Đã xoá bỏ các hội nhóm ‘‘bùng nợ’’ nhưng kết quả thu hồi nợ vẫn khiêm tốn

(Banker.vn) Các trang web hội nhóm bùng nợ đã bị xoá bỏ, song kết quả thu hồi nợ rất khiêm tốn. Đến cuối tháng 5, tỷ lệ nợ xấu gộp đã lên mức 6,9%.
Nợ xấu tăng nhanh, công việc chính của nhân viên ngân hàng là lo bán tài sản để thu hồi nợ Ngăn ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh và xử lý ngân hàng yếu kém Còn tình trạng chi sai quy định phải thu hồi nộp ngân sách nhà nước

Năm 2024 được đánh giá là năm khó khăn với nền kinh tế Việt Nam nói chung trong đó có ngành ngân hàng. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn, thách thức hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2024 đạt kết quả tích cực. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam xoay quanh vấn đề này.

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, 6 tháng đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ theo hướng tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Xin ông cho biết những điểm nhấn nổi bật của nhà điều hành và kết quả hoạt động các tổ chứ tín dụng trong nửa đầu năm qua?

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đối với việc điều hành chính sách tiền tệ, khó khăn cũ chưa qua, khó khăn mới đã tới, chính sách tiền tệ đối mặt với yêu cầu làm sao điều hành hài hòa, cân bằng các mục tiêu về lãi suất, tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Bám sát các mục tiêu của Quốc hội đề ra, các kế hoạch, hành động chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngay từ đầu năm 2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị cho các đơn vị trong toàn hệ thống, đồng thời ban hành Chương trình hành động kèm theo, cùng với đó là nhiều văn bản chỉ đạo bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Nhờ đó mà điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước đã có những kết quả nổi bật, tôi tổng kết thành 3 điểm nhấn:

Một là, mặc dù 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn diễn biến phức tạp, song Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, đồng thời từng bước quản lý hiệu quả thị trường vàng, ổn định tâm lý người dân, doanh nghiệp, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát

Đã xoá bỏ các hội nhóm ‘‘bùng nợ’’ nhưng kết quả thu hồi nợ vẫn khiêm tốn
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Hai là, kịp thời hoàn thiện khuôn khổ pháp lý triển khai Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 1/7/2024; trong đó bao gồm và việc trình Chính phủ ban hành 5 Nghị định và trong phạm vi thẩm quyền đã ban hành 36 Thông tư thay thế và sửa đổi bổ sung. Một trong những điểm mới là Ngân hàng Nhà nước đã cầu thị lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp từ các tầng lớp dân cư, các tổ chức hiệp hội ngành nghề để ban hành cơ chế chính sách phù hợp và sát với thực tiễn và đi vào cuộc sống ngay khi có hiệu lực.

Ba là, chủ động, triển khai quyết liệt các giải pháp chuyển đổi số, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo an toàn, thông suốt trong hoạt động thanh toán của nền kinh tế. Đặc biệt kể từ 1/7/2024 triển khai đồng bộ các giải pháp thanh toán nhằm đảm bảo an toàn hạn chế rủi ro đến với người dân, tích hợp dữ liệu dân cư theo Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước được thông suốt, đến nay trên 20 triệu tài khoản được làm sạch.

Còn về hoạt động của các tổ chức tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt được kết quả trên một số mặt:

Thứ nhất, các tổ chức tín dụng đã chủ động chấn chỉnh toàn diện trên các mặt về quản trị, tài chính và hoạt động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, tích cực cải thiện khả năng chi trả và các chỉ số an toàn, lành mạnh tài chính, tăng cường các biện pháp kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng. Tính đến 31/5/2024, toàn hệ thống vốn điều lệ tăng 1,09%, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt ngưỡng 12,01%, tỷ lệ vốn ngắn hạn trên trung dài hạn dưới 30 %, tỷ lệ dư nợ trên tổng tiền gửi đạt khoảng 80%.

Thứ hai, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đã chủ động kết nối với các doanh nghiệp, ngành nghề, ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đồng thời cơ cấu nợ cho khách hàng theo Thông tư 02 được 230.408 tỷ, hoàn thành việc đăng ký nâng quy mô Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản lên 30.000 tỷ đồng, triển khai quyết liệt Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư.

Thứ ba, tập trung nguồn lực chuyển đổi số mạnh mẽ. Chính vì vậy, giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng trưởng ấn tượng về số lượng và giá trị, với nhiều hình thức thanh toán mới, đặc biệt phương thức thanh toán QR Code tăng đến hàng nghìn phần trăm về số lượng và giá trị so với cuối năm 2023. Cùng với đó đã kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia để thực hiện thanh toán trực tuyến cho các dịch vụ đã được tích hợp.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thì hoạt động của ngành ngân hàng có gặp phải những khó khăn, vướng mắc gì thưa ông?

Bên cạnh những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024, theo tôi, ngành ngân hàng còn đối diện nhiều thách thức thể hiện trên các mặt sau: Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15% cho cả năm 2024, đến nay mới đạt khoảng 6%, những tháng còn lại là một thách thức đối với ngành Ngân hang. Bởi mặc dù các tổ chức tín dụng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng với mức lãi xuất vay rất thấp song một số ngành sản xuất, dịch vụ phục vụ nhu cầu trong nước còn nhiều khó khăn, nhiều phương án sản xuất kinh doanh thiếu tính khả thi, nợ xấu có nguy cơ tăng cao.

Bên cạnh đó, thị trường vốn gặp nhiều khó khăn dẫn đến áp lực vốn trung dài hạn cho nền kinh tế chuyển sang vốn tín dụng ngân hàng, có doanh nghiệp được cơ cấu nợ miễn giảm lãi, song không trả nợ cũ, không đủ diều kiện vay vốn, gây sức ép, đòi hạ chuẩn tín dụng, bỏ qua kiểm soát vốn vay,… đã ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ ngân hàng vì mang tiếng gây khó khăn trong việc tiếp cận vốn.

Đã xoá bỏ các hội nhóm ‘‘bùng nợ’’ nhưng kết quả thu hồi nợ vẫn khiêm tốn
Việc thu hồi và xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh Nghị quyết 42 hết hiệu lực

Quan trọng hơn, việc thu hồi và xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh Nghị quyết 42 hết hiệu lực, một số doanh nghiệp không hợp tác với các tổ chức tín dụng trong việc bàn giao tài sản và xử lý nợ, cá nhân vay tiêu dùng cố tình không trả nợ mặc dù các cơ quan hữu quan đã hỗ trợ triệt phá ổ nhóm tín dụng đen, xóa bỏ trên mạng các trang web hội nhóm bùng nợ… song kết quả thu hồi nợ rất khiêm tốn.Đến cuối tháng 5/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,94%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 5/2024 là 6,9%.

Ngoài ra, các tổ chứ tín dụng phải đối diện với tình trạng tấn công mạng, lộ, lọt thông tin dữ liệu, lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng ngày càng gia tăng, với thủ đoạn ngày càng táo bạo, tinh vi,đối tượng tội phạm có hiểu biết về công nghệ thông tin và hệ thống ngân hàng, thường xuyên thay đổi thủ đoạn và một số đối tượng có liên quan đến yếu tố nước ngoài gây khó khăn trong kiểm soát, ngăn chặn.

Đồng thời, việc triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gặp nhiều vướng mắc do quy định pháp luật giữa các bộ ban ngành chưa thống nhất nhất là nhà ở xã hội

Từ những khó khăn, vướng mắc đã được chỉ ra, ông có đề xuất, kiến nghị gì đề hoạt động ngân hàng khởi sắc hơn nữa trong 6 tháng cuối năm, đi kèm với đó là hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?

Với chức năng, nhiệm vụ là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các tổ chức hội viên, Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị Chính phủ xem xét không xử phạt vi phạm hành chính về thuế và tiền nộp chậm thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động L/C từ 2011 đến nay, bởi lỗi gây ra không phải từ các tổ chức tín dung.

Bên cạnh đó, chúng tôi kiến nghị Chính phủ, Bộ Tư pháp rà soát Bộ Luật dân sự 2015 để sửa đổi, bổ sung theo hướng nâng cao trách nhiệm dân sự đối với người đi vay; đồng thời, nghiên cứu sửa đổi Luật phá sản theo hướng cho phá sản đối với các doanh nghiệp yếu kém không còn khả năng phục hồi, giảm gánh nặng cho nền kinh tế.

Chúng tôi cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét phân bổ chỉ tiêu tín dụng cho các công ty tài chính tiêu dùng nhất là các công ty có vốn nước ngoài.

Trong 6 tháng cuối năm 2024, ngành ngân hàng còn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, song tôi tin rằng dưới sự lãnh đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cùng với sự nỗ lực của các tổ chức tín dụng và sự đồng lòng sát cánh của Hiệp hội Ngân hàng chắc chắn ngành ngân hàng sẽ ổn định vượt qua mọi khó khăn.

Về phía Hiệp hội Ngân hàng, ngoài việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chúng tôi còn đề nghị các tổ chức hội viên tuân thủ quy định của pháp luật và thực hiệm nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướngChính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cũng như hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thuỳ Linh - Ngân Thương (thực hiện)

Theo: Báo Công Thương