Đa dạng hóa thị trường, tăng cường xúc tiến thương mại tại thị trường châu Âu

(Banker.vn) Tính đúng đắn của chủ trương đa dạng hóa thị trường xuất khẩu đã được khẳng định, đặc biệt trong những giai đoạn các thị trường xuất khẩu chủ lực gặp khó khăn.
Trước thềm hội nghị tham tán thương mại khu vực châu Âu: Đại diện Thương vụ kỳ vọng gì? Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên sẽ chủ trì Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực châu Âu Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực châu Âu

Thảo luận trong Phiên họp chính thức của Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực châu Âu diễn ra vào ngày 18/7/2024 tại Roma, Italia, các Tham tán công sứ, Tham tán Thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Âu cùng cho rằng, tính đúng đắn của chủ trương đa dạng hóa thị trường xuất khẩu đã được khẳng định, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 vừa qua, cũng như giai đoạn một số thị trường xuất khẩu chủ lực gặp khó khăn.

Tính đến nay, Việt Nam đã kí kết và đưa vào thực thi 16 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), mở ra các khu vực thị trường rộng lớn. Và hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đàm phán 3 FTA với các khu vực thị trường mới: FTA Việt Nam - EFTA (gồm các nước Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein); FTA ASEAN – Canada; Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) Việt Nam - Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE)... do vậy, việc khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong các Hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn như EU vẫn luôn là một nhiệm vụ trọng tâm, được các Thương vụ ưu tiên hàng đầu.

Đa dạng hóa thị trường, tăng cường xúc tiến thương mại sang thị trường châu Âu
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực châu Âu diễn ra vào ngày 18/7/2024 tại Roma, Italia

Đột phá xuất khẩu từ thị trường Hungary

Nằm ở khu vực Trung - Đông Âu, với dân số 9,6 triệu người, mặc dù được đánh giá là không phải thị trường lớn trong khối EU nhưng quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hungary đã có những bước phát triển đáng ghi nhận trong thời gian qua.

Trao đổi thương mại hai chiều giữa hai nước từ 354 triệu USD năm 2017, đến 2023 đã tăng lên trên 848 USD, đạt tốc tộ tăng bình quân 24%/năm trong giai đoạn này. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Hungary đạt 207 triệu USD trong năm 2017, đến năm 2023 tăng lên 418,5 triệu USD, đạt tốc độ tăng trung bình 40%/năm.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang Hungary đã lấy lại đà tăng trưởng sau khi gặp nhiều khó khăn trong năm 2023, đạt 314,6 triệu USD, tăng 57,9% so cùng kỳ năm trước.

Đa dạng hóa thị trường, tăng cường xúc tiến thương mại sang thị trường châu Âu
Ông Trần Ngọc Hà - Trưởng đại diện cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hungary phát biểu tại Hội nghị

Ông Trần Ngọc Hà - Trưởng đại diện cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hungary cho biết, cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hungary chủ yếu là các nhóm hàng linh kiện điện tử; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; phương tiện vận tải và phụ tùng; vải; kim loại và sản phẩm, cà phê (trong đó nhóm hàng linh kiện điện tử chiếm tỷ trọng cao nhất, hiện khoảng 56% trong tổng kim ngạch xuất khẩu). Nhập khẩu từ Hungary chủ yếu là các nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; dược phẩm.

Tuy nhiên, theo Trưởng đại diện cơ quan Thương vụ, xuất khẩu hàng Việt Nam sang thị trường Hungary những năm qua chủ yếu phụ thuộc vào nhóm hàng sản phẩm, linh kiện điện tử, nhóm hàng này luôn chiếm trên dưới 60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. "Việc thị trường xuất khẩu chủ yếu phụ thuộc vào một nhóm hàng là khá mạo hiểm, không mang tính bền vững lâu dài. Bên cạnh đó, Hungary không có nhiều hội chợ, triển lãm quốc tế lớn, phù hợp với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam" - ông Trần Ngọc Hà phân tích.

Do vậy, để công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, đa dạng hoá sản phẩm xuất khẩu đem lại hiệu quả tốt, trong thời gian qua Thương vụ Việt Nam tại Hungary đã hướng tới việc thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản tiềm năng mà Hungary không sản xuất được như cà phê, hạt điều, hạt tiêu, gạo...cho dù dung lượng thị trường còn hạn chế.

Bên cạnh việc tổ chức và tham gia các buổi hội thảo liên quan đến xuất khẩu, các buổi kết nối giao thương, Thương vụ đã tổ chức các buổi trưng bày, quảng bá, giới thiệu hàng xuất khẩu Việt Nam, trong đó tập trung vào các mặt hàng tiềm năng, có lợi thế. Cùng đó, vận động và phối hợp tổ chức đoàn doanh nghiệp Hungary vào Việt Nam tham dự sự kiện Vis2023, 2024; chủ động tìm kiếm, tiếp cận các nhà nhập khẩu, phân phối, bán lẻ sở tại, kết nối trực tiếp cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam để có thể xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Hungary, giảm nhập khẩu gián tiếp qua các đầu mối lớn ở một số nước EU.

Kết quả, trong năm 2023, Thương vụ đã kết nối trực tiếp thành công cho Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) xuất khẩu gạo ST25 vào thị trường Hungary, đây là lần đầu tiên Hapro xuất khẩu được gạo vào thị trường EU nói chung và Hungary nói riêng. Góp phần vào mức tăng trưởng trên 170% xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Hungary năm 2023, thị phần tăng từ 2% năm 2022 lên 6% trong năm 2023. Hiện tại Thương vụ cũng đang kết nối trực tiếp cho một nhà xuất khẩu gạo của Việt Nam khác cũng là lần đầu tiên xuất khẩu vào thị trường Hungary.

Cũng với biện pháp chủ động tìm kiếm, tiếp cận và kết nối trực tiếp, trong thời gian qua, Thương vụ đã kết nối thành công cho các công ty xuất khẩu lao động Việt Nam ký được thoả thuận hợp tác với các đối tác Hungary.

Ưu tiên đưa hàng Việt Nam vào chuỗi phân phối nước ngoài

Cùng với thị trường Hungary, Đức là đối tác hợp tác kinh tế thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trong EU và Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại số một của Đức trong ASEAN. Kim ngạch thương mại hai nước đã tăng gần gấp đôi trong giai đoạn 2011-2023, từ mức 5,6 tỷ USD năm 2011 lên đến trên 11 tỷ USD năm 2023.

6 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Đức đạt trên 5,57 tỷ USD, tăng 1,75% trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt 3,82 tỷ USD tăng 3,2% và nhập khẩu của Việt Nam từ Đức đạt khoảng 1,75 tỷ USD, giảm 1,2%. Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam và Đức chiếm 17% thương mại của Việt Nam với EU, trong đó xuất khẩu chiếm 15% và nhập khẩu chiếm 23%.

Đa dạng hóa thị trường, tăng cường xúc tiến thương mại sang thị trường châu Âu
Bà Đặng Thị Thanh Phương - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Đức cho biết, Thương vụ đặc biệt chú trọng đến hoạt động kết nối giao thương phục vụ doanh nghiệp, đưa hàng Việt Nam vào chuỗi phân phối nước ngoài

Dù đạt được những kết quả tích cực, song bà Đặng Thị Thanh Phương - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Đức cho rằng, kết quả này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Do vậy, để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường, thời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại Đức đặc biệt chú trọng đến hoạt động kết nối giao thương phục vụ doanh nghiệp, đưa hàng Việt Nam vào chuỗi phân phối nước ngoài.

Trong đó, tập trung hỗ trợ các địa phương của Việt Nam và thành phố/bang xây dựng cơ chế hợp tác tạo thuận lợi hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư, đặc biệt tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại tại các địa phương của Đức để tăng tính nhận diện sản phẩm Việt Nam tại các địa phương chưa có đông đảo người Việt sinh sống; tăng cường tham gia các Hội chợ chuyên ngành của Đức, khuyến nghị các cơ quan liên quan về tính quan trọng của các hội chợ và hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham dự các Hội chợ quốc tế chuyên ngành như Hội chợ Fruit Logistica, Biofach, Anuga, ITB, Fish International, Ambiente, Hannover Messe...

Để mở rộng thị trường cho hàng Việt Nam xuất khẩu sang Đức, Thương vụ đã chú trọng đến công tác thông tin thị trường, xây dựng trang thông tin điện tử (website) của Thương vụ Việt Nam tại Đức nhằm cung cấp các thông tin thị trường hai chiều cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp hai bên. Mặt khác, tiếp tục duy trì việc thúc đẩy đưa hàng vào hệ thống phân phối của Đức song song với thúc đẩy đưa hàng vào hệ thống phân phối của người Việt tại Đức.

Xác định các lĩnh vực ưu tiên để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

Ông Vũ Anh Sơn - Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho biết, tại thị trường Pháp nói riêng và châu Âu nói chung, nơi có lượng cầu của thị trường với hàng hóa nông, thủy sản của Việt Nam đã ổn định, việc hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam để duy trì thị phần và tổ chức các hoạt động kích thích cầu của thị trường, nhằm thu hút nhiều sự quan tâm hơn nữa và kéo theo là nhu cầu của thị trường gia tăng với hàng hóa Việt Nam sẽ là mục tiêu quan trọng nhất.

Đa dạng hóa thị trường, tăng cường xúc tiến thương mại sang thị trường châu Âu
Ông Vũ Anh Sơn - Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Pháp

Đối với nhiệm vụ đa dạng hóa thị trường, xúc tiến thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Pháp đã có những kết quả cụ thể. Trong năm 2021, Thương vụ đã khai thông thị trường hoa quả tươi Việt Nam vào Pháp, đặc biệt đối với mặt hàng vải và nhãn tươi. Ngoài ra, mặt hàng hoa quả đóng hộp cũng lần đầu tiên thâm nhập vào hệ thống siêu thị tại Pháp, dưới sự hỗ trợ của Thương vụ.

Năm 2022, Thương vụ tiếp tục đổi mới cách tiếp cận và thành công khai thông thị trường cho sản phẩm gạo, thương hiệu Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện trên kệ các hệ thống đại siêu thị tại Pháp.

Năm 2023, là năm bản lề để Thương vụ tiếp tục triển khai các hoạt động sâu và rộng hướng tới Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp mạng phân phối nước ngoài với hàng loạt tuần hàng được tổ chức tại những đại siêu thị lớn nhất tại Pháp như: Tuần hàng Tết Nguyên đán Việt Nam tại hệ thống phân phối Carrefour; Tuần hàng Tết Trung thu Việt Nam tại hệ thống phân phối E.Leclerc; Tuần hàng giới thiệu gạo thương hiệu Việt Nam lần đầu tiên tại Pháp...

Năm 2024, phát huy sáng kiến chung tay quảng bá, lan tỏa hình ảnh văn hóa, hàng hóa Việt Nam tại Pháp. Thương vụ đã phối hợp vưới Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, Bộ Văn Hóa, tổ chức một chương trình tổng thể quảng bá xúc tiến trái vải Việt Nam. Một lần nữa, với các hoạt động của Thương vụ, trái vải Việt Nam lại đạt mốc mới trong giá trị xuất khẩu vào thị trường này với gần 20 tấn vải, gần như toàn bộ được nhập khẩu và phân phối bởi các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam.

Để gia tăng thị trường gạo Việt Nam nói riêng và sản phẩm hàng hóa trong nước nói chung tại thị trường Pháp, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm; chú trọng xây dựng thương hiệu ngành hàng, thương hiệu doanh nghiệp để tạo niềm tin cho người tiêu dùng và các đối tác tại Pháp.

Bên cạnh đó, với lợi thế hiện diện tại thị trường sở tại, thời gian tới, Thương vụ nỗ lực hơn nữa trong công tác tìm kiếm thị trường, kết nối với Nhà để đóng góp cho phát triển các lĩnh vực công nghiệp, sản xuất và năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Theo đó, Thương vụ sẽ ưu tiên các nhiệm vụ như: Kết nối hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là những ngành công nghiệp có tính chất nền tảng; Tìm kiếm, phát hiện, kết nối để đa dạng nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ các ngành sản xuất trong nước, thúc đẩy hợp tác với nước ngoài để phát triển ngành công nghiệp vật liệu của Việt Nam; Tìm kiếm, kết nối, thu hút đầu tư trong các khâu sản xuất, cung ứng các vật tư, vật liệu, thiết bị phục vụ phát triển ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo; Thúc đẩy xuất khẩu một số nhóm hàng nông, thủy sản tiềm năng, làm đà tạo hình ảnh và thúc đẩy cầu của thị trường

Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực châu Âu được tổ chức nhằm đẩy mạnh hoạt động kinh tế - thương mại, công tác thị trường nước ngoài và xúc tiến thương mại góp phần tăng cường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đến các nước trong khu vực và thế giới; cùng đó, hướng tới mục tiêu tăng cường công tác kết nối, phối hợp và hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến các hoạt động xuất khẩu.

Phát biểu khai mạc Phiên làm việc chính thức, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận và đánh giá cao những thành tích mà các Tham tán Thương mại đã đạt được trong thời gian qua. Nhờ sự chủ động từ trong nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp tình hình thị trường và các quy định, cơ chế chính sách mới của các nước sở tại các Thương vụ đã tham mưu, tư vấn cho các Cơ quan Quản lý nhà nước và các Hiệp hội, doanh nghiệp trong nước, từ đó có phản ứng chính sách kịp thời và điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, hiệu quả.

Những nỗ lực của hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài (trong đó có Tham tán Thương mại tại khu vực châu Âu) đã góp phần đưa Việt Nam từ một nước chậm phát triển trở thành 1 trong 40 quốc gia có quy mô GDP lớn nhất thế giới; thuộc top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại, top 15 về thu hút đầu tư nước ngoài và top 46 về Chỉ số đổi mới sáng tạo.

Nhận định tình hình kinh tế thế giới và khu vực đang có dấu hiệu khởi sắc, song thương mại toàn cầu được dự báo tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới; đặc biệt là tại thị trường châu Âu - nơi đang là tâm điểm của cạnh tranh địa chính trị và kinh tế đang trong giai đoạn trì trệ. Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo các Trưởng Thương vụ, lãnh đạo các đơn vị trong Bộ Công Thương tập trung thảo luận, đánh giá những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thị trường.

Cùng đó, yêu cầu lãnh đạo các đơn vị đề xuất, khuyến nghị các giải pháp, sáng kiến để thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam với các đối tác tại khu vực châu Âu nhằm khai thác có hiệu quả các khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các hiệp định thương mại tự do để mở rộng, đa dạng hoá thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu, cũng như xây dựng, hoàn thiện hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trở thành các cơ quan năng động - chuyên nghiệp - hiệu quả, phục vụ tốt nhất sự phát triển kinh tế của đất nước và cộng đồng doanh nghiệp.

Báo Công Thương sẽ tiếp tục cập nhật thông tin…

Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, với vai trò tư lệnh ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nhấn mạnh quan điểm phải đổi mới hoạt động Thương vụ để mang tính hiệu quả, thiết thực, trong đó chú trọng đến khâu đột phá xuất khẩu của công tác xúc tiến thương mại.

Do vậy, tháng 7/2022 đã Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tổ chức “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước”. Đây là Hội nghị giao ban đầu tiên và cũng là tiền đề để Bộ Công Thương tổ chức thường kỳ vào các tháng tiếp theo.

Từ đó đến nay, định kỳ hàng tháng Bộ Công Thương đều tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường nước ngoài theo từng chủ đề để cập nhật kịp thời các yêu cầu xúc tiến xuất khẩu, nhập khẩu của các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp; đồng thời tạo diễn đàn phổ biến thông tin, chính sách, cơ hội thị trường nước ngoài từ hệ thống các cơ quan Thương vụ Việt Nam trên toàn cầu.

Hoạt động của Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài luôn được Chính phủ đặc biệt quan tâm và tập trung đẩy mạnh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu, do vậy, tháng 8/2022, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài theo hình thức trực tuyến. Tại đây, Thủ tướng đặt kỳ vọng, với kiến thức, năng lực, trình độ của mình, các Thương vụ ở nước ngoài tích cực đóng góp để góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu, mang ngoại tệ về cho đất nước, đồng thời góp phần thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế thực chất, sâu rộng, hiệu quả.

Cùng với đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, để góp phần thực hiện được mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, là đại diện kinh tế Việt Nam ở nước ngoài, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài phải tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước hợp tác đầu tư, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp trong nước, đặc biệt là những ngành công nghiệp có tính chất nền tảng (cơ khí, chế biến, chế tạo, điện tử, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu, hóa chất, dược phẩm…).

Nguyên Minh - Hoàng Giang từ Italia

Theo: Báo Công Thương