CV "khủng" của tân Tổng Giám đốc PVI Nguyễn Tuấn Tú

(Banker.vn) Công ty CP PVI (HNX: PVI) vừa qua đã công bố nghị quyết của ĐHĐCĐ bất thường năm 2024, liên quan đến nhân sự cấp cao, theo đó ĐHĐCĐ đã chính thức phê chuẩn việc bổ nhiệm ông Nguyễn Tuấn Tú vào vị trí Tổng Giám đốc PVI từ ngày 16/8/2024.

Được biết, trước khi được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc PVI, ông Nguyễn Tuấn Tú là Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PV OIL). Ông có hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành dầu khí, từng đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng tại các đơn vị thành viên của Tập đoàn dầu khí như PTSC, Petecchim, PV OIL… Ngoài ra, hiện ông Tú cũng đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư - CTCP (PETEC, UPCoM: PEG).

Cùng ngày, HĐQT PVI cũng có nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Phó chủ tịch thường trực HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVI đối với ông Nguyễn Xuân Hòa. Ông Nguyễn Xuân Hòa đã được Petrovietnam bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo).

CV
Tân Tổng Giám đốc PVI Nguyễn Tuấn Tú tại đại hội. Ảnh: PVI.

Việc bổ nhiệm ông Nguyễn Tuấn Tú và miễn nhiệm ông Nguyễn Xuân Hòa có hiệu lực sau khi Đại hội đồng cổ đông PVI thông qua công tác nhân sự thành viên HĐQT và phê chuẩn việc bổ nhiệm tổng giám đốc theo thẩm quyền.

Đại hội cũng đã bầu bổ sung hai vị trí thành viên HĐQT cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2022 – 2027, trong đó ông Nguyễn Tuấn Tú đã trúng cử vị trí thành viên HĐQT và bà Christine Nagel trúng cử vị trí thành viên độc lập HĐQT, đảm bảo giữ nguyên số lượng thành viên HĐQT là 8 thành viên.

PETEC dưới thời Chủ tịch Nguyễn Tuấn Tú làm ăn ra sao?

Như đã nói ở trên, ông Nguyễn Tuấn Tú đã đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT tại Tổng Công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư - CTCP (PETEC, UPCoM: PEG) từ ngày 22/6/2021.

Trong 6 tháng cuối năm 2021, những ngày đầu ông Tú đảm nhiệm vị trí đứng đầu tại PETEC, kết quả kinh doanh tại đây đã có chuyển biến tích cực với lãi ròng đạt gần 13 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ ròng 36,3 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm 2020.

Tuy nhiên, những chuyển biến tích cực dưới thời ông Tú lãnh đạo không kéo dài được lâu. Trong năm 2022, PETEC ghi nhận lãi ròng đạt vỏn vẹn 2 tỷ đồng, lao dốc 85% so với năm 2021. Năm 2023, PETEC lại tiếp tục ghi nhận kết quả đáng buồn khi quay trở lại với đà thua lỗ, Công ty lỗ ròng 0,6 tỷ đồng trong năm 2023.

CV
Lợi nhuận PETEC các năm gần đây. Nguồn: Dữ liệu kinhtechungkhoan.vn

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, mạch thua lỗ của PETEC lại tiếp tục kéo dài với mức lỗ ròng 18,5 tỷ đồng, nửa đầu năm 2023 Công ty vẫn có lãi 15,5 tỷ đồng. Quý 4/2024 đã đánh dấu quý thứ 3 liên tiếp PETEC kinh doanh thua lỗ.

Đáng chú ý, tại báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024 đã kiểm toán, đơn vị kiểm toán đã nêu ý kiến ngoại trừ đối với doanh nghiệp của Chủ tịch Nguyễn Tuấn Tú. Cụ thể, đơn vị kiểm toán cho biết PETEC đang ghi nhận khoản phải thu khác từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam liên quan đến khoản lỗ lũy kế thời điểm PETEC chính thức chuyển sang loại hình công ty cổ phần với số tiền hơn 169,7 tỷ đồng. Khoản phải thu này phát sinh từ việc xác định phần vốn Nhà nước tại ngày 18/5/2021 nhưng chưa được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các cơ quan Nhà nước có liên quan phê duyệt quyết toán. PETEC đang phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (nơi ông Tú làm Tổng Giám đốc) để phê duyệt quyết toán cổ phần hóa.

Tại thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản của PETEC đang ở mức 1.480 tỷ đồng, giảm gần 200 tỷ đồng so với thời điểm hồi đầu năm. Trong đó, chủ yếu giảm mạnh ở hàng tồn kho, từ gần 446 tỷ đồng hồi đầu năm xuống chỉ còn hơn 260 tỷ đồng khi kết thúc quý 2.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của PETEC tính đến cuối quý 2 đang ở mức gần 813 tỷ đồng, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất đến từ khoản phải trả người bán ngắn hạn với gần 719 tỷ đồng.

Với việc kinh doanh thua lỗ đang dần bào mòn đi vốn chủ sở hữu của PETEC. Tính đến cuối quý 2, vốn chủ sở hữu của PETEC đang ở mức hơn 667 tỷ đồng, trong khi vốn góp của chủ sở hữu lên tới gần 2.489 tỷ đồng. Hiện Công ty đã lỗ lũy kế lên đến 1.840 tỷ đồng.

So sánh tiền đề tại PETEC và PVI khi ông Nguyễn Tuấn Tú cập bến

Dù đóng góp khá mờ nhạt trong những ngày làm lãnh đạo tại PETEC. Tuy nhiên, nhìn một cách khách quan, ông Tú gia nhập PETEC khi doanh nghiệp này vừa ghi nhận mức lỗ kỷ lục trong năm 2020 với mức lỗ ròng hơn 102 tỷ đồng.

Trái ngược hoàn toàn, ông Tú gia nhập PVI trong bối cảnh doanh nghiệp này ghi nhận lợi nhuận cao đột biến trong năm 2023 với mức lãi ròng gần 1.022 tỷ đồng, trong khi các năm trước đó doanh nghiệp này kinh doanh khá èo uột.

CV
Lợi nhuận PVI các năm gần đây. Nguồn: Dữ liệu kinhtechungkhoan.vn

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, PVI ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất đạt 11.649 tỷ đồng, tăng 46%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 783 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023.

Năm 2024, PVI đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 17.398 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 1.080 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng, công ty đã thực hiện được 67% mục tiêu doanh thu và gần 72% mục tiêu lợi nhuận năm.

Tại thời điểm ngày 30/6/2024, tổng tài sản của PVI ghi nhận ở mức 31.545 tỷ đồng, tăng 17% so với hồi đầu năm. Phần lớn là tài sản ngắn hạn với gần 26.671 tỷ đồng.

Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của PVI là 22.825 tỷ đồng, phần lớn là nợ ngắn hạn với 22.697 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn của công ty là 934 tỷ đồng.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, số dư vay ngắn hạn phản ánh các khoản vay tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Vietcombank và Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam - chi nhánh Phạm Hùng.

Bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Sâm làm Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm VietinBank

Ngày 6/8, Tổng công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Bảo hiểm VietinBank - VBI) đã trao quyết định và ...

Bình Sơn (BSR) "làm ăn" ra sao trước khi lên HoSE?

Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) được thành lập năm 2008 để đầu tư xây dựng, vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất. Công ...

Phạm Hường

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục