Cú vươn mình thành "ông lớn" của Cảng hàng không Việt Nam (ACV)

(Banker.vn) Với vốn hóa hơn 7 tỷ USD, ACV đã bỏ xa những cái tên còn lại trên UPCoM, đây cũng là cái tên duy nhất chưa niêm yết lọt top 10 doanh nghiệp giá trị nhất trên thị trường chứng khoán.

Hiện nay, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCOM: ACV) có thể được coi là "ông lớn" ngành hàng không. Trên sàn chứng khoán, ACV cũng thuộc vào nhóm những doanh nghiệp giá trị nhất. Từ đầu năm 2024 đến nay, cổ phiếu ACV đã tăng hơn 30% lên vùng giá cao nhất trong 15 tháng qua kể từ đầu tháng 12/2022. Theo đó, giá trị vốn hóa của ACV cũng tăng thêm khoảng 40.000 tỷ đồng (tương đương gần 2 tỷ USD), lên mức 183.000 tỷ đồng (~7 tỷ USD). Theo đó, vốn hóa của ACV đã bỏ xa phần còn lại trên sàn UPCoM, cao gần gấp đôi vốn hóa của Viettel Global (VGI), Masan Consumer (MCH), cao hơn 3 lần giá trị của Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), VEAM (VEA)…

Cú vươn mình thành
Diễn biến giá cổ phiếu ACV trong vòng 1 năm trở lại đây

ACV cũng đã lọt top 5 những doanh nghiệp lớn nhất trên toàn sàn chứng khoán Việt, vượt qua nhiều cái tên "khủng" khác như Hòa Phát, Vingroup, Vinamilk, VPBank, Techcombank… Thời điểm hiện tại, ACV chỉ kém 3 ngân hàng có vốn nhà nước là Vietcombank, BIDV, VietinBank và "ông lớn" bất động sản Vinhomes (VHM).

Theo tìm hiểu, ACV được thành lập vào năm 2012 dựa trên việc hợp nhất của các Tổng Công ty Cảng hàng không ở 3 miền Bắc - Trung - Nam. Sau đó, tổng công ty được cổ phần hóa vào năm 2015, chính thức hoạt động dưới hình thức Công ty CP từ ngày 1/4/2016. Thời điểm đó, vốn điều lệ của ACV là 21.771 tỷ đồng, có đến 95,4% vốn cổ phần được nắm giữ bởi cổ đông Nhà nước.

Ngày 21/11/2016, gần 2,18 tỷ cổ phiếu ACV chính thức lên sàn UPCoM, giá tham chiếu là 25.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức định giá ban đầu là khoảng 54.400 tỷ đồng (tương đương 2,3 tỷ USD). Sau hơn 7 năm, giá trị vốn hóa của ‘ông lớn’ cảng hàng không Việt đã tăng thêm gấp 3 lần.

Thời điểm hiện tại, ACV cũng đang nắm độc quyền việc cung cấp các dịch vụ hàng không cho các hãng bay cả trong lẫn ngoài nước, bao gồm dịch vụ an ninh, dịch vụ mặt đất, phục vụ cho hành khách, cất cánh và hạ cánh… Đồng thời, tổng công ty còn được giao cho việc quản lý, điều phối hoạt động, đầu tư khai thác toàn bộ hệ thống 22 cảng hàng không trên cả nước, trong đó có 9 sân bay quốc tế cùng 13 sân bay nội địa.

Cú vươn mình thành "ông lớn" của Cảng hàng không Việt Nam (ACV)
ACV đang nắm độc quyền việc cung cấp các dịch vụ hàng không cho các hãng bay cả trong lẫn ngoài nước (ảnh Tuệ An)

Hiện nay, ACV đang có 2 công ty con, đó là Dịch vụ Nhiên liệu Hàng không Nội Bài (NAFSC) và Dịch vụ Bảo dưỡng máy bay Cảng hàng không Miền Nam (SAAM). Bên cạnh đó, Tổng công ty còn có 10 công ty liên kết khác, những doanh nghiệp này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hàng không. Có nhiều công ty đã lên sàn chứng khoán, điển hình như Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SAGS - SGN), Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO - SAS), Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS)…

Sau giai đoạn khó khăn năm 2021-2022 do đại dịch Covid-19, cũng như nhiều doanh nghiệp cùng ngành, ACV đã nhanh chóng hồi phục và tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh được đẩy lùi và nền kinh tế tăng trưởng trở lại.

Tính riêng trong năm 2023, ACV đã phục vụ tổng cộng 113,5 triệu hành khách, so với năm 2022 đã tăng 15%. Trong đó, lượng khách quốc tế là 32,6 triệu lượt, tăng mạnh 173%. Ngoài ra, tổng hàng hóa bưu kiện thông qua là 1,2 triệu tấn, còn tổng hạ cất cánh là 710.000 lượt chuyến.

ACV trong năm 2023 ghi nhận doanh thu kỷ lục hơn 20.000 tỷ đồng, so với năm 2022 tăng 45%. Lợi nhuận sau thuế nhờ đó cũng tăng thêm gần 21% so với năm liền trước và đạt gần 8.600 tỷ đồng - con số kỷ lục kể từ khi hoạt động.

Trong hoạt động đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng không, ACV được chọn làm chủ đầu tư của nhiều dự án, công trình trọng điểm, phát triển kết cấu hạ tầng hàng không. Tổng mức đầu tư các dự án đang triển khai 133.264 tỷ đồng.

Cuối năm 2023, tổng tài sản của ACV trên 67.129 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Mức tăng chính đến từ các khoản phải thu ngắn hạn và chi phí xây dựng cơ bản dở dang. Cũng tại thời điểm cuối năm, các khoản phải thu ngắn hạn gần gấp đôi đầu năm, ở mức 12.771 tỷ đồng, trong đó phải thu từ hãng Vietjet là 2.981 tỷ, Bamboo Airways là 2.132 tỷ và Vietnam Airlines là 1.831 tỷ đồng.

Thanh khoản khối ngoại tăng mạnh, nhiều cổ phiếu bluechips rơi vào tầm nhắm

Kết thúc ngày giao dịch 07/03, khối ngoại bán ròng trên HOSE phiên thứ 3 liên tiếp. Trong khi đó, nhiều bluechips điển hình được ...

Chứng khoán LPBank muốn chào bán hàng trăm triệu cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ gấp 15,5 lần

Như vậy, nếu đợt chào bán cổ phiếu thuận lợi, vốn điều lệ Chứng khoán LPBank sẽ cao hơn 15,5 lần. Toàn bộ khoản tiền ...

Nhận định chứng khoán phiên 8/3: Đi ngang tích lũy cho đà tăng mới

Theo Chứng khoán Tiên Phong, nhiều khả năng chỉ số sẽ xuất hiện những phiên giằng co với trạng thái gần như đi ngang để ...

Linh Đan

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục