Cuộc chạy đua tài nguyên năng lượng không hồi kết

(Banker.vn) Đầu tư phát triển cho năng lượng tái tạo đang được xem là giải pháp và xu hướng tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới.
Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công nghiệp, Khoa học, Năng lượng và Tài nguyên Australia ký kết bản ghi nhớ Tạo hành lang pháp lý toàn diện bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác

Năng lượng trở lại trung tâm

Việc kiểm soát các nguồn dầu mỏ đóng vai trò quyết định trong Chiến tranh thế giới thứ hai và sau đó là trong Chiến tranh Lạnh. Ngày nay, sự phân bổ không đồng đều các nguồn tài nguyên dầu khí cũng như việc kiểm soát các nguồn tài nguyên liên quan đến quá trình chuyển đổi năng lượng đã đặt năng lượng trở lại trung tâm của các vấn đề.

Dầu mỏ là một loại nguyên liệu có ý nghĩa lớn trong ngoại giao và quân sự, với giá trị không thể phủ nhận. Điều gì đúng với dầu mỏ cũng đúng với khí đốt và các nguồn tài nguyên liên quan đến quá trình chuyển đổi năng lượng.

Cuộc chạy đua tài nguyên năng lượng không hồi kết
Năng lượng là nhân tố trọng yếu đối với an ninh - kinh tế của mỗi quốc gia. Ảnh: Pixabay

Việc phát hiện ra dầu mỏ vào năm 1859 ở Titusville (thuộc bang Pennsylvania, Mỹ) bởi Đại tá Drake đã dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng sản xuất dầu mỏ ở Mỹ, do vậy mang lại cho quốc gia này một lợi thế lớn.

Ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ đã rất nhanh chóng được cơ cấu. Trong gần 1 thế kỷ, Mỹ đã sản xuất hơn 50% lượng dầu mỏ thế giới. Giếng dầu đầu tiên ở Baku được khoan vào năm 1871. Mỏ dầu đầu tiên ở Trung Đông được đưa vào vận hành ở Vịnh Persia vào năm 1908. Mãi đến năm 1938, mỏ dầu Burgan ở Kuwait mới được phát hiện và mỏ dầu khổng lồ Ghawar được phát hiện ở Saudi Arabia vào năm 1948. Mỹ đã được hưởng lợi thế cạnh tranh trong nhiều năm.

Việc kiểm soát các nguồn tài nguyên dầu mỏ đã nhanh chóng trở thành một thách thức chủ yếu trong việc tiến hành các cuộc xung đột. Việc chia sẻ các nguồn tài nguyên dầu mỏ mới xuất hiện ở Trung Đông là một vấn đề chính trong các cuộc đàm phán hòa bình sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên dầu mỏ cũng là một trong những lý do dẫn đến cuộc chiến tranh Chaco giữa Bolivia và Paraguay, từ năm 1932 đến năm 1935.

Thách thức nhìn thấy

Địa chính trị vẫn là một khía cạnh chính của chính sách năng lượng. Những lo ngại về an ninh nguồn cung xuất phát từ việc các quốc gia tiêu thụ năng lượng phụ thuộc vào một số ít quốc gia nằm trong các khu vực xung đột. Trong nhiều năm, than đá đã là một phần quan trọng trong nguồn cung cấp năng lượng của thế giới và hiện vẫn chiếm khoảng 1/4 hỗn hợp năng lượng toàn cầu. Nhưng tài nguyên than phân bố khá đồng đều trên thế giới.

Ngoài ra, than đá thường được sử dụng trong nước và việc trao đổi thương mại than trên thị trường quốc tế thường hạn chế. Ngược lại, sự phân bố địa lý không đồng đều của tài nguyên dầu mỏ đã đặt ra một vấn đề lớn. Rõ ràng, các vấn đề địa chính trị của Trung Đông đang và sẽ đè nặng lên cán cân năng lượng toàn cầu.

Còn châu Âu chỉ chiếm 1% trữ lượng dầu mỏ thế giới. Điều này cũng đúng với khí đốt. Sự phân bố không đồng đều này củng cố những lo ngại về quy mô đầu tư sẽ được thực hiện. Liệu các nước sản xuất dầu có đầu tư đủ và đúng thời điểm? Cuộc xung đột Ukraine nhắc nhở chúng ta về tính thời sự của những mối quan tâm này.

Cuộc cách mạng dầu khí phi truyền thống đã thay đổi hoàn toàn các quân bài trong những năm 2010. Hiện Mỹ đã trở thành nhà sản xuất dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ lớn nhất thế giới, đồng thời nước này đã giành lại được sự độc lập hoàn toàn về năng lượng, lần đầu tiên kể từ năm 1952. Sự xuất hiện của dầu khí phi truyền thống đã tác động lớn đến địa chính trị ở Trung Đông.

Ngay từ năm 2010, ông Barack Obama đã nhấn mạnh quyền tự chủ năng lượng mới này của đất nước đã mang lại cho ông một sự linh hoạt trong chính sách ngoại giao của Mỹ. Điều này dẫn đến việc Mỹ rút một phần khỏi Trung Đông và sự trở lại mạnh mẽ của Nga và Trung Quốc tại khu vực chiến lược này.

Cuộc chạy đua tài nguyên năng lượng không hồi kết
Địa chính trị vẫn là một khía cạnh chính của chính sách năng lượng. Ảnh: Pixabay

Nếu OPEC mất đi sức mạnh thị trường sau cú sốc dầu mỏ năm 1986, thì việc thành lập Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) vào năm 2016 đánh dấu một bước ngoặt lớn. OPEC+ tập hợp các quốc gia OPEC và 10 nhà sản xuất dầu mỏ khác, trong đó có Nga. Ngày 12/4/2020, các quốc gia sản xuất dầu mỏ đã quyết định cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày (khoảng 10% lượng tiêu thụ của thế giới) để đối phó với sự sụt giảm của giá dầu sau cuộc khủng hoảng COVID. Kể từ đó, sự đồng thuận của các nước OPEC+ đã được duy trì.

Mặc dù OPEC+ theo đuổi chính sách và tôn trọng các cam kết của mình, nhưng năng lực sản xuất khả dụng của họ giảm xuống còn khoảng 5,2 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2022. Phần lớn năng lực sản xuất này tập trung ở Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), với 3,3 triệu thùng/ngày.

Lập trường của Saudi Arabia mang tính quyết định, nhưng nước này sẽ phải lựa chọn giữa tình hữu nghị lâu đời với Mỹ và sự trỗi dậy mạnh mẽ của Nga ở Trung Đông, ngay cả khi Mỹ giảm bớt sự can dự vào khu vực. Điều này có ý nghĩa là các bước mà chính quyền Mỹ thực hiện ngay từ cuối năm 2021 với các nước sản xuất dầu mỏ nhằm thúc đẩy họ tăng sản lượng đã không có tác dụng.

Do vậy, OPEC+ dường như đã lấy lại được phần nào quyền kiểm soát thị trường. Để đối phó với tình hình căng thẳng này, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã quyết định giải phóng các kho dự trữ chiến lược. Tuy nhiên, tác động còn hạn chế. Trước tình hình đó đã khiến Mỹ tính đến việc dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Venezuela và Iran. Tuy nhiên, cho đến nay những bước tiến đạt được vẫn còn ít ỏi.

Địa chính trị năng lượng

Kể từ năm 2018, một khía cạnh mới của địa chính trị năng lượng đã xuất hiện. Trong khi địa chính trị vẫn tiếp tục đóng một vai trò quan trọng đối với nhiên liệu hóa thạch, người ta đã nhận thức được rằng việc triển khai năng lượng tái tạo đặt ra những thách thức địa chính trị mới. Những năng lượng này thực sự đòi hỏi phải huy động ngày càng nhiều nguồn tài nguyên kim loại quan trọng. Địa chính trị năng lượng của quá trình chuyển đổi năng lượng có liên quan đến khả năng tiếp cận và giá cả các nguồn tài nguyên của nhiều loại nguyên liệu thô như đất hiếm, coban và cả đồng.

Trong đó, Trung Quốc đóng một vai trò then chốt, nước này chiếm 80% sản lượng đất hiếm và nếu như 64% lượng coban tiêu thụ trên thế giới được sản xuất tại Trung Quốc, thì các công ty Trung Quốc kiểm soát một nửa sản lượng. Trung Quốc sẽ là nước hưởng lợi lớn từ sự bùng nổ năng lượng tái tạo.

Chỉ trong vài năm, các công ty Trung Quốc đã giành được vị trí gần như độc quyền trong các công nghệ chuyển đổi năng lượng. Điều này được nhận thấy trong lĩnh vực sản xuất pin hoặc pin năng lượng mặt trời. Bắc Kinh cũng đang phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực năng lượng gió.

Bên cạnh đó, các chuyên gia thuộc trung tâm nghiên cứu ANBOUND cho rằng, chiến sự Nga-Ukraine không chỉ làm thay đổi mối quan hệ chính trị và ngoại giao trên thế giới hiện nay, mà còn làm biến động sâu sắc cục diện cung - cầu trên thị trường năng lượng toàn cầu. Tác động chủ yếu của cuộc xung đột này đối với cục diện thị trường năng lượng toàn cầu đang được phản ánh trong nhiều khía cạnh.

Thứ nhất, yếu tố địa chính trị đã làm gia tăng khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Mối quan tâm của thế giới đã chuyển từ việc chuyển đổi mô hình năng lượng mới sang làm thế nào để đảm bảo sự ổn định và an ninh của các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống.

Thứ hai, cục diện cung - cầu năng lượng toàn cầu bị chi phối bởi các yếu tố địa chính trị và cục diện cung - cầu năng lượng hình thành trong bối cảnh toàn cầu hóa đang trải qua sự điều chỉnh cơ cấu lớn.

Thanh Bình

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục