Cuộc họp tháng 7 của FED sẽ "soi đường" cho việc giảm lãi suất

(Banker.vn) Vào tháng 7 năm trước, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ đã tăng lãi suất cơ bản lên mức cao nhất trong 22 năm.

Quyết định đó – lần tăng lãi suất thứ 11 liên tiếp kể từ đầu năm 2022 – hoàn toàn được mong đợi. Sau đó, câu hỏi lớn hơn trong tâm trí của tất cả mọi người, từ người mua nhà, nông dân cho đến các nhà đầu tư phố Wall đó là, liệu một lần tăng lãi suất khác để giảm lạm phát có sắp xảy ra hay không.

Tại cuộc họp báo sau quyết định ngày 26/7/2023, Chủ tịch FED, ông Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương có thể tăng lãi suất chủ chốt một lần nữa từ mức 5,25% lên 5,5%.

Nhưng sau đó, ông cho rằng FED có thể thông qua việc tăng lãi suất tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 9.

Và khi tháng 9 đến, FED đã giữ nguyên lãi suất, và điều tương tự cũng xảy ra tại cuộc họp tháng 10.

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi trước cuộc họp tháng 10 đó. Lãi suất lại tăng; lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng lên 5%, đẩy lãi suất vay thế chấp lên 8% trong khi cổ phiếu đang sụt giảm.

Đột nhiên, gần cuối tháng 10, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đạt đỉnh và giảm xuống. Các nhà giao dịch đã tìm ra lý do: FED đang bắt đầu sẵn sàng cắt giảm lãi suất. Cổ phiếu, vì thế bắt đầu tăng.

Lãi suất đã tăng đủ

Sau cuộc họp tháng 12/2023 của FED, Chủ tịch Powell đồng ý rằng lãi suất có thể sẽ không tăng nữa. Bấy giờ ông đề nghị, quyết định về lãi suất tiếp theo sẽ là giảm lãi suất xuống.

Song ông Powell không cho biết khi nào lãi suất sẽ giảm. Trên thực tế, lạm phát tiếp tục nghiêm trọng đến mức một số quan chức FED đã nghĩ rằng, lãi suất có thể phải tăng trong mùa Xuân 2024.

Đó là câu chuyện của mùa Xuân đã qua, còn nếu FED không cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 7 diễn ra trong tuần này, có thể họ sẽ làm như vậy vào tháng 9, và tại cuộc họp báo cũng như sau quyết định của FED, Chủ tịch Powell có thể sẽ nêu một số lý do cho việc cắt giảm lãi suất đầu tiên này, bao gồm: Lạm phát giá đang tiến gần đến mục tiêu 2%/năm của FED; Lợi suất trái phiếu đang giảm dần. Lãi suất vay thế chấp cũng vậy, hiện đang dao động quanh mức 6,8%; Hoạt động nhà ở còn yếu. Doanh số bán nhà mới và doanh số bán nhà đang có sẵn trong tháng 6 yếu hơn dự kiến; Thị trường việc làm sôi động trong vài năm qua đã trở nên kém sôi động hơn.

Ông cũng có thể đề cập đền việc số vụ doanh nghiệp phá sản đã tăng lên đáng kể so với một năm trước, trong đó các doanh nghiệp nhỏ dễ bị tổn thương nhất.

Và có thể ông Powell cần thời gian để thuyết phục những người theo chủ nghĩa diều hâu về lạm phát tại FED đồng tình với quyết định này.

Điều đó sẽ khiến những người như Bill Dudley, cựu Phó Chủ tịch FED chút bực bội. Ông cho rằng FED nên cắt giảm lãi suất ngay bây giờ, bởi vì sự lười biếng của FED đang khiến một cuộc suy thoái không thể tránh khỏi. Mối lo lắng chính của ông là: "Thị trường lao động suy thoái tạo ra một vòng lặp phản hồi tự củng cố. Khi khó tìm việc làm hơn, các hộ gia đình cắt giảm chi tiêu, nền kinh tế suy yếu và các doanh nghiệp giảm đầu tư, dẫn đến sa thải nhân viên và cắt giảm chi tiêu hơn nữa."

Dudley là cựu quan chức của FED, ông là người ủng hộ cho việc giữ lãi suất ở mức cao cho đến lúc phải cắt giảm. Bây giờ là lúc để cắt giảm, ông viết.

Vì vậy, việc cắt giảm lãi suất đang được mọi người bàn tán. Nội dung này sẽ là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự của FED trong cuộc họp kéo dài hai ngày bắt đầu vào thứ Ba tuần này.

Nếu FED không cắt giảm lãi suất trong cuộc họp lần này (và đây cũng là suy nghĩ của nhiều người), Chủ tịch Jerome Powell chắc chắn sẽ nói rằng bức tranh lạm phát đã được cải thiện nhiều, cơ hội nhìn thấy lạm phát tái diễn sẽ giảm dần theo từng ngày.

Nếu như vậy, ngày 18/9 có thể là ngày FED sẽ công bố đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên kể từ tháng 3/2020, thời điểm tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19.

H.Y

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ