Trong chuyến công tác từ ngày 18/11 đến 20/11 tại Hoa Kỳ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh, đã dẫn đầu đoàn công tác làm việc với nhiều tổ chức và doanh nghiệp tại New York và Washington DC. Các buổi gặp gỡ không chỉ nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế mà còn tập trung vào các lĩnh vực chiến lược như phát triển tài chính, công nghệ vi mạch bán dẫn và quản lý môi trường bền vững.
Tại New York, đoàn công tác đã làm việc với Tổ chức Dịch vụ tài chính tự nguyện (FSVC) để tiếp tục nhận được hỗ trợ về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng, một phần của đề án phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. Phó Chủ tịch FSVC Bill Mills đánh giá cao tiềm năng của Đà Nẵng, đồng thời cam kết hỗ trợ kết nối thành phố với các đối tác tài chính tiềm năng.
Ngoài ra, đoàn đã đến thăm Nhà máy xử lý rác thải Wheelabrator Westchester, mô hình đốt rác phát điện (WTE) của Tập đoàn Win Waste Innovations. Đây được xem là giải pháp khả thi cho Đà Nẵng trong việc quản lý chất thải và phát triển năng lượng sạch.
Tại Washington DC, đoàn công tác làm việc với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Quỹ ITSI để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Đây là ngành chiến lược mà Đà Nẵng định hướng trở thành động lực đột phá, với mục tiêu đào tạo ít nhất 5.000 nhân lực trong lĩnh vực này vào năm 2030.
Chủ tịch Đà Nẵng Lê Trung Chinh (thứ 4 từ phải qua) cùng đoàn công tác tặng quà lưu niệm Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ |
Bên cạnh đó, Đà Nẵng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), tập trung vào các sáng kiến xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn.
Chủ tịch Lê Trung Chinh đề nghị USAID hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, quản lý chất thải và phát triển tín chỉ carbon, đồng thời thảo luận về các động lực phát triển kinh tế như khu thương mại tự do và công nghệ bán dẫn.
Chuyến công tác không chỉ mở ra các cơ hội hợp tác mới mà còn khẳng định định hướng phát triển kinh tế bền vững của Đà Nẵng, tập trung vào công nghệ cao, kinh tế tuần hoàn và bảo vệ môi trường, đồng thời nâng cao vị thế của thành phố trên bản đồ đầu tư quốc tế.
Thu hút hơn 210 triệu USD vốn FDI, cấp mới 60 dự án trong năm 2024
Tính đến cuối tháng 10/2024, đã thu hút hơn 210 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó cấp mới 60 dự án với vốn đăng ký 203,684 triệu USD.
Những dự án mới này nâng tổng số dự án FDI trên địa bàn lên 1.012, với tổng vốn đầu tư đạt gần 4,55 tỷ USD. Đây là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh Đà Nẵng đang triển khai hàng loạt giải pháp cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.
Ngoài nguồn vốn FDI, Đà Nẵng còn thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư trong nước với tổng giá trị đạt hơn 34.694 tỷ đồng. Thành phố đã cấp mới quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án, với tổng vốn đầu tư 26.945 tỷ đồng, đồng thời cấp điều chỉnh cho 6 dự án khác với số vốn tăng thêm 7.749 tỷ đồng.
Bộ Chính trị vừa đồng ý chủ trương xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực tại Đà Nẵng, là cơ hội để Đà Nẵng phát triển bứt phá |
Tính đến nay, Đà Nẵng có 380 dự án đầu tư trong nước ngoài khu công nghiệp và khu công nghệ cao, với tổng vốn 224.044 tỷ đồng, cùng 399 dự án trong các khu công nghiệp, khu công nghệ cao và khu công nghệ thông tin với tổng vốn đầu tư 34.780 tỷ đồng.
Thành công trong thu hút vốn đầu tư của Đà Nẵng đến từ việc triển khai đồng bộ Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thành phố tập trung thực hiện Quy hoạch Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, và đẩy nhanh trình tự thủ tục các dự án động lực, trọng điểm.
Đà Nẵng cũng đặc biệt chú trọng phát triển công nghiệp công nghệ cao, với trọng tâm là các lĩnh vực như thiết kế vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), và công nghệ số.
Thành phố đã tích cực triển khai hoạt động của Tổ công tác liên ngành về xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, xử lý nhanh các khó khăn, đồng thời đưa ra 15 chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm cả chính sách do Trung ương ban hành và chính sách đặc thù riêng của Đà Nẵng.
Kiều Linh