Đà Nẵng: Không đủ nguồn lực và vốn để ngầm hóa lưới điện trung, hạ áp

(Banker.vn) TP. Đà Nẵng chưa đủ nguồn lực và vốn để thực hiện ngầm hóa các đường dây trung áp và hạ áp theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (Quy chuẩn 07).
Đà Nẵng: 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng điện thương phẩm đạt 1,75 tỷ kWh Ngầm hóa lưới điện – Rất cần sự đồng thuận của người dân

Cần linh hoạt áp dụng Quy chuẩn 07

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật (Quy chuẩn 07:2023/BXD) theo thông tư số 15/2023/TT-BXD của Bộ Xây dựng có hiệu lực từ 1/7/2024.

Theo ông Lê Hồng Cương – Giám đốc Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng), đối với TP. Đà Nẵng, quy định Quy chuẩn 07 về công trình cấp điện có nhiều vướng mắc ở vấn đề ngầm hóa đường dây trung, hạ áp.

Cụ thể, Quy chuẩn 07 có nội dung các trạm biến áp 110kV, 220kV đặt trong khu vực nội thị thuộc các đô thị từ loại II đến loại đặc biệt phải xây dựng trạm trong nhà. Đối với khu vực có không gian nhỏ và hẹp, ưu tiên sử dụng các trạm GIS kín hoặc nửa kín, nửa hở. Các lộ xuất tuyến đến và đi của các trạm biến áp phân phối (các trạm trong và ngoài trời) được xây dựng trong khu vực nội thị phải sử dụng cáp ngầm đối với đường dây trung áp và hạ áp. Đối với phụ kiện đường dây, cáp ngầm trung thế và hạ thế trong đô thị phải đi ngầm, cáp ngầm phải đặt trong hào kỹ thuật hoặc tuy nen kỹ thuật và đảm bảo quy định tại QCVN 07-3:2023/BXD và Quy phạm trang bị điện.

Đà Nẵng: Không đủ nguồn lực và vốn để hóa ngầm lưới điện trung, hạ áp
TP. Đà Nẵng gặp khó khi thực hiện các quy định theo Quy chuẩn 07 (Ảnh: CTV)

Theo đại diện PC Đà Nẵng, trước mắt nếu triển khai áp dụng theo quy chuẩn 07 cho toàn bộ lưới điện trung hạ áp trên địa bàn TP. Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay thì công ty Điện lực Đà Nẵng không đủ nguồn lực cũng như không đủ khả năng bố trí vốn để đầu tư phát triển lưới điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. “Chi phí đầu tư lưới điện mới đi ngầm tăng thêm gấp 5 – 6 lần chi phí đầu tư lưới điện đi nổi. Đồng thời, nếu triển khai giải pháp bố trí tuyến ngầm hào kỹ thuật thì chi phí sẽ tăng thêm 1,4 – 1,9 lần so với giải pháp bố trí đi ngầm bằng lôi cáp”, ông Lê Hồng Cương cho hay.

Để từng bước áp dụng Quy chuẩn 07 và từ thực tế lưới điện TP. Đà Nẵng cũng như phù hợp với khả năng của lượng điện tăng, PC Đà Nẵng đề xuất việc xây dựng lưới điện trung hạ áp theo hướng ngầm hóa cần triển khai có lộ trình nhằm phù hợp với thực tế, khả năng điều kiện cân đối nguồn vốn như quy định tại quyết định 3239 của UBND TP. Đà Nẵng. Tức là ngầm hóa theo từng giai đoạn, khu vực và theo loại tuyến đường. Đồng thời giải pháp bố trí lưới điện đi ngầm cần thực hiện một cách linh hoạt phù hợp tùy vào từng điều kiện cụ thể, không nhất thất chỉ áp dụng giải pháp đi ngầm bằng hào kỹ thuật hoặc tuy nen kỹ thuật.

“Chúng tôi có đi học tập kinh nghiệm tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Việc đi ngầm giải pháp chủ yếu vẫn là lôi cáp”, ông Lê Hồng Cương nói.

Đà Nẵng: Không đủ nguồn lực và vốn để hóa ngầm lưới điện trung, hạ áp
Ông Lê Hồng Cương - Giám đốc PC Đà Nẵng cho biết, nếu áp dụng Quy chuẩn 07 cho toàn bộ lưới điện trung, hạ áp trên địa bàn TP. Đà Nẵng thì ngành điện Đà Nẵng không đủ nguồn lực và không đủ khả năng bố trí vốn

Kiến nghị có Nghị quyết đặc thù hỗ trợ lãi suất đối với việc ngầm hóa lưới điện đang thi công

Vướng mắc về vốn là một trong những vấn đề lớn để ngầm hóa lưới điện hiện hữu trên địa bàn TP. Đà Nẵng.

Giám đốc PC Đà Nẵng cho biết: Trong quá trình triển khai dự án ngầm hóa lưới điện tại đường Lý Thái Tổ, Hùng Vương, PC Đà Nẵng đã bố trí vốn, mua sắm vật tư thiết bị và đấu thầu từ năm 2021. Tuy vậy, do dự án phải đồng bộ với thành phố nên tạm dừng.

“Đến nay đã dừng và chậm trễ 3 năm. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất kinh doanh, tài chính, tồn kho của công ty cũng như ảnh hưởng đến việc bố trí vốn cho các dự án ngầm hóa lưới điện ở các tuyến đô thị khác”, ông Lê Hồng Cương cho hay và nói thêm, ngoài ra thời gian tới, việc thi công cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trên vỉa hè các tuyến đường này do nằm ở khu vực trung tâm, vỉa hè nhỏ hẹp, tập trung nhiều hộ kinh doanh buôn bán, mật động dân cư đông đúc…

Cũng theo ông Lê Hồng Cương, hiện nay, mức hỗ trợ lãi suất vốn vay đối với các dự án ngầm hóa lưới điện hiện hữu rất thấp. “PC Đà Nẵng đã kiến nghị nhiều lần với HĐND, UBND thành phố, các Sở ngành về việc có một Nghị quyết đặc thù quy định hỗ trợ lãi suất đối với việc ngầm hóa lưới điện đang thi công hiện hữu trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Và vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến các Sở ngành”, ông Lê Hồng Cương thông tin.

Đại diện PC Đà Nẵng cũng đề xuất thành phố về lâu dài cần ưu tiên ngầm hóa cáp viễn thông trước để vừa đảm bảo mỹ quan đô thị, vừa đảm bảo an toàn lưới điện.

Đà Nẵng: Không đủ nguồn lực và vốn để hóa ngầm lưới điện trung, hạ áp
Đề xuất TP. Đà Nẵng có Nghị quyết đặc thù quy định hỗ trợ lãi suất đối với các dự án ngầm hóa lưới điện đang thi công hiện hữu trên địa bàn

Ông Nguyễn Văn Trừ - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cho biết, để hỗ trợ ngành điện ngầm hóa lưới điện, Sở đã kiến nghị thành phố hỗ trợ lãi suất cho các dự án ngầm hóa lưới điện đang thi công hiện hữu. Tuy nhiên, khi trình qua Sở Tài chính và một số sở ngành thì lại được đề nghị đưa gộp luôn lĩnh vực viễn thông vào cùng. Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thống nhất được nội dụng.

“Đợt vừa rồi họp lại một lần nữa, và có thêm ý kiến về các vấn đề phát sinh nên Sở Tài chính tham mưu UBND thành phố lấy ý kiến thêm một lần nữa để giải quyết các vấn đề phát sinh về giao đất, cho thuê đất…”, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng thông tin.

Vũ Lê

Theo: Báo Công Thương