Cục Phòng vệ thương mại: Tập trung tổ chức thực thi pháp luật về phòng vệ thương mại

(Banker.vn) Thành lập vào năm 2017, Cục Phòng vệ thương mại tập trung thực hiện chức năng tham mưu, quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về phòng vệ thương mại.
Cục Phòng vệ thương mại tiếp nhận hồ sơ điều tra đối với vật liệu hàn có xuất xứ Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia Công tác xây dựng Đảng được Chi ủy Cục Phòng vệ thương mại quan tâm trên cả 3 mặt trận Doanh nghiệp phải chủ động phòng tránh các biện pháp phòng vệ thương mại

Khẳng định vai trò chiến lược, bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, song song với đó là chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã từng bước hội nhập vững chắc vào kinh tế khu vực và kinh tế toàn cầu. Việt Nam đã trở thành thành viên ASEAN năm 1995; sau đó chính thức trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cuối năm 2006, dần tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó, có những FTA thế hệ mới toàn diện với mức độ cam kết sâu và rộng như CPTPP, EVFTA…

Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Ảnh: Hoà Phát
Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Ảnh: Hoà Phát

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, xuất nhập khẩu của Việt Nam đã thay đổi cơ bản, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Song song với việc quy mô ngoại thương tăng trưởng nhanh chóng, đã xuất hiện hai nhu cầu chính đáng. Trước hết là nhu cầu bảo vệ các doanh nghiệp xuất khẩu của ta trên thị trường nước ngoài, khi doanh nghiệp bị kiện bán phá giá hay trợ cấp. Cùng với đó, nhu cầu sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại như một công cụ để bảo đảm môi trường công bằng cho hàng hóa sản xuất nội địa khi hàng hóa nhập khẩu xâm nhập vào thị trường Việt Nam.

Trong quá trình này, Bộ Công Thương đánh giá, công tác phòng vệ thương mại đã khẳng định được vai trò chiến lược, bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, giúp các ngành sản xuất trong nước phát triển trên cả thị trường nước ngoài cũng như thị trường trong nước. Theo đó, từ một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, trong những năm gần đây, công tác phòng vệ thương mại đã đạt được bước phát triển vượt bậc, cả về hệ thống chính sách, pháp luật, bộ máy tổ chức.

Cụ thể, kể từ khi Luật Quản lý ngoại thương chính thức có hiệu lực vào năm 2018, cơ sở pháp lý cho công tác phòng vệ thương mại đã được hệ thống hóa một cách đầy đủ. Trong đó, dấu mốc quan trọng chính là Cơ quan điều tra về phòng vệ thương mại – Cục Phòng vệ thương mại được thành lập vào năm 2017 để tập trung thực thi các quy định pháp luật về phòng vệ thương mại.

Theo đó, Cục Phòng vệ thương mại là tổ chức thuộc Bộ Công Thương, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về phòng vệ thương mại, bao gồm các lĩnh vực chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ; chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; tổ chức, quản lý hoạt động sự nghiệp dịch vụ công thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý của Cục theo quy định của pháp luật và phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng.

Kể từ ngày thành lập, Cục Phòng vệ thương mại đã nỗ lực, chủ động thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về phòng vệ thương mại, bao gồm các lĩnh vực chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ; chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Từ đó đến nay, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 28 vụ việc phòng vệ thương mại và đã áp dụng 22 biện pháp với hàng hóa nhập khẩu. Tính trong 6 tháng đầu năm 2024, đã triển khai công tác điều tra, rà soát các vụ việc phòng vệ thương mại cụ thể gồm: Tiếp tục điều tra, rà soát 7 vụ việc đã khởi xướng trong năm 2023; khởi xướng điều tra 1 vụ việc mới; tiếp nhận và xử lý 7 hồ sơ đề nghị điều tra và rà soát mới.

Hiện tại, có 4 biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực với các sản phẩm thép nhập khẩu và 1 biện pháp phòng vệ thương mại với sản phẩm liên quan tới thép (vật liệu hàn) và 2 vụ việc đang trong quá trình điều tra liên quan tới sản phẩm cáp thép dự ứng lực và tháp điện gió. Bộ Công Thương đang tiến hành rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội (AD01) và thép phủ màu (AD04) để đánh giá hiệu quả biện pháp cũng như khả năng tiếp tục gia hạn biện pháp thêm 5 năm nữa. Dự kiến, trong tháng 10/2024 sẽ có kết quả rà soát của 2 vụ việc này.

Nhờ việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hợp lý, phù hợp với cam kết quốc tế, các ngành sản xuất trong nước được bảo vệ trước những hành vi cạnh tranh không công bằng, từ đó tạo điều kiện để các ngành sản xuất trong nước phát triển, tạo thêm việc làm và giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Ở góc độ tiêu dùng, các biện pháp phòng vệ thương mại trong dài hạn giúp cho nền kinh tế không bị phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, đem lại sự ổn định và chống chịu tốt hơn trước các tác động và cú sốc từ bên ngoài.

Đặc biệt, trong nhiều trường hợp, việc áp dụng phòng vệ thương mại đối với các nguyên liệu cơ bản cũng giúp tăng khả năng tận dụng cam kết trong các hiệp định thương mại tự do, đồng thời làm giảm nguy cơ Việt Nam bị nước ngoài điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại do ta đã chủ động và bảo vệ được nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, các biện pháp phòng vệ thương mại đã áp dụng đóng góp hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế thu được vào ngân sách nhà nước.

Thực hiện cam kết quốc tế, bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam

Với chính sách chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, trong đó kinh tế là lĩnh vực đi đầu, Việt Nam đã ngày càng gắn kết chặt chẽ hơn vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 11,3% trong năm năm 2018 - 2022 và đạt 355,5 tỷ USD trong năm 2023, đưa Việt Nam trở thành nước đứng thứ 17 toàn cầu về quy mô kim ngạch và năng lực xuất khẩu.

Tuy nhiên, khi kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng phải đối mặt với rủi ro lớn hơn, trở thành đối tượng của các cuộc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Bộ Công Thương cho biết, tính đến tháng 6/2024, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 252 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường và vùng lãnh thổ. Trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (138 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (50 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (37 vụ việc) và chống trợ cấp (27 vụ việc).

Thời gian qua, không chỉ những mặt hàng thuộc các nhóm ngành hàng xuất khẩu chủ lực như gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, da giày, dệt may, sắt thép… đã bị điều tra mà kể cả những nhóm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu nhỏ hơn như mật ong, gạch men, giấy bọc thuốc lá... cũng đã bị điều tra phòng vệ thương mại.

Mặc dù về nguyên tắc, các biện pháp phòng vệ thương mại là công cụ để đảm bảo một môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng hóa nhập khẩu với hàng hóa sản xuất trong nước nhưng nếu không xử lý tốt các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, mức thuế phòng vệ thương mại áp dụng với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị đẩy lên cao quá mức, làm giảm thị phần và thậm chí làm mất thị trường.

Vì vậy, Cục Phòng vệ thương mại đã tích cực, chủ động hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài thông qua các hoạt động tư vấn hướng dẫn doanh nghiệp về quy trình thủ tục điều tra, cách thức cung cấp thông tin để đáp ứng các yêu cầu của cơ quan điều tra và theo dõi sát quá trình điều tra để đảm bảo nước nhập khẩu tuân thủ đúng các yêu cầu về điều tra phòng vệ thương mại trong các cam kết quốc tế, từ đó bảo vệ được lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam.

Cùng với đó, công tác cảnh báo sớm đã được Cục Phòng vệ thương mại chủ động, triển khai thường xuyên. Cụ thể, nhằm ứng phó với các vụ điều tra phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương trong đó Cục Phòng vệ thương mại đã cập nhật danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh phòng vệ thương mại gửi các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, Hiệp hội, doanh nghiệp liên quan để phối hợp theo dõi. Bên cạnh đó, công tác cảnh báo sớm cũng như hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua đã đem lại một số kết quả tích cực.

Nhờ đó, cho tới nay, trong nhiều vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, kết quả đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam là tích cực, giúp duy trì và ổn định được thị trường xuất khẩu kể cả khi bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (với các mặt hàng như tôm, cá tra-basa, một số sản phẩm thép, ván gỗ MDF…), nhất là xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Úc, Canada, các nước Đông Nam Á,…

Trong thời gian tới, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng vệ thương mại thông qua việc xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 10/2018/NĐ-CP trên cơ sở tổng kết thực tiễn công tác phòng vệ thương mại trong 5 năm qua.

Thứ hai, hoàn thành hai vụ việc điều tra phòng vệ thương mại mới, 5 vụ việc rà soát các biện pháp phòng vệ thương mại đã có trong kế hoạch công tác năm một cách công bằng, minh bạch, đánh giá kỹ tất cả các yếu tố và tuân thủ đúng các quy định hiện hành. Nếu các cuộc điều tra, rà soát này dẫn đến việc áp dụng một biện pháp phòng vệ thương mại, biện pháp đó phải được áp dụng đúng đối tượng, đúng mức độ, bảo vệ được các ngành sản xuất trong nước nhưng có tính đến các tác động kinh tế xã hội.

Thứ ba, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Trong công tác này, hai nhiệm vụ quan trọng là xử lý vụ việc Hoa Kỳ xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường và vận hành hệ thống cảnh báo sớm để cung cấp các thông tin cảnh báo từ sớm, từ xa các mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại.

Thứ tư, thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp ở các ngành hàng cụ thể và tại các địa phương cụ thể nhằm tăng cường sự hiểu biết của các doanh nghiệp đối với công tác phòng vệ thương mại, từ đó các doanh nghiệp có thể chủ động xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài cũng như biết cách sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại hợp pháp để bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành mình, của doanh nghiệp mình.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục