Cuộc chiến CASA ngân hàng: "Zero fee" là chưa đủ

(Banker.vn) Trong bối cảnh các ngân hàng lớn nhỏ đều đang "chạy đua" tăng CASA như hiện nay, chính sách miễn phí dịch vụ "zero fee" là chưa đủ để các ngân hàng "về đích".

Ngân hàng chạy đua "zero fee"

Cuối năm 2021, hàng loạt ngân hàng đã ra thông báo miễn phí dịch vụ trên kênh ngân hàng số. Đáng chú ý, cả ba "ông lớn" ngân hàng quốc doanh Vietcombank, BIDV, VietinBank đều áp dụng chính sách "zero fee" từ 1/1/2022.

Trước đó vào tháng 5/2021, Agribank cũng tuyên bố miễn 100% phí dịch vụ chuyển tiền trong nước kể cả giao dịch trực tiếp lẫn online.

Đây là nước đi bất ngờ của các “ông lớn” khi dịch vụ thanh toán là mảng mang lại hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm cho các ngân hàng này, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập hoạt động (dao động từ 40 - 79% tại các ngân hàng), cao hơn nhiều so với các ngân hàng tư nhân.

Đơn cử tại Vietcombank, thu từ dịch vụ thanh toán của ngân hàng có xu hướng tăng đều đặn trong những năm gần đây, từ con số hơn 1.000 tỷ đồng năm 2016 đã tăng lên hơn 2.800 tỷ đồng sau 5 năm và chiếm hơn 68% trong tổng thu nhập dịch vụ của nhà băng này.

Tại Agribank, năm 2020, lãi thuần từ mảng này mang về cho ngân hàng 4.071 tỷ đồng, cách biệt so với Vietcombank là gần 1.200 tỷ đồng. Ngay cả trong 6 tháng đầu năm 2021, thu nhập từ mảng này cũng không hề sụt giảm với lãi thuần đạt 2.111 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, có thể thấy nguồn thu từ dịch vụ thanh toán đều đem lại cho các ngân hàng lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng. Việc lựa chọn hy sinh mảng thu nhập từ thanh toán cho thấy các "ông lớn" ngân hàng dường như đang tính toán một nước đi mới cho mình.

Việc miễn phí chuyển khoản online là bước đi mới của nhóm “big4” nhằm thực hiện mục tiêu tăng quy mô khách hàng cũng như tăng lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA), loại tiền gửi có mức lãi suất thấp nhất, thường chỉ 0,1%/năm. Đây là nguồn vốn giá rẻ từng mang lại lợi thế rất lớn cho một số ngân hàng cổ phần, mà khởi đầu chính sách "zero fee" là Techcombank. Việc miễn phí các giao dịch chuyển tiền sẽ khiến các khách hàng tích cực mở mới và sử dụng tài khoản thanh toán nhiều hơn.

"Đũa thần" CASA?

Trong cơ cấu nguồn vốn huy động của các nhà băng, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Với chi phí vốn gần như bằng 0, đây chính là yếu tố giúp nhà băng cải thiện biên thu nhập lãi thuần (NIM), đồng thời là tiền đề quan trọng giúp họ có lợi thế lớn trong cuộc cạnh tranh lãi suất cho vay.

Techcombank là ngân hàng đầu tiên thực hiện "zero fee" nhằm thu hút tiền gửi không kỳ hạn với việc tung chương trình "0 đồng E-banking" vào cuối tháng 9/2016. Theo đó, ngân hàng sẽ miễn phí chuyển khoản cho tất cả các giao dịch trực tuyến qua F@st I- bank, và F@st mobile của khách hàng cá nhân. Hai năm sau, đầu tháng 10/2018, chính sách 0 đồng phí giao dịch trên tiếp tục được mở rộng sang khách hàng doanh nghiệp.

Chiến dịch "zero fee" sau đó đã mang đến thành công lớn. Tỷ lệ CASA của Techcombank được cải thiện mạnh sau từng năm, từ 22,7% cuối năm 2016 lên 24,1% năm 2017 rồi tăng vọt lên 34,5% một năm sau đó. Và kết thúc năm 2021, tỷ lệ CASA của Techcombank đã lên mức cao kỷ lục tới 50,5%, đồng thời, liên tục duy trì vị trí quán quân về tỷ lệ CASA trong hệ thống.

"Miếng bánh" thị phần bị phân chia lại khiến các nhà băng khác không thể tiếp tục đứng ngoài cuộc. Sau Techcombank, VIB, SeABank và HDBank là ba trong số những thành viên tham gia cuộc đua 0 đồng phí dịch vụ sớm nhất hệ thống.

Cụ thể, vào đầu tháng 4/2019, VIB và SeABank đồng loạt công bố triển khai chính sách miễn phí dịch vụ cho khách hàng cá nhân, áp cho các giao dịch rút tiền qua ATM và phí chuyển tiền trực tuyến, thậm chí chuyển tiền ngoài hệ thống. Chính sách tương tự sau đó cũng được áp dụng sang cả khách hàng doanh nghiệp.

Tương tự, HDBank cũng miễn phí hoàn toàn cho tất cả các giao dịch thanh toán nội địa, trong - ngoài hệ thống và ngoại tỉnh cho doanh nghiệp từ tháng 10/2019.

Tuy nhiên, khác với trường hợp của Techcombank, sau 3 năm áp dụng chính sách "zero fee", tỷ lệ CASA của các thành viên này vẫn chưa có sự bùng nổ.

Đến cuối năm 2021, tỷ lệ CASA của VIB mới chỉ đạt 16,3%, tăng nhẹ 1,7 điểm % so với cuối năm 2018 (là năm trước khi thực hiện chính sách zero fee) trong khi của SeABank là 8,9%, nhích nhẹ 1,9 điểm%. Tỷ lệ CASA của HDBank cũng không khá hơn là mấy với 13,6% vào cuối năm 2021. So với cả hệ thống, tỷ lệ CASA của các thành viên này vẫn đang nằm ở top cuối.

Như vậy, có thể thấy "zero fee" không phải là "đũa thần" giúp các nhà băng nâng CASA. Đặc biệt, trong bối cảnh các ngân hàng lớn nhỏ đều đang "chạy đua" tăng CASA như hiện nay, chính sách miễn phí dịch vụ là chưa đủ.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, nhiều ngân hàng đặt mục tiêu tỷ lệ CASA rất cao, thậm chí trên 50% là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, theo ông, điều quan trọng hơn hết là sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng có phù hợp với nhu cầu của khách hàng không, có gia tăng sự thuận lợi và tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân không. Khi ngân hàng “lấy lòng” được khách hàng bằng dịch vụ, bằng sản phẩm thì tự khắc sẽ giữ được chân khách hàng ở lại với ngân hàng lâu hơn.

Hoàng Yến

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán