Cú huých cho nhóm kim loại bước vào thời kỳ ‘sốt giá’

(Banker.vn) Kể từ tháng 3 tới nay, giá các mặt hàng kim loại liên tục tăng mạnh do lực hỗ trợ từ cả yếu tố vĩ mô và yếu tố cung – cầu cơ bản.
Giá kim loại giảm sâu, dấu hiệu của suy thoái kinh tế? Thị trường hàng hóa ngày 18/5: Nhóm kim loại hạ nhiệt

Tuy vậy, lo ngại thiếu hụt nguồn cung vẫn là yếu tố dẫn dắt chính. Dự kiến đây vẫn sẽ là nhân tố quan trọng hỗ trợ cho giá kim loại tăng trong dài hạn.

Lo ngại thiếu nguồn cung đưa giá kim loại chạm tới các mức đỉnh mới

Kể từ đầu tháng 3, giá các mặt hàng kim loại đua nhau tăng mạnh, đánh dấu sự bứt phá sang chu kỳ tăng giá mới sau giai đoạn tích lũy. Theo dữ liệu của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), tính từ tháng 3 đến nay, giá bạc đã tăng hơn 43% và hiện đã vượt mốc 31 USD/ounce, mức đỉnh cao nhất 11 năm. Đối với kim loại cơ bản, giá đồng niêm yết trên Sở COMEX cũng tăng 35% lên vùng 11.200 USD/tấn, mức giá cao nhất mọi thời đại.

Lý giải cho đà tăng vọt này, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hoá Việt Nam, cho biết: “Đồng hay bạc đều là những kim loại nhạy cảm với yếu tố vĩ mô, đồng thời lại được sử dụng trong hoạt động công nghiệp. Do đó, sự hỗ trợ kép từ cả yếu tố vĩ mô và cung – cầu đã kéo giá hai mặt hàng liên tục tăng mạnh trong thời gian gần đây. Tuy vậy, yếu tố chính dẫn tới mức tăng này xuất phát từ lo ngại nguồn cung thiếu hụt”.

Cú huých cho nhóm kim loại bước vào thời kỳ ‘sốt giá’
Diễn biến giá bạc và giá đồng COMEX

Cụ thể hơn, kim loại đồng vốn đã phải đối mặt với nguy cơ nguồn cung thắt chặt kể từ cuối năm ngoái, thời điểm mỏ đồng lớn Cobre Panama bị đóng cửa, và một số Sàn giao dịch hàng hoá thế giới cấm nhập khẩu đồng từ Nga.

Rủi ro này tiếp tục bị đẩy lên cao vào tháng 3 năm nay khi Trung Quốc, nơi cung cấp hơn 50% nguồn cung đồng tinh chế cho thế giới, hạn chế công suất luyện đồng. Đứng trước thách thức này, thị trường đồng tinh chế toàn cầu được dự báo sẽ thiếu hụt 428.000 tấn trong năm nay, nhiều hơn so với mức thiếu hụt 130.000 tấn của năm ngoái.

Còn đối với bạc, Viện Bạc (Silver Institute) cho biết thâm hụt bạc toàn cầu dự kiến sẽ tăng 17% lên 215,3 triệu ounce vào năm nay do nhu cầu trong lĩnh vực công nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ và tổng nguồn cung giảm 1%.

Nhu cầu tăng cao cũng là yếu tố hỗ trợ cho giá

Ngoài sự giới hạn về nguồn cung, nhu cầu tiêu thụ lạc quan hơn cũng là một trong những chất xúc tác hỗ trợ cho giá bạc và giá đồng trong thời gian qua, do cả hai kim loại này đều được ứng dụng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, bên cạnh vai trò đầu tư.

Đối với đồng, nhu cầu tiêu thụ kim loại đỏ này đang phục hồi khi nền kinh tế thế giới khởi sắc hơn, đặc biệt là tại Trung Quốc, quốc gia chiếm hơn 50% nhu cầu đồng toàn cầu. Theo dữ liệu hải quan, Trung Quốc đã nhập khẩu tổng cộng 9,34 triệu tấn tinh quặng đồng trong 4 tháng đầu năm nay, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cú huých cho nhóm kim loại bước vào thời kỳ ‘sốt giá’
Nhập khẩu quặng đồng của Trung Quốc

Triển vọng tiêu thụ đồng càng được củng cố khi nước này đang đẩy mạnh hỗ trợ nền kinh tế và vực dậy lĩnh vực bất động sản, trụ cột của nền kinh tế. Gần đây nhất, Chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố nới lỏng các quy định thế chấp và khuyến khích chính quyền địa phương mua những căn nhà chưa bán được. Đây là nỗ lực mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của nước này để cứu thị trường bất động sản đang chìm trong khủng hoảng.

Đối với bạc, bên cạnh nhu cầu tăng cao trong lĩnh vực công nghiệp, nhu cầu tích trữ bạc làm tài sản trú ẩn cũng tăng vọt do bất ổn địa chính trị gia tăng. Vào đầu tháng 4, tình hình tại khu vực Trung Đông leo thang trước xung đột giữa Israel và Iran. Trong khi đó, xung đột giữa Nga – Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Hiện tại, chỉ số rủi ro địa chính trị (GPR index) vẫn đang cao hơn mức trung bình 20 năm qua.

Xu hướng tăng giá là điều tất yếu

Đánh giá về xu hướng giá thời gian tới, ông Phạm Quang Anh nhận định: “Trong ngắn hạn, giá các mặt hàng khó tránh khỏi những phiên điều chỉnh giảm, giằng co tích lũy sau giai đoạn giá “tăng nóng”. Giá tăng quá nhanh trong thời gian ngắn có thể hạn chế nhu cầu mua hàng trên thị trường vật chất cũng như nhu cầu đầu tư. Tuy vậy, giai đoạn giá tích lũy này sẽ là nền tảng tạo đà cho xu hướng tăng trong dài hạn, do tiêu thụ bạc và đồng sẽ bùng nổ trong tương lai, đặc biệt là ứng dụng trong tiến trình phát triển nguồn năng lượng tái tạo”.

Theo Viện Bạc, bạc là thành phần chính trong các tấm pin mặt trời và với sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành quang điện, việc sử dụng kim loại này dự kiến ​​sẽ đạt mức kỷ lục trong năm nay. Tới năm 2030, nhu cầu bạc từ các nhà sản xuất tấm pin mặt trời dự kiến sẽ tăng gần 170%, lên khoảng 273 triệu ounce. Trong khi đó, đối với đồng, nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã chỉ ra nhu cầu đồng cần thiết để sản xuất pin mặt trời dự kiến tăng lên 2,1 triệu tấn vào năm 2040, tăng từ mức 757.000 tấn hiện tại.

Cú huých cho nhóm kim loại bước vào thời kỳ ‘sốt giá’
Nhu cầu đồng và bạc trong lĩnh vực sản xuất pin mặt trời

Với nhu cầu tăng mạnh theo cấp số nhân, nguồn cung kim loại khó có thể theo kịp, do trữ lượng quặng có hạn và việc mở các mỏ khai thác mới cần rất nhiều năm để hoàn thiện. Chẳng hạn như đối với đồng, việc đưa các mỏ đồng mới vào hoạt động có thể mất từ ​​12 đến 26 năm.

Năm 2022, sản lượng đồng toàn cầu là khoảng 22 triệu tấn, trong khi nhu cầu đạt khoảng 26 triệu tấn. Trong dài hạn, các chuyên gia nhận định thị trường đồng có thể thiếu hụt tới 6 triệu tấn vào năm 2030. Dự báo từ Citi Bank cho biết nguồn cung đồng sẽ thiếu hụt 1 triệu tấn trong vòng 3 năm tới, và những yếu tố này có thể đẩy giá đồng lên tới 15.000 USD/tấn.

Ngoài ra, yếu tố vĩ mô cũng sẽ được chú ý trong thời gian tới khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ vào cuối năm nay. Sự xoay trục này sẽ khiến cho đồng USD giảm giá, khi đó, giá kim loại sẽ còn được hỗ trợ bởi chi phí đầu tư hấp dẫn hơn.

Hơn nữa, riêng đối với bạc, dư địa tăng giá của kim loại trắng này vẫn còn nhiều, do đây luôn được coi là “hầm trú ẩn an toàn” khi nền kinh tế có biến động. Trong thời gian gần đây, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn đang dần nóng lên, nổi bật là căng thẳng Mỹ – Trung và Trung Quốc – EU. Trong khi đó, bất ổn địa chính trị tại nhiều khu vực trên thế giới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lan rộng và leo thang hơn nữa.

Khánh Hòa

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục