Đã có gần 100 tấn vải thiều xuất khẩu đến các thị trường giá trị cao

(Banker.vn) Từ 3-7/6 đã có gần 100 tấn vải thiều xuất khẩu đi thị trường khó tính. Ngày 15/6, 3 tấn vải thiều Bắc Giang lần đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Australia.
Xuất khẩu vải thiều rộng cửa, hứa hẹn mùa vụ thuận lợi Xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp cần lưu ý gì? Xuất khẩu vải thiều bằng đường sắt: Tránh ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu

Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dù mới vào đầu vụ nhưng lượng vải thiều của Việt Nam xuất khẩu đi các thị trường giá trị cao với những tín hiệu rất khả quan.

Theo đó, từ ngày 3 - 7/6, đã có gần 100 tấn vải thiều xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản, Australia, Anh, EU. Riêng Nhật Bản, chỉ trong 3 ngày từ 4 - 7/6, đã có gần 40 tấn vải thiều được xuất khẩu thành công.

Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, ngày 15/6 vải thiều Bắc Giang lần đầu tiên sẽ xuất khẩu sang thị trường Australia khoảng 3 tấn.

Rút kinh nghiệm từ những vụ vải trước, năm nay, dưới sự hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật về yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của từng thị trường, các địa phương, hộ sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu vải đã chủ động vào cuộc từ rất sớm, chuẩn bị chu đáo các phương án xuất khẩu.

Dự báo lượng vải xuất khẩu đi các thị trường có giá trị cao sẽ tăng cao hơn so với các năm, góp phần vào thắng lợi chung của vụ vải năm nay.

Dù tín hiệu thị trường khá tốt, tuy nhiên, khối lượng trái vải thiều xuất khẩu đến các thị trường khó tính vẫn còn khá khiêm tốn. Để trái vải thiều Việt Nam có thể đi xa thì vẫn còn nhiều việc cần phải làm.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết, trái vải Việt Nam khi xuất khẩu ra thị trường thế giới như Hoa Kỳ, EU… thường bị cạnh tranh mạnh với trái vải của Trung Quốc.

Như tại thị trường Australia, Trung Quốc là nước sản xuất trái vải nhiều nhất thế giới, vụ mùa có từ tháng 2 đến tháng 7. Nông dân Trung Quốc chuyên nghiệp hóa quá trình thu hái, đặc biệt là nhà máy chiếu xạ đặt ngay tại vùng nguyên liệu. Vì vậy, sau khi thu hoạch chỉ trong một, hai ngày trái vải đã có ở siêu thị Australia.

Trong khi đó diện tích trồng vải của Việt Nam bằng 1/10 Trung Quốc, mùa vải chỉ có tháng 6 và tháng 7. Hơn nữa, sau khi thu hoạch, đóng gói tại các tỉnh phía Bắc, vải tiếp tục vận chuyển vào TP. Hồ Chí Minh chiếu xạ để xuất đi. Từ khi thu hái đến lúc trái vải có mặt ở Australia mất cả một tuần, đã ảnh hưởng đến màu sắc, chất lượng trái vải...

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, để trái vải Việt Nam có thể cạnh tranh khi xuất khẩu sang Australia, Hiệp hội đã đề xuất có thể áp dụng công nghệ Methyl Bromide giống như Nhật Bản đang xử lý đối với trái cây thay vì phải đưa vải vào TP. Hồ Chí Minh chiếu xạ.

Hoặc Bộ Công Thương đề nghị các hãng hàng không Việt Nam có thể ưu tiên vận chuyển ngay những lô vải đi chiếu xạ tại TP.Hồ Chí Minh cũng như hỗ trợ giá cước. Song song đó, nông dân cần thay đổi thời gian thu hoạch, làm sao chỉ trong vòng vài ngày vải Việt Nam lên kệ siêu thị ở Australia.

Với trên 331 triệu dân với sức tiêu thụ lớn, thị trường Hoa Kỳ còn nhiều dư địa cho trái cây Việt Nam mở rộng và phát triển, là thị trường tiêu thụ trái cây khổng lồ với nhu cầu đa dạng, ngày càng chú trọng các loại rau quả, thực phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe. Nhóm khách hàng chính hiện nay là cộng đồng dân cư gốc Á và đặc biệt là cộng đồng người Việt ngày càng lớn mạnh, tập trung tại các đô thị, thành phố lớn của Hoa Kỳ.

Đối với trái vải, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, Hoa Kỳ nhập khẩu vải từ Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan, trong đó vải Lục Ngạn, Bắc Giang luôn được người tiêu dùng Hoa Kỳ đón nhận và đánh giá cao về chất lượng.

Tuy nhiên, theo Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, trái vải Việt Nam vẫn tiếp cận thị trường đối với nông sản thực phẩm Việt Nam nói chung và trái vải nói riêng còn gặp một số trở ngại. Theo đó, chưa có cơ sở chiếu xạ theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ đặt tại miền Bắc.

Quá trình từ thu hoạch, vận chuyển cho đến tay người tiêu dùng tại Hoa Kỳ còn dài, quá trình đóng gói, bảo quản chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn dẫn đến quả vải dễ bị hỏng, biến màu khi lên đến kệ siêu thị. Đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam là Trung Quốc, Mexico có nhiều kinh nghiệm, hệ thống phân phối rộng khắp, giá cả cạnh tranh, chi phí vận chuyển thấp.

Đã có gần 100 tấn vải thiều xuất khẩu đến các thị trường giá trị cao
Riêng Nhật Bản, chỉ trong 3 ngày từ 4 - 7/6, đã có gần 40 tấn vải thiều được xuất khẩu thành công

Hoa Kỳ và Australia là hai thị trường yêu cầu quả vải phải được xử lý bằng phương pháp chiếu xạ. Nhưng đối với thị trường Australia thì có nhiều thuận lợi, khi việc chiếu xạ, đóng gói vải được thực hiện ngay tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội.

Riêng thị trường Hoa Kỳ chỉ chấp nhận 2 cơ sở tại TP.Hồ Chí Minh và Long An đủ điều kiện chiếu xạ và đóng gói. Để xuất khẩu vải thiều sang Hoa Kỳ, nhiều năm nay, doanh nghiệp phải vận chuyển từ Bắc Giang, Hải Dương vào phía Nam nên tốn kém chi phí, thời gian, trong khi quả vải có mùa vụ ngắn.

Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật cho biết hiện đang tích cực làm việc với Cục Kiểm dịch động thực vật (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa kỳ để Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội được công nhận đủ điều kiện chiếu xạ vải thiều xuất khẩu sang thị trường này.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T - cho biết- Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội nếu được công nhận đủ điều kiện sẽ mở ra cơ hội rất lớn trong xuất khẩu vải thiều sang thị trường Hoa Kỳ. "Vận chuyển bằng máy bay khiến mỗi kg vải đội lên 11.000 - 12.000 đồng. Nếu vải được chiếu xạ tại Hà Nội thì rất tốt cho các doanh nghiệp. Khi giảm được chi phí, quả vải xuất khẩu sẽ có sức cạnh tranh tốt hơn", ông Nguyễn Đình Tùng nói.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương