Cuối năm 2023, Ngân hàng Nhà nước có còn dư địa giảm thêm lãi suất?

(Banker.vn) Trong bối cảnh các hoạt động sản xuất kinh doanh có chiều hướng sôi động hơn, lạm phát tiếp tục được kiểm soát tốt, liệu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có còn dư địa để giảm thêm lãi suất trong 3 tháng cuối năm?
lai-suat.jpg
Ảnh minh họa

Về vấn đề này, trong Báo cáo tăng trưởng kinh tế quý III/2023 do Bộ phận Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu của Ngân hàng UOB vừa công bố, các chuyên gia của UOB đánh giá trước tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, NHNN đã phản ứng nhanh chóng bằng cách cắt giảm lãi suất tái cấp vốn tổng cộng 150 điểm cơ bản trong 6 tháng đầu năm 2023, xuống còn 4,50%.

UOB dự báo, NHNN vẫn có triển vọng cắt giảm lãi suất thêm 100 điểm cơ bản nữa (xuống 3,50%) nhưng thời gian thực hiện có thể được chuyển sang quý IV/2023 và quyết định này có thể vẫn cần cân nhắc khi ngân hàng trung ương xem xét cân đối cả rủi ro tăng trưởng và lạm phát.

Về tỷ lệ lạm phát, UOB giữ nguyên dự báo CPI của Việt Nam ở mức 3,9% cho năm 2023, số liệu mới nhất là 3,7% cho tháng 9, cao hơn nhiều so với mức thấp nhất của năm nay là 2% (tháng 6 năm 2023) và đang tiến gần hơn đến mục tiêu chính thức là 4,5%.

“Do đó, dự báo của chúng tôi về việc tiếp tục cắt giảm lãi suất của NHNN trong quý IV/2023 vẫn bị chi phối bởi các yếu tố chưa chắc chắn”, các chuyên gia của UOB nhận định.

Trong một báo cáo khác công bố hồi tháng 8 cập nhật triển vọng ngành Ngân hàng, Chứng khoán Yuanta dự báo rằng, NHNN có thể tiếp tục giảm lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024.

Báo cáo Thị trường tiền tệ công bố hồi giữa tháng 9 của VNDirect cũng kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm rõ rệt hơn trong những tháng cuối năm 2023.

Cụ thể, báo cáo phân tích, trong tháng 8/2023, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại giảm 0,5 điểm % so với cuối tháng 7/2023 về mức 5,9%/năm (giảm gần 2 điểm % so với đầu năm 2023). Đà giảm của lãi suất huy động được thúc đẩy bởi tình trạng dư thừa thanh khoản hệ thống trong bối cảnh cầu tín dụng yếu cũng như Chính phủ mở rộng chính sách tài khóa.

VNDirect kỳ vọng, lãi suất cho vay giảm rõ rệt hơn trong những tháng cuối năm 2023, do chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đang giảm nhờ: Tác động từ các đợt cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN trong 6 tháng đầu năm 2023; NHNN ban hành Thông tư 02 cho phép giãn trích lập dự phòng nợ xấu.

"Chúng tôi kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay có thể giảm thêm 100-150 điểm cơ bản trong những tháng tới và tin rằng lãi suất cho vay giảm sẽ là yếu tố thúc đẩy sự phục hồi của tiêu dùng và đầu tư tư nhân", báo cáo của VNDirect nêu rõ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia kinh tế trưởng của ADB cho rằng, hiện lãi suất điều hành đã ở mức 4,5%, nếu nền kinh tế sôi động hơn một chút, đồng nghĩa với việc chỉ số lạm phát có thể tăng nhẹ lên hơn 4%, rất khó có khả năng NHNN sẽ giảm thêm lãi suất.

Đồng quan điểm, ông Phan Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc Techcombank cũng cho rằng, Việt Nam là số ít quốc gia táo bạo thực hiện chính sách hạ lãi suất, tuy nhiên bước đi sắp tới về chính sách lãi suất đã đi tới hạn.

Theo khuyến nghị của ông Phạm Thế Anh - Trưởng Khoa Kinh tế học (Trường đại học Kinh tế Quốc dân-NEU), Nhà nước cần khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua việc tiếp tục hạ lãi suất cho vay như giảm chi phí vốn, tăng khả năng tiếp cận vốn trên thị trường chứng khoán,... Tuy nhiên, cần kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh 10% và tránh nôn nóng hạ lãi suất chính sách dồn dập.

Từ đầu năm đến nay, NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm từ 0,5-2%/năm, trong bối cảnh lãi suất trên thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thông qua kênh tín dụng. Trên thực tế, mặt bằng lãi suất điều hành và lãi suất huy động đều đã giảm gần tới mức thấp nhất trong giai đoạn đại dịch COVID-19, do đó, nhiều chuyên gia nhận định, dư địa để giảm thêm lãi suất sẽ là không lớn.

Minh Đức

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ