Đà Nẵng: Trao chứng nhận 18 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Đà Nẵng: Khuyến công thúc đẩy phát triển sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch |
Sản phẩm OCOP du lịch đầu tiên
Anh Lê Thanh Tuấn - Đại diện Khu du lịch sinh thái kết hợp phát triển nông nghiệp Banarita Glamping Farm (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) cho biết, những năm Covid-19, anh cùng 2 người bạn mua lại đất nông nghiệp đang trồng keo của người dân ở đây để làm vườn. Sau đó, nhóm đã cải tạo lại đất, trồng các loại cây ăn trái, rau xanh, phục vụ cho những nhu cầu trồng cây, nuôi gà của gia đình.
Năm 2021, khi Đà Nẵng ban hành Nghị quyết 82 về việc thống nhất chủ trương thực hiện thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang, anh Tuấn đã làm hồ sơ và được phê duyệt.
“Qua tìm hiểu, tôi nhận ra mô hình du lịch trải nghiệm đang bắt đầu rộ lên, nhiều người trong thành phố chọn lựa về các xã vùng ven để nghỉ ngơi, thư giãn cũng như trải nghiệm ngày cuối tuần nên tôi đã quyết định xây dựng mô hình này trên phần vườn mình đã có sẵn và được thành phố chấp nhận”, anh Tuấn chia sẻ.
Từ đó, anh quyết tâm đầu tư cơ sở vật chất, cũng như bố trí các tiểu cảnh sao cho phù hợp với nhu cầu. Đến tháng 4/2023, Banarita đã đi vào hoạt động với diện tích rộng 5 hecta.
Khu du lịch sinh thái kết hợp phát triển nông nghiệp Banarita Glamping Farm. |
Tiếp đó, anh Tuấn tìm hiểu về chương trình OCOP và nhận thấy đây là một chương trình lớn góp phần phát triển được sản phẩm người Việt trong giai đoạn mới và nông trại của mình cơ bản đáp ứng được các điều kiện nên anh đã nghiên cứu và nhờ các đơn vị sở, ngành liên quan tư vấn, hướng dẫn để hoàn thiện thêm các tiêu chí. Đến đầu năm 2024, Banarita là một trong 26 sản phẩm được Hội đồng đã đánh giá phân hạng đạt OCOP 3 sao và 4 sao của thành phố Đà Nẵng.
“Đây là một trong những tín hiệu mừng cũng như nỗ lực chung của cả farm trong việc xây dựng và phát triển sản phẩm. Hiện nay, Banarita đang tạo việc làm cho 30 lao động chính thức và thời vụ, trong đó đa số là người dân địa phương”, anh Tuấn cho hay.
Trong năm 2023, mỗi tháng Banarita đón từ 2.000 đến 3.000 khách đến trải nghiệm và nghỉ ngơi. Dự kiến, năm nay số lượng sẽ tăng gấp đôi. “Được đánh giá đạt OCOP 4 sao là một trong những niềm vui của chúng tôi khi thực hiện mô hình này, bởi đây là một sự ghi nhận của thành phố và tạo được sự tin tưởng nhiều hơn từ khách hàng. Chúng tôi sẽ giữ gìn và phát huy những kết quả được ghi nhận này, đồng thời sẽ luôn tạo thêm những trải nghiệm mới để người dân và du khách tìm đến farm nhiều lần hơn”, anh Lê Thanh Tuấn nói.
Trẻ em vui chơi tại khu du lịch |
Hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông thôn
Theo UBND huyện Hòa Vang, việc phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn được huyện xác định là một trong những giải pháp quan trọng, động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững. Đây là hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông thôn, từng bước chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp theo hướng tích hợp đa ngành; phát huy lợi thế văn hóa, sinh thái và cảnh quan nông thôn, góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Ông Phan Duy Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, huyện sẽ tiếp tục rà soát, hướng dẫn các chủ thể xây dựng và phát triển nhóm sản phẩm OCOP du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm, hỗ trợ tư vấn về nhãn hiệu, mẫu mã… để phù hợp làm quà tặng du lịch. Đồng thời, kết nối, quảng bá sản phẩm đến du khách trong nước và quốc tế; tập trung phát triển sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, phù hợp với văn hóa, điều kiện sinh thái tự nhiên của địa phương, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao.
Để khai thác, tận dụng hiệu quả tiềm năng của nhóm sản phẩm này, huyện sẽ tăng cường tạo sự gắn kết giữa sản phẩm OCOP với du lịch và nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả, điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến du khách; chú trọng phát triển hệ thống các sản phẩm mang tính liên kết cao.
Việc phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn là động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững. Ảnh: Banarita Glamping Farm |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng, để đạt mục tiêu có ít nhất 2 sản phẩm OCOP du lịch đến năm 2025, đơn vị đã phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan khảo sát, đánh giá tiềm năng, triển vọng của các điểm, cơ sở du lịch theo Bộ tiêu chí sản phẩm OCOP du lịch và hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở hoàn thiện, chuẩn hóa hồ để bảo đảm điều kiện tham gia chương trình OCOP.
Trên cơ sở sản phẩm OCOP du lịch đầu tiên được công nhận, thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ, nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ tại các điểm OCOP du lịch, lan tỏa hiệu quả chương trình gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Các ngành, địa phương cần tập trung hỗ trợ, đẩy mạnh các hoạt động liên kết chuỗi, liên kết vùng trong phát triển sản phẩm OCOP du lịch, phát huy giá trị cộng đồng và gắn kết các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương vào sản phẩm.
Bên cạnh đó, các chủ thể OCOP du lịch phải tập trung hoàn thiện, nâng cấp cơ sở, hạ tầng, chất lượng dịch vụ theo phương án đã đăng ký tham gia chương trình OCOP và có sự hỗ trợ cũng như kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn của thành phố.
Hạ Vĩ
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|