Cuối quý III/2021, thị trường chứng khoán sẽ điều chỉnh mạnh!

(Banker.vn) Với kịch bản tình hình dịch COVID-19 sớm được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao (6% - 6,5%), tỷ giá và lạm phát ổn định và mặt bằng lãi suất thấp như hiện tại, KBSV đưa ra kỳ vọng P/E trong năm 2021 ở mức 18 lần; vùng giá mục tiêu của chỉ số VN-Index cuối năm 2021 là 1.480 điểm.

Trong báo cáo mới được công bố, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đã có những đánh giá tích cực tới triển vọng kinh tế cũng như TTCK Việt Nam trong nửa sau của năm 2021.

Theo KBSV, từ đầu năm đến nay, chỉ số VN-Index đã tăng trưởng 23% về điểm số trong khi giá trị giao dịch tăng gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ. Dù vậy, mức P/E hiện vẫn duy trì ở mức hợp lý quanh 18,6 lần.

Chứng khoán KBSV dự báo, đà tăng mạnh ở lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết sẽ tiếp tục duy trì trong phần còn lại của năm, đặc biệt là được dẫn dắt bởi nhóm doanh nghiệp vốn hóa lớn với 3 giả định quan trọng gồm: Tình hình COVID-19 không vượt quá tầm kiểm soát; hoạt động xuất khẩu tăng trưởng mạnh và mặt bằng lãi suất duy trì thấp.

KBSV dự phóng, EPS 2021 của bình quân các doanh nghiệp trong rổ VN-Index có thể tăng 13% so với mức hiện tại trong đó ngành nguyên vật liệu (+35%), tiện ích (+26%), hàng tiêu dùng không thiết yếu (+19.7%).

Dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân trong nước có thể tiếp tục chảy mạnh vào thị trường trong nửa sau 2021 đồng thời áp lực bán ròng của khối ngoại sẽ duy trì.

KBSV đánh giá dư địa tăng giá của thị trường vẫn còn tương đối dồi dào trong 6 tháng cuối năm.

Với kịch bản tình hình dịch COVID-19 sớm được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao (6% - 6,5%), tỷ giá và lạm phát ổn định và mặt bằng lãi suất thấp như hiện tại, KBSV đưa ra kỳ vọng P/E trong năm 2021 ở mức 18 lần. Theo đó, vùng giá mục tiêu của chỉ số VN-Index cuối năm 2021 là 1.480 điểm.

TTCK cuối năm sẽ có nhiều biến động

KBSC cho rằng, bất cứ nhịp điều chỉnh đáng kể nào của thị trường sẽ đều là cơ hội để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng, tích luỹ cổ phiếu. Khả năng cao nhất là nhịp điều chỉnh sẽ xuất hiện trong nửa sau của quý III/2021 khi hiệu ứng tích cực từ mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2021 qua đi gây ra áp lực chốt lời vùng giá cao và các yếu tố rủi ro gia tăng.

Đối với chiến lược đầu tư tổng thể và xuyên suốt, KBSV khuyến nghị nhà đầu tư mua và nắm giữ cổ phiếu. Các nhịp biến động của thị trường sẽ tăng dần biên độ trong nửa cuối năm, khiến hoạt động trading kém hiệu quả nếu nhà đầu tư không nắm bắt được điểm vào/ra phù hợp.

Trong nửa sau 2021, báo cáo đánh giá tác động tích cực của môi trường lãi suất thấp đến nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng và bất động sản; xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng đến Việt Nam và việc thương mại quốc tế dần khôi phục sau khi triển khai tiêm vaccine sẽ tạo hiệu ứng tốt cho các ngành bất động sản khu công nghiệp, cảng biển, thuỷ sản. Ngoài ra còn xu hướng tăng của giá hàng hoá ở ngành dầu khí hay một số ngành vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng mà không chịu ảnh hưởng đáng kể bởi các biến động vĩ mô như công nghệ thông tin, điện...

Mới nhất, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đã nhận định: "Sau một thời gian phấn khích, thị trường sẽ có thể điều chỉnh giảm khoảng 7 - 10%. Lúc đó nhà đầu tư phải hết sức bình tĩnh, phải thấy rằng đây là cú điều chỉnh cần thiết để cho thị trường lành mạnh. Cơ quan quản lý Nhà nước nên cảnh báo nhà đầu tư lúc này".

Ông Lực lưu ý nhà đầu tư, các ngành nghề do chịu ảnh hưởng của đại dịch sẽ rất phân hóa, có ngành đi lên rất tốt nhưng cũng có ngành đi xuống rất nhiều.

Ở Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2021, giá cổ phiếu của lĩnh vực dịch vụ tài chính chứng khoán tăng 56%, Công nghệ thông tin 54,6%, ngân hàng tăng 42,8%, gia dụng 33%, bất động sản 26-27%. Trong khi đó, giá cổ phiếu doanh nghiệp truyền thông, thực phẩm, đồ uống du lịch giải trí, bảo hiểm, điện nước, xăng dầu khí đốt… mức tăng chỉ 6 - 7% không đáng kể.

“Như thế tăng trưởng có thể thiếu bền vững. Đây là điều các nhà đầu tư phải lưu ý”, ông Lực cảnh báo.

Nhiều hoạt động thoái vốn, cổ phần hóa lớn

Đáng chú ý, một động lực quan trọng theo KBSV sẽ là chất xúc tác mạnh lên thị trường chính là hoạt động thoái vốn và cổ phần hóa khi thường có tác động tích cực đến diễn biến giá cổ phiếu trong quá khứ, ví dụ như trong giai đoạn 2017 - đầu 2018.

KBSV kỳ vọng hoạt động này sẽ có nhiều khởi sắc kể từ cuối năm 2021 sau thời gian dài gần như đóng băng. Một số thương vụ cổ phần hóa, thoái vốn lớn mà theo báo cáo sẽ có tác động mạnh tới thị trường có thể diễn ra trong thời gian tới bao như: Cổ phần hóa Agribank, Mobifone và thoái vốn SAB, BMI, VGT, NTP.

Minh Thuận

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam 

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục