Đà Nẵng: Nâng cao năng lực chuyển đổi số cho doanh nghiệp du lịch

(Banker.vn) Sau dịch Covid-19, việc tạo ra các trải nghiệm và sản phẩm du lịch mới thông qua chuyển đổi số sẽ tăng khả năng cạnh tranh và thu hút khách du lịch.
Chuyển đổi số, phát triển du lịch bền vững Thành phố Đà Nẵng phải làm gì để trở thành "thành phố đáng đến, đáng sống"?

Sáng ngày 11/8, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông, Hội Khách sạn thành phố tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực chuyển đổi số và giải pháp chiếu sáng thông minh tại cơ sở lưu trú du lịch năm 2022”.

Đà Nẵng: Nâng cao năng lực chuyển đổi số cho doanh nghiệp du lịch
Nâng cao năng lực chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng tăng khả năng cạnh tranh, tăng trải nghiệm và thu hút khách du lịch

Hội thảo nhằm tạo không gian để các doanh nghiệp, hiệp hội du lịch, lưu trú thảo luận các giải pháp để nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh du lịch, nâng cấp chất lượng, trải nghiệm của khách du lịch tại các cơ sở lưu trú.

Ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, đến thời điểm hiện tại, du lịch Đà Nẵng đã từng bước phục hồi. Đến hết tháng 7/2022, thành phố đã đón hơn 1,8 triệu khách du lịch nội địa và gần 200 nghìn khách quốc tế. Đã có khoảng 900/1.280 cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố hoạt động trở lại (chiếm gần 70% cơ sở lưu trú du lịch) với 33.570/45.731 phòng (chiếm 73%).

Bên cạnh sự phục hồi từng bước của khách du lịch và các doanh nghiệp du lịch, việc triển khai chuyển đổi số và ứng dụng các giải pháp du lịch thông minh để phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách du lịch cũng được lãnh đạo thành phố chú trọng tiên phong. Chỉ số DTI 2021 cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy, TP. Đà Nẵng lần thứ 2 liên tiếp xếp vị trí thứ nhất với giá trị 0,6419. Xếp hạng 3 trụ cột, Đà Nẵng cũng tiếp tục đứng đầu về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Theo ông Bình, tại Việt Nam, dịch Covid-19 đã được kiểm soát hiệu quả. Tuy nhiên, bối cảnh chung toàn thế giới còn một số quốc gia vẫn áp dụng biện pháp hạn chế để kiểm soát dịch bệnh. Vì vậy, doanh nghiệp du lịch cần nỗ lực hơn nữa để làm mới mình, đón đầu xu hướng du lịch sau dịch bệnh, làm mới sản phẩm để gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch.

“Sau dịch Covid-19, xu hướng của khách du lịch đã có nhiều thay đổi, việc tạo ra những trải nghiệm mới mẻ và sản phẩm du lịch đặc sắc thông qua các giải pháp chuyển đổi số, tối ưu hóa hoạt động vận hành tại các cơ sở lưu trú là vô cùng quan trọng để nâng cao khả năng cạnh tranh và thu hút khách”, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng nói.

Được biết, trước hội thảo, Sở Du lịch Đà Nẵng đã tổ chức nhiều lớp đào tạo chuyên sâu về chuyển đổi số dành riêng cho các cơ sở lưu trú du lịch, từng bước chuẩn hóa hoạt động kinh doanh phục vụ khách, đào tạo nâng cao các kỹ năng số, tăng lợi thế cạnh tranh và phát triển cơ hội trong kinh doanh, nhằm hỗ trợ các đơn vị tối ưu hoạt động kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng và sự chuyên nghiệp khi mở cửa lại hoạt động du lịch.

Theo kết quả của cuộc khảo sát "State of Travel Insurance Report" năm 2022, Việt Nam được bình chọn là một trong những điểm đến an toàn hàng đầu trong khu vực và trên thế giới, là tiền đề góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, từng bước khôi phục hoạt động du lịch sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Vũ Lê

Theo: Báo Công Thương