Đà tăng “phi mã” của giá gạo xuất khẩu có thể sớm được kiềm chế?

(Banker.vn) Giá gạo xuất khẩu tăng mạnh và đạt mức cao nhất trong 15 năm qua liệu có thể giảm nhiệt trong thời gian tới?
Xuất khẩu gạo tăng 36,1%, đạt 3,17 tỷ USD Giá gạo lên cơn sốt, VFA kiến nghị Thủ tướng quy định giá sàn xuất khẩu Giá gạo xuất khẩu tiếp tục lập đỉnh, đạt 643 USD/tấn

Giá gạo xuất khẩu neo ở mức cao

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc tuần giao dịch 28/8 -1/9, gạo thô kỳ hạn tháng 11 là mặt hàng nông sản duy nhất niêm, yết trên Sở Chicago đóng cửa tăng giá, với mức tăng 3,34% lên 326 USD/tấn. So với hồi tháng 6, giá gạo thô Chicago kỳ hạn đã tăng gần 15%.

Đà tăng “phi mã” của giá gạo xuất khẩu có thể sớm được kiềm chế?
Giá gạo xuất khẩu đang neo ở mức cao

Trên các thị trường giao ngay, giá gạo thậm chí đã tăng mạnh hơn rất nhiều. Số liệu cập nhật từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, ngày 31/8 vừa qua, giá gạo xuất khẩu của nước ta tiếp tục được điều chỉnh tăng. Hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực là gạo 5% tấm và gạo 25% tấm đồng loạt tăng 5 USD/tấn, lên các mức lần lượt là 643 USD/tấn và 628 USD/tấn.

Như vậy, giá gạo xuất khẩu nước ta vẫn dẫn đầu thế giới và vẫn chưa hạ nhiệt, ngay cả khi đã neo cao kỷ lục. So với ngày 19/7, giai đoạn bắt đầu chuỗi tăng phi mã, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta đã tăng 20%. Còn so với ngày đầu năm nay, hiện giá gạo 5% tấm đã tăng tới 185 USD/tấn, tương đương 40,3%; trong khi đó, gạo 25% tấm tăng vọt hơn 43%, với tổng mức tăng tích lũy đạt tới 185 USD/tấn.

Trong 8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước đạt 3,17 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước. Giá gạo xuất khẩu bình quân trong 8 tháng đạt 542 USD/tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.

Với lượng gạo xuất khẩu 6 - 8 triệu tấn/năm, hiện Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia gạo xuất khẩu nhiều nhất thế giới, chỉ đứng sau Ấn Độ và Thái Lan. Ở một số thời điểm, Việt Nam còn vươn lên vị trí thứ 2 thế giới về lượng gạo xuất khẩu.

Hiện gạo Việt được xuất khẩu sang 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, tính đến giữa tháng 8/2023, Philippines, Trung Quốc và Indonesia là 3 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của nước ta với thị phần lần lượt 40,3%, 14% và 12,1%.

Nỗ lực bình ổn giá tại các quốc gia sản xuất và tiêu thụ gạo

Tuy nhiên, MXV nhận định, đà tăng của giá gạo có thể sẽ sớm được kiềm chế, khi các quốc gia sản xuất và nhập khẩu liên tục triển khai các kế hoạch nhằm kiểm soát nguồn cung và bình ổn giá.

Tại Philippines, quốc gia nhập khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới, ngày 1/9 vừa qua, Văn phòng Tổng thống nước này cho biết đã ấn định mức trần giá gạo trên thị trường bán lẻ trong nước. Theo đó, quốc gia này hiện quy định giá trần cho gạo xay xát thông thường ở mức 41 peso/kg (tương đương khoảng 0,72 USD/kg). Trong khi đó, giá của gạo xay xát kỹ được ấn định ở mức 45 peso/kg (tương đương khoảng 0,79 USD/kg). Các mức giá trần này có hiệu lực cho đến khi có quyết định tiếp theo của tổng thống. Bộ Nông nghiệp Philippines cho biết các mức giá trần nói trên đều thấp hơn so với mức giá bán trên thị trường trong nước tính đến ngày 30/8.

Còn tại Ấn Độ, sau khi áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non basmati vào tháng 7 vừa qua khiến giá gạo thế giới lên mức kỷ lục, nông dân nước này đã tăng cường mở rộng diện tích trồng lúa. Dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Ấn Độ tính đến ngày 1/9 cho thấy diện tích trồng lúa tại Ấn Độ đã tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 39,8 triệu ha. Điều này mở ra triển vọng tích cực hơn về nguồn cung gạo tại quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới.

Tại thị trường nội địa, các Bộ, ngành chức năng vẫn giữ vững quan điểm xuất khẩu khoảng 7 – 8 triệu tấn gạo, đồng thời, đảm bảo an ninh lương thực trong nước, thể hiện uy tín, vị thế của một trong những nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới.

Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 15/8/2023 về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh đó, nhằm cân đối cung cầu, bình ổn giá, đảm bảo an ninh lương thực trong nước, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị UBND các địa phương thực hiện trách nhiệm đã quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.

Theo đó, chỉ đạo Sở Công Thương đôn đốc các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn có phương án về nguồn hàng thóc, gạo để đảm bảo cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm. Chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn duy trì lượng thóc, gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết.

Thực hiện những chỉ đạo này, mới đây, Sở Tài chính TP.Hồ Chí Minh đã duyệt mức giá bán mới đối với mặt hàng gạo, đường tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2023 và Tết 2024. Sau khi điều chỉnh, giá các mặt hàng vẫn đảm bảo thấp hơn giá bình quân các mặt hàng cùng loại trên thị trường từ 5,6% - 14,3%, đáp ứng đúng quy định.

Để bình ổn giá cả mặt hàng gạo và các loại hàng hóa khác, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng đã triển khai hàng loạt chương trình bình ổn, thúc đẩy bán lẻ, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, góp phần ngăn chặn làn sóng tăng giá. Thành phố đang triển khai chương trình khuyến mãi tập trung kéo dài đến ngày 15/9.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục