Cựu Chủ tịch APEC Nguyễn Đỗ Lăng và những phát ngôn khiến nhiều nhà đầu tư phải trả giá

(Banker.vn) Dưới thời ông Nguyễn Đỗ Lăng, cổ phiếu APS, API, ADJ trong họ APEC đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, trở thành hiện tượng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ông chủ Apec Nguyễn Đỗ Lăng: Những điều ít biết Mua “chui” cổ phiếu API, Chứng khoán APEC bị xử phạt 250 triệu đồng

Nổi lên với hệ sinh thái "họ APEC"

Trong vài năm gần đây, thị trường chứng khoán chứng kiến nhiều doanh nhân nổi lên nhờ có trong tay hệ sinh thái các công ty đa ngành, đa nghề. Trong số đó phải nhắc đến ông Đỗ Hữu Lăng, cựu Chủ tịch APEC Group.

Sinh năm 1974, ông Nguyễn Đỗ Lăng tốt nghiệp Thạc sĩ kinh tế tại Đại học Trento (Ý). Năm 1998, ở tuổi 24, ông Lăng đã là Giám đốc điều hành Công ty Prometeo - Italia. Sau đó, ông Lăng có 6 năm đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn quốc tế Cát Tường - CIC từ năm 2000-2006.

Cựu Chủ tịch APEC Nguyễn Đỗ Lăng và những phát ngôn khiến nhiều nhà đầu tư phải trả giá
Ông Nguyễn Đỗ Lăng

Từ năm 2006 đến 6/2020, ông Lăng giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (cổ phiếu APS), Thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam (cổ phiếu IDJ), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (cổ phiếu API).

Ngoài ra, ông Lăng còn có nhiều năm giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Cotana (cổ phiếu CSC).

Từ tháng 6/2020 đến nay, ông Lăng là Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc APS, Thành viên Hội đồng quản trị IDJ và Thành viên Hội đồng quản trị API. Dù không còn trực tiếp đứng tên Chủ tịch song tầm ảnh hưởng của ông Lăng tại nhóm này vẫn rất đáng kể.

Đến cuối năm 2022, ông Lăng vẫn là cổ đông lớn nhất nắm 11,8 triệu cổ phiếu APS, tương đương 14,3% vốn điều lệ công ty chứng khoán này. Tại API, ông Lăng cũng nắm giữ hơn 16,4 triệu cổ phiếu, chiếm 19,6% vốn điều lệ, còn bà Huỳnh Thị Mai Dung (vợ ông Lăng) đứng tên 8,2 triệu cổ phiếu API, tương đương 9,82% vốn điều lệ. Ở IDJ, ông Nguyễn Đỗ Lăng cùng vợ và con trai Nguyễn Đỗ Đức Lâm sở hữu hơn 9,2 triệu cổ phiếu, chiếm 5,35% vốn điều lệ.

Những điều ít biết về ông chủ hệ sinh thái Apec Nguyễn Đỗ Lăng
Hệ sinh thái của APEC gồm ba trụ cột chính là APS, API, ADJ

Dưới thời ông Lăng, các cổ phiếu trong trong hệ sinh thái APEC được nhà đầu tư gọi với cái tên "cổ phiếu họ APEC" gồm: APS, IDJ, API. Đây cũng là bộ ba cổ phiếu từng tạo nên "cơn sốt" trên thị trường chứng khoán trong suốt thời gian vừa qua.

Trong năm 2021, 2022, cổ phiếu họ APEC đã có nhịp tăng thần tốc, trở thành hiện tượng trên thị trường chứng khoán. Cụ thể, API bật tăng từ giá quanh 10.000 đồng lên 100.300 đồng/cổ phiếu (phiên 8/11/2021), IDJ cũng đã đạt tới 74.800 đồng/cổ phiếu (phiên 15/11/2021), tương đương tăng 400% sau nửa năm. Từ mức giá vài nghìn đồng, APS leo lên đỉnh 59.900 đồng/cổ phiếu (phiên 19/11/2021).

Trong cơn sốt đó, trên các diễn đàn mạng xã hội, cộng đồng mạng đã bàn tán xôn xao và kỳ vọng thị giá cổ phiếu sẽ tiếp tục tăng. Do đó, thanh khoản của các cổ phiếu cũng tăng mạnh.

Khi cổ phiếu đang ở vùng đỉnh, ông Lăng và các đồng sự đã thực hiện màn hô hào cổ đông "quyết tâm gồng lãi" tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông bất thường 2021 của APS (EGM 2021) diễn ra vào chiều ngày 16/11/2021.

Đáng chú ý, trong năm 2021, Chứng khoán APEC (APS) từng có khoản lãi khủng nhờ việc đánh giá lại khoản đầu tư vào cổ phiếu API và IDJ với giá vốn thấp. Trong giao dịch gần đây nhất, Chứng khoán APEC đăng ký bán 8,1 triệu cổ phiếu API sau khi bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt và buộc bán ra cổ phiếu xuống dưới mức phải chào mua công khai.

Cũng trong năm 2021, ông Nguyễn Đỗ Lăng đã lọt top 200 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam nhờ bộ ba cổ phiếu APS, API và IDJ. Theo đó, khối tài sản của ông Lăng đã đạt hơn 1.000 tỷ đồng.

Những phát ngôn ấn tượng

Trong suốt thời gian hoạt động kinh doanh, doanh nhân Nguyễn Đỗ Lăng đã để lại những phát ngôn ấn tượng, khiến cộng đồng mạng xôn xao.

Tại cuộc Toạ đàm “Đại cách mạng nhà ở xã hội giải quyết 10 triệu căn nhà ở xã hội 5 sao cho 40 triệu người Việt Nam” diễn ra trong tháng 11/2021, ông Lăng chia sẻ đề án của Tập đoàn APEC với mục tiêu sẽ có cuộc cách mạng về nhà ở xã hội. Tập đoàn phấn đấu trong 10 năm tới sẽ hoàn thành khoảng 10 triệu căn hộ nhà ở xã hội 5 sao. Tập đoàn APEC tuyên bố thành lập Tổng Công ty đầu tư và Phát triển nhà ở xã hội 5 sao Việt Nam, vốn điều lệ ban đầu sẽ khoảng 10.000 tỷ đồng.

Theo đó, Tập đoàn này đề xuất Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cần tạo quỹ đất 3.000 - 5.000 ha cho nhà ở xã hội với mỗi dự án từ 50 - 300ha. Các tỉnh thành khác cần tạo quỹ đất khoảng 10.000 ha đến 20.000 ha. Ngoài ra, Apec mong muốn hệ thống ngân hàng có chính sách riêng cho các dự án nhà ở xã hội.

Liên quan sự kiện buổi họp Đại hội đồng cổ đông bất thường 2021 của APS diễn ra vào chiều ngày 16/11/2021. Sau màn hô hào cổ đông "quyết tâm gồng lãi" của Ban lãnh đạo, cổ phiếu họ APEC đã lao dốc không phanh, khiến không ít cổ đông nghe theo phải trả giá.

Những điều ít biết về ông chủ hệ sinh thái Apec Nguyễn Đỗ Lăng
Màn hô hào cổ đông gồng lãi của Ban lãnh đạo APS

Trước nghi vấn của cổ đông về động thái "lái" giá cổ phiếu, ông Lăng từng tự tin khẳng định: "Công ty làm đúng luật. Nếu phát hiện dấu hiệu gian lận, chúng tôi cam kết xử lý nghiêm".

Tháng 4/2022, Tập đoàn APEC Group (tổ chức cũng là cổ đông của API, IDJ) từng vướng tin đồn liên quan đến Chứng khoán Trí Việt và nhóm Louis sau khi một số lãnh đạo của các đơn vị trên bị bắt vì hành vi thao túng giá cổ phiếu BII, TGG. Tuy nhiên, APEC Group có công văn thông tin không có bất kỳ giao dịch với Chứng khoán Trí Việt và ông Đỗ Đức Nam (CEO Chứng khoán Trí Việt), không có bất kỳ giao dịch với nhóm doanh nghiệp Louis và ông Đỗ Thành Nhân.

Đến Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của APS diễn ra vào tháng 6 vừa qua, ông Lăng khẳng định uy tín các cổ phiếu họ APEC, đồng thời nhấn mạnh APS là công ty biết đầu tư, biết kinh doanh. Theo ông Lăng, khoản đầu tư của APS vào API và IDJ đã tạm lãi 260 tỷ đồng, nếu tiếp tục nắm giữ đến cuối năm, mức lãi có thể lên tới 400-500 tỷ đồng. Ông Lăng cũng tự tin khi cho rằng nhiều quỹ hàng đầu đánh giá định giá của các cổ phiếu APEC trong nhóm chưa đúng giá trị thực.

"Những cổ phiếu của chúng tôi tốt, kết quả kinh doanh tốt, bảng cân đối kế toán lành mạnh, các chỉ số tốt. Chúng tôi cũng có thử đi tìm mã nào tốt hơn không, nhưng ít thấy", ông Lăng nói.

Còn liên quan đến vụ án thao túng thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu API, IDJ và APS này, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã yêu cầu APS, API, ADJ thực hiện công bố thông tin theo quy định và báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán theo quy định.

Liên quan vấn đề này, APEC Group khẳng định không phải chủ thể có liên quan và/hoặc có những hoạt động liên quan đến vụ việc “Thao túng thị trường chứng khoán” và sự việc nêu trên hoàn toàn không tác động hoặc làm thay đổi các định hướng dài hạn cũng như hoạt động bình thường của hai công ty. Đồng thời, không ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng, cổ đông cũng như các đối tác đang có giao dịch, hợp tác với công ty.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên ngày 23/6, cổ phiếu API dừng tại mức 12.600 đồng/cp, IDJ đạt 13.200 đồng/cp, còn APS về quanh vùng 14.000 đồng/cp. Dù đã hồi phục đáng kể so với đáy, song cổ phiếu họ APEC vẫn cách rất xa so với hồi đỉnh cũ thiết lập vào cuối năm 2021.

Thế Hoàng

Theo: Báo Công Thương