Cuộc đua CASA ngành ngân hàng 'hạ nhiệt'

(Banker.vn) Với lợi thế chi phí vốn thấp, lãi suất gần như bằng 0%, tiền gửi thanh toán hay tiền gửi không kỳ hạn (CASA) là một cấu phần quan trọng trong huy động vốn, đang được các ngân hàng cạnh tranh quyết liệt. Song tỷ lệ CASA lại có xu hướng giảm trong quý II/2022.
Cuộc đua CASA ngành ngân hàng hạ nhiệt (Ảnh minh họa)
Cuộc đua CASA ngành ngân hàng hạ nhiệt (Ảnh minh họa)

CASA suy giảm ở hầu hết ngân hàng

Để thu hút CASA, nhiều ngân hàng đã đầu tư lớn cho hệ thống công nghệ thông tin, chuyển đổi số, gia tăng các sản phẩm, tiện ích, thiết lập và kết nối những hệ sinh thái mở rộng nhằm thu hút được tệp khách hàng lớn.

Đặc biệt, cạnh tranh về chính sách miễn các loại phí giao dịch trên kênh số không còn dừng lại ở nhóm ngân hàng tư nhân nữa mà 4 ngân hàng có vốn Nhà nước vốn chiếm thị phần chi phối, bao gồm Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank cũng chính thức vào cuộc từ cuối năm ngoái, đầu năm nay.

Nhìn chung, tỷ lệ CASA của toàn hệ thống đã có sự cải thiện tích cực trong vài năm qua, đặc biệt ở những ngân hàng có tốc độ chuyển đổi số mạnh mẽ như Techcombank, MB, VPBank, TPBank…

Song, nguồn vốn giá rẻ có vẻ trở nên khan hiếm hơn khi hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục sau đại dịch, cùng với sự cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng với nhau.

Tại Techcombank, ngân hàng dẫn đầu về tỷ lệ CASA toàn hệ thống cũng đã ghi nhận mức sụt giảm từ mức 50,4% cuối quý I xuống chỉ còn 47,5% vào cuối quý II/2022.

Không riêng Techcombank mà khoảng 2/3 số ngân hàng khác cũng ghi nhận sụt giảm tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trong quý II vừa qua. Chẳng hạn tại MSB, tỷ lệ CASA sau khi tăng mạnh từ 35,8% lên 38,3% trong quý 1 thì đến cuối quý 2 lại giảm xuống còn 36,7%.

Hay tại ACB, tỷ lệ CASA tăng nhẹ từ 25,5% lên 25,8% trong quý I/2022 nhưng cũng sụt giảm về 25% vào cuối quý 2/2022.

Ngay cả các ngân hàng lớn vừa áp dụng chính sách miễn phí giao dịch cũng ghi nhận CASA có xu hướng đảo ngược. Như tại Vietcombank tỷ lệ CASA tăng trong quý I (từ 35,7% lên 36,3%) nhưng đến cuối quý II lại sụt giảm xuống còn 35,4%). Trong khi đó, BIDV, VietinBank cũng chỉ duy trì tỷ lệ CASA đi ngang quanh mốc 20% từ đầu năm đến nay.

Ngân hàng có tỷ lệ CASA ít biến động trong quý II là MB. Dù CASA bán lẻ giảm nhẹ so với quý trước nhưng CASA của khách hàng doanh nghiệp đã phục hồi 7%, giúp tổng CASA cải thiện 71 điểm phần trăm so với quý trước, lên mức 45,5%.

CASA ngân hàng giảm vì đâu?

Đối với sự sụt giảm CASA tại các ngân hàng, nhiều nhận định cho rằng khi lãi suất huy động tăng, một phần lượng tiền từ tài khoản thanh toán có thể đã được dịch chuyển vào tài khoản tiết kiệm với kỳ hạn dài hơn để hưởng lãi suất hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, lượng tiền nhàn rỗi của doanh nghiệp và người dân cũng không còn được dồi dào như trước.

Cũng có thể khi nhu cầu tín dụng quá cao trong quý II, trong khi nhiều ngân hàng chưa được nới room, đã khiến người dân, doanh nghiệp buộc phải tận dụng các nguồn tiền nhàn rỗi trong tài khoản thanh toán cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, chi tiêu…

Theo lãnh đạo Techcombank, CASA ngân hàng giảm là do xu hướng sau khi hết đại dịch, khách hàng chuyển từ nắm giữ tiền mặt sang đầu tư, sản xuất kinh doanh, đồng thời gia tăng nhu cầu về tiêu dùng cá nhân.

Trước rủi ro lạm phát, nhiều khách hàng có thu nhập cao sẽ chuyển hướng mua bất động sản để tránh giảm giá trị đồng tiền, điều này dẫn đến số dư CASA của khách hàng cá nhân giảm.

Chuyên gia của SSI cũng cho rằng, việc sụt giảm CASA của ngành trong quý II/2022 có thể được giải thích bởi hoạt động kinh tế tiếp tục phục hồi, khi đó khoản tiền nhàn rỗi trước đây sẽ được phân bổ lại cho mục đích sản xuất kinh doanh hoặc mua nhà.

Dự báo thời gian tới, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng trong các quý tới, tỷ lệ CASA có thể tiếp tục gặp áp lực giảm do các thị trường đầu tư tài sản kém thuận lợi và dòng tiền nhàn rỗi rút ra tập trung đầu tư cho sản xuất kinh doanh.

Dưới góc nhìn của Chuyên gia ngân hàng, TS.Nguyễn Trí Hiếu, cuộc cạnh tranh về CASA vẫn còn rất gay gắt trong thời gian tới, nếu một ngân hàng không chú trọng phát triển dịch vụ số, kết nối được nhiều hệ sinh thái hơn phục vụ cho những nhu cầu phong phú của khách hàng thì tự khắc họ sẽ lựa chọn một ngân hàng khác có dịch vụ tốt hơn, hoặc rút tiền ra để đầu tư những kênh khác, và CASA sẽ sụt giảm.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

SSI: VietinBank hy vọng sẽ được cấp "room" tín dụng 14 - 15% cho năm 2022

CTCP Chứng khoán SSI có báo cáo cập nhật về Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG) cho biết ban lãnh ...

Giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% còn nhiều khó khăn sau 3 tháng triển khai

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa có cuộc họp với các Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành về việc triển ...

Top 10 ngân hàng lợi nhuận lớn nhất nửa đầu năm 2022: Vietcombank vững ngôi đầu

TOP 10 ngân hàng có lợi nhuận sau thuế cao nhất gồm Vietcombank, VPBank, Agribank, Techcombank, VietinBank, MB, BIDV, ACB, SHB, SHB và HDBank. Tổng ...

Hồng Giang

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán