn trong một thời gian dài, mãi tới năm 2002 mới được khôi phục. Do sức hấp dẫn của lễ hội đã thu hút ngày càng đông khách thập phương nên từ năm 2004, Ban tổ chức đã cho kéo dài lễ hội trong hai ngày 16 và 17 tháng Giêng âm lịch hàng năm.
Hội Chọi trâu hấp dẫn du khách
Trước ngày diễn ra lễ hội, xã Hải Lựu sẽ cử một đoàn lên tế lễ tại đền Hùng như một hình thức bái yết Tổ tiên. Đêm trước lễ hội diễn ra lễ tế Thành hoàng làng, cả xã dường như không ngủ trong đêm linh thiêng này. Sau lễ tế Tổ trang nghiêm, cả làng bắt đầu vào cuộc vui. Nét tưng bừng nhộn nhịp được thể hiện qua những lời ca tiếng hát, qua từng chén rượu mời chào, qua những lời thăm hỏi động viên về những dự tính làm ăn trong năm mới… Khi trời rạng sáng cũng là lúc mọi người nô nức chuẩn bị cho trâu vào sới chọi.
Sau chừng nửa năm được chăm sóc, rèn luyện kỹ lưỡng, những chú trâu ngày nào đã ra dáng với đôi sừng dài, to, béo tốt và tràn đầy sinh lực để sẵn sàng xung trận. Thông thường lễ hội Chọi trâu được diễn ra ba vòng, mỗi vòng sẽ chọn ra những “Ông Cậu” khỏe đẹp nhất.
Điểm đáng ghi nhận là các trâu chọi bao giờ cũng đấu với nhau mặt đối mặt, dùng sừng và sức khỏe để chọn thế tấn công đối phương chứ không tấn công nhau từ sau lưng hay mạng sườn… Chính điều này đã phần nào phản ánh tinh thần thượng võ của dân tộc được hun đúc từ bao đời, trở thành nét hấp dẫn độc đáo của lễ hội.
Sới chọi trâu Hải Lựu không dành cho những người yếu tim bởi mỗi cú va chạm của các “Ông Cậu” cũng đủ tạo ra những vết thương lớn gây đổ máu… Để có được chiến thắng cuối cùng, trâu chọi phải vượt qua nhiều vòng đấu cam go và phải có sức bền, bên cạnh đó là một sức mạnh thực sự. Chưa kể trâu còn phải biết vận dụng những ngón sở trường như “bổ đao” đối với những trâu có tính khí hung tợn, “móc mắt” đối với những chiến ngưu có sừng ngắn, khôn khéo trong việc tiến thoái, “ngáng chân” làm ngã đối thủ hay “khóa sừng” quật ngã đối thủ đối với những trâu có sừng dài…
Trong khoảng thời gian khá ngắn ngủi - vài phút cho một trận đấu thậm chí có trận còn được đếm bằng giây, chỉ có sức mạnh và sự khôn ngoan mới mang lại chiến thắng. Mỗi “Ông Cậu” đều cố gắng móc, kéo, lựa thế, hất cẳng hoặc nhấc bổng đối phương lên khi có cơ hội. Đến lúc một trong hai đấu thủ bỏ chạy thì trận đấu mới xem như kết thúc.
Trong một cuộc đấu dĩ nhiên có trâu thắng, trâu bại đem lại sự buồn, vui cho cộng đồng liên quan. Dù thắng hay bại, sau khi kết thúc lễ hội các “Ông Cậu” đều được hiến sinh như một hình thức trả nợ cộng đồng. Các cộng đồng sẽ liên hoan tập thể và mời khách phương xa ly rượu thịt trâu đầu năm. Ai cũng mong được thưởng thức món thịt trâu qúy và hy vọng trong năm mới sẽ được khỏe như “trâu”.
Diễn ra trong không khí hân hoan của những ngày đầu Xuân, lễ hội Chọi trâu Hải Lựu không chỉ đem lại niềm vui cho cộng đồng, mà còn là dịp ôn lại truyền thống anh hùng, hun đúc tinh thần thượng võ và góp phần giáo dục tình yêu quê hương…
Đến với lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu trong những ngày này, du khách sẽ được sống trong bầu khí phấn khích, cảm thấy thỏa lòng với chuyến đi và khi rời xa, hẳn sẽ nhớ mãi về một lễ hội đặc sắc mang đậm tính chiến đấu, bàng bạc hồn dân tộc…
Lê Nguyệt
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|