Cú huých mới cho thị trường lúa gạo vụ Đông Xuân

(Banker.vn) Việc Việt Nam vừa trúng thầu trên 300 ngàn tấn gạo của Indonesia được xem như là cú huých mới cho thị trường lúa gạo nội địa trong năm nay.
Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch lúa Đông xuân sớm, giá cao Việt Nam trúng 2/3 gói thầu 500.000 tấn gạo của Indonesia

Giá gạo xuất khẩu dự báo xoay quanh mốc 660 USD

Cuối tháng 1/2024, Cơ quan Hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) đã công bố danh sách các đơn vị trúng thầu hợp đồng 500.000 tấn gạo, trong đó Việt Nam có 7 doanh nghiệp trúng thầu tổng cộng 10/17 lô (trên 300.000 tấn).

Giá gạo trúng thầu mức thấp nhất của Việt Nam khoảng 648 USD/tấn, bao gồm cả chi phí vận chuyển. Các doanh nghiệp trúng thầu sẽ phải giao hàng trong tháng 2 và 3/2024.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đánh giá, đây sẽ là cú huých mới cho thị trường lúa gạo nội địa, giúp ổn định giá cả khi chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch rộ vụ lúa Đông xuân sắp tới.

Ông Nam cũng dự báo giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 vẫn sẽ xoay quanh mức 650 - 660 USD/tấn (giá FOB - giao hàng tại cảng Việt Nam). Ngoài ra, nhu cầu của thế giới vẫn còn rất lớn, nhất là các thị trường truyền thống.

Ngoài Indonesia, việc Tổng thống Philippines sang thăm Việt Nam gần đây đã mở ra nhiều kỳ vọng cho thị trường này trong năm mới. Ước tính, số lượng hợp đồng thương mại với Philippines đang ở mức hơn nửa triệu tấn.

Như vậy, chỉ tính riêng 2 thị trường Indonesia và Philippines, sau Tết Nguyên đán các doanh nghiệp Việt Nam sẽ giao hàng gần 1 triệu tấn gạo.

Theo nhiều doanh nghiệp, xu hướng chung năm 2024 thị trường thế giới vẫn trong tình trạng cầu vượt cung nên giá gạo sẽ duy trì mức cao. Thêm vào đó, những thông tin trúng thầu nói trên sẽ giúp giá gạo xuất khẩu của Việt Nam được duy trì ở mức cao.

Được biết, giá gạo xuất khẩu tiêu chuẩn 5% tấm của Việt Nam hiện đang dao động quanh mốc 639-643 USD/tấn - theo cập nhật của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). Nếu so với đầu tháng 1/2024, mức giá này sụt giảm 14 USD/tấn, tuy nhiên các doanh nghiệp cho biết việc giá giảm không đáng lo bởi nguồn cung của Việt Nam hiện đang hạn chế và cả người bán lẫn người mua đều chờ đến vụ thu hoạch Đông xuân sau Tết. Thêm nữa, doanh nghiệp hiện đang tập trung vào thị trường nội địa và chuẩn bị nghỉ Tết nên không tham gia ký hợp đồng mới, giao dịch không có nên giá gạo vì thế sụt giảm.

"Chúng tôi hầu như chỉ ký các đơn hàng ngắn hạn, không ký giao xa và cũng không ký trước trong thời gian dài vì lo ngại rủi ro về giá như năm 2023"- ông Nguyễn Quang Hòa - Tổng giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ - chia sẻ.

Cú huých mới cho thị trường lúa gạo vụ Đông Xuân
Nông dân phấn khởi vì giá lúa liên tục giữ mức cao

Nông dân kỳ vọng vào vụ Đông Xuân

Liên quan đến vụ lúa Đông Xuân 2023-2024, theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn), tính đến ngày 25/1/2024, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống được 1,474 triệu ha/1,475 triệu ha diện tích kế hoạch, thu hoạch được trên 140 ngàn ha với năng suất khoảng 6,25 tấn/ha, đạt sản lượng 875 ngàn tấn lúa. Đơn cử tại Long An, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này cho biết, toàn tỉnh gieo sạ 235.519ha lúa Đông xuân 2023-2024, bằng 105,5% so với kế hoạch, bằng 104,8% so cùng kỳ năm 2023. Tới nay tỉnh đã thu hoạch 49.577ha, năng suất ước đạt 55,7 tạ/ha, sản lượng 276.188 tấn.

Về giá lúa, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang, giá lúa OM 18 hiện ở mức 9.400 - 9.500 đồng/kg; OM 5451 ở mức 9.200 - 9.400 đồng/kg, lúa IR 504 ở mức 9.000 - 9.200 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 duy trì quanh mốc 9.600 - 9.700 đồng/kg; Nàng Hoa 9 duy trì ổn định ở mức 9.400 - 9.600 đồng/kg; lúa OM 380 dao động quanh mốc 8.600 - 8.800 đồng/kg.

Ngành nông nghiệp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, nhiều diện tích lúa Đông xuân sẽ tiếp tục được thu hoạch. Nhiều nông dân đặt kỳ vọng giá lúa duy trì ổn định để nông dân trồng lúa có lợi nhuận cao.

Mai Ca

Theo: Báo Công Thương