Cùng nhìn lại quan hệ đầu tư thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc

(Banker.vn) Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Trung Quốc nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị song phương trong đó có lĩnh vực kinh tế thương mại.
Việt Nam - Trung Quốc: Cơ hội mới trong hợp tác thương mại song phương Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc

Nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Trung Quốc, hãy cùng nhìn lại kết quả tích cực về quan hệ thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc kể từ khi 2 nước thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện năm 2008.

Cùng nhìn lại quan hệ đầu tư thương mại song phương
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (Ảnh: TTXVN)

Thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp

Theo Thông cáo của Bộ Ngoại giao: Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 8 năm 2024.

Theo đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của đồng chí Tô Lâm trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Qua chuyến thăm này, Việt Nam tiếp tục khẳng định sự coi trọng và ưu tiên hàng đầu quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong chính sách đối ngoại; qua đó, tiếp tục đối thoại chiến lược cấp cao nhất; tăng cường quan hệ tốt đẹp giữa hai đồng chí đứng đầu của hai Đảng, hai nước.

Đồng thời, Việt Nam mong muốn cùng với Trung Quốc thúc đẩy thực hiện thỏa thuận chung cấp cao, đặc biệt là những thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm lịch sử của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc vào năm 2022 và chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam vào năm 2023, theo tinh thần tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc với phương hướng “6 hơn” bao gồm: tin cậy chính trị cao hơn; hợp tác quốc phòng-an ninh thực chất hơn; hợp tác thực chất sâu sắc hơn; nền tảng xã hội vững chắc hơn; phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; bất đồng được kiểm soát, giải quyết tốt hơn.

Bên cạnh nội dung trao đổi ở cấp chiến lược cao nhất của hai Đảng, hai nước; đánh giá về quan hệ giữa hai Đảng, hai nước, đặc biệt là kết quả đạt được trong việc thực hiện những thỏa thuận chung cấp cao giữa các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của hai nước sẽ có nhiều nội dung liên quan đến hợp tác đầu tư, thương mại song phương.

Cùng nhìn lại quan hệ đầu tư thương mại song phương
Kỳ họp lần thứ 12 Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc năm 2023 (Ảnh: Cấn Dũng)

Hơp tác đầu tư thương mại duy trì đà tăng trưởng

Có thể nói, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc sau hơn 15 năm kể từ khi thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện năm 2008 đến nay đã có những bước tiến nhanh chóng và ngày càng sâu sắc, toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó có hợp tác đầu tư - thương mại.

Đối với lĩnh vực đầu tư, qua 16 năm, hợp tác đầu tư giữa hai nước cũng đi vào chiều sâu, thực chất hơn. Nếu như năm 2028, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam ở mức 2 tỷ USD thì đến năm 2023 đạt khoảng 25 tỷ USD.

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong số 91 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam 7 tháng đầu năm 2024 thì Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới, chiếm tới 29,7%. Tính chung đến thời điểm này, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng hơn 7 lần và trở thành nhà đầu tư lớn thứ 6/146 đối tác đầu tư của Việt Nam.

Việt Nam cũng luôn khuyến khích các doanh nghiệp lớn có năng lực, uy tín của Trung Quốc mở rộng hợp tác, tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực Trung Quốc có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu và ưu tiên cao, như đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, đô thị thông minh, công nghiệp chế tạo chất lượng cao, xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, y tế, giáo dục…, xây dựng và triển khai các dự án hợp tác cụ thể trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác song phương đã thiết lập và các cơ chế hợp tác đa phương hai bên cùng tham gia.

Cùng nhìn lại quan hệ đầu tư thương mại song phương
Trung Quốc ngày càng tạo điều kiện nhập khẩu chính ngạch nông sản của Việt Nam (Ảnh: kinhtevadubao)

Về hợp tác thương mại, theo ThS. Vũ Nhật Quang - Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, nếu như năm 2008 – năm đầu tiên thiết lập “Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 20,8 tỉ USD, đến năm 2022, con số này đã tăng lên hơn 8 lần (trên 175,5 tỉ USD). Hiện nay, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc). Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.

Cơ cấu hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc cũng có sự thay đổi, nếu như giai đoạn trước 2008, Việt Nam chủ yếu nhập siêu từ Trung Quốc thì giai đoạn 2008 – 2017, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần tỉ trọng nhóm hàng chế biến và giảm dần xuất khẩu nhóm hàng thô và sơ chế.

Giai đoạn này, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc tăng trưởng rất cao, từ 4.535,7 triệu USD năm 2008 lên 35.403,9 triệu USD năm 2017, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa bình quân đạt 26,57%/năm. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, cao su, điện thoại các loại. Mặt hàng chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm tỉ trọng 15,40%), tiếp đến là cao su (8,18%), điện thoại các loại và linh kiện (6,78%), xơ sợi dệt (6,14%), gỗ và sản phẩm gỗ (4,97%).

Ở chiều ngược lại, hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc chủ yếu để phục vụ sản xuất trong nước. Nhập khẩu tập trung chủ yếu ở nhóm hàng thiết yếu, gồm máy móc thiết bị, nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu và phục vụ các dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, điện tử...

Giai đoạn 2018 – 2023, Việt Nam giữ vững vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN, bất chấp bức tranh kinh tế toàn cầu ảm đạm. Thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng trưởng. Năm 2018, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc đạt gần 107 tỉ USD, tăng 13,5% so với năm 2017. Năm 2023 con số này đạt 171,9 tỷ USD.

Còn 7 tháng đầu năm 2024, thương mại Trung Quốc - Việt Nam tăng mạnh nhất khối ASEAN 24,1%, đạt gần 113 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 33,4 tỷ USD, tăng 7,6%, nhập khẩu từ Trung Quốc 79,2 tỷ USD, tăng 34,9% so với cùng kỳ 2023.

Những năm gần đây, hai bên đã đẩy mạnh hợp tác đầu tư, thương mại. Đặc biệt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Trung Quốc ngày càng tạo điều kiện để Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc theo hướng cân bằng cán cân thương mại, mở cửa cho nhiều loại nông sản Việt Nam xuất khẩu chính ngạch.

Theo ThS. Vũ Nhật Quang, tính từ 2008 đến nay, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chuyển dịch theo hướng tích cực; Giảm tỉ trọng nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản và nông lâm thủy sản, tăng tỉ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo; Chất lượng hàng hóa xuất khẩu được nâng cấp với tỉ lệ đầu tư công nghệ và hàm lượng chất xám cao, tỷ trọng khoáng sản thô xuất khẩu giảm dần và tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến trên cơ sở đầu tư công nghệ, tận dụng các cơ hội thuận lợi về thị trường và giá cả để tăng giá trị xuất khẩu.

Song song với đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu có xu hướng chuyển dịch từ giảm các mặt hàng nguyên liệu thô, sơ chế sang tăng các mặt hàng có hàm lượng chế biến, chế (gồm cả hàng nhiên liệu chế biến, hàng nông, thủy sản chế biến và hàng công nghiệp chế biến, chế tạo).

Nguyên Vũ

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục