CTCP Hóa chất Cơ bản miền Nam (CSV) đặt kế hoạch lợi nhuận giảm 47% so với năm trước

(Banker.vn) Công ty CPCK Đầu tư Tài chính Việt Nam (VISC) đánh giá hiệu quả kinh doanh của Công ty CP Hóa chất Cơ bản miền Nam (HOSE: CSV) năm 2023 sẽ kém khả quan hơn so với năm 2022, do các khách hàng thuộc ngành sản xuất công nghiệp liên quan như sản xuất thép, dệt may,… thu hẹp quy mô; giá bán các sản phẩm chính có xu hướng giảm mạnh…

Mới đây, Công ty CP Hóa chất Cơ bản miền Nam đã thông báo chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức đợt 2 năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ chi trả 10%, tương ứng với việc mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được 1.000 đồng tiền cổ tức. Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 02/06/2023. Thời gian thực hiện là ngày 26/06/2023. Với 44,2 triệu cổ phiếu đang được lưu hành trên thị trường, ước tính CSV cần phải chi ra 44,2 tỷ đồng để chi trả cổ tức cho đợt này.

Nguồn ảnh: Tạp chí Công thương
Nguồn ảnh: Tạp chí Công thương

Theo tìm hiểu, Công ty CP Hóa chất Cơ bản miền Nam tiền thân là Công ty Hóa chất Cơ bản miền Nam được thành lập năm 1976 bởi Tổng cục Hóa chất. Hoạt động kinh doanh chính của Công ty là sản xuất hóa chất trong lĩnh lực công nghiệp phục vụ nhu cầu của các ngành công nghiệp như thực phẩm, dược phẩm, xử lý nước sinh hoạt, xử lý nước thải, sản xuất giấy, dầu khí.

Hiện nay, Công ty là một trong những doanh nghiệp sản xuất hóa chất cơ bản hàng đầu tại Việt Nam. Các sản phẩm của Công ty tiêu thụ rộng khắp ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh. Với kinh nghiệm hơn 37 năm tồn tại và phát triển, Công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất tiên tiến, đảm bảo chất lượng sản phẩm và môi trường sinh thái. Cổ phiếu CSV được niêm yết và giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) từ năm 2015.

Về hoạt động kinh doanh, trong năm 2022, CSV đặt kế hoạch doanh thu thuần 1.742 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 251 tỷ đồng. Kết thúc năm 2022, CSV đạt doanh thu thuần 2.104 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 509,07 tỷ đồng, hoàn thành 120,8% kế hoạch doanh thu và 202,8% kế hoạch lợi nhuận trước thuế trong năm 2022.

Kết quả kinh doanh năm 2022 của CSV tăng trưởng mạnh nhờ Công ty nắm bắt được cơ hội, bám sát thị trường và điều chỉnh giá hàng hóa sản phẩm trong giai đoạn biến động khó lường do tác động từ các chính sách của Trung Quốc: Chính sách năng lượng, chính sách môi trường, đóng cửa biên giới, phong tỏa do dịch Covid-19 và tình hình địa chính trị bất ổn… Điều này đã làm cho giá các mặt hàng Xút, Phốt pho vàng tăng mạnh so với cùng kỳ kéo theo biên lợi nhuận gộp cải thiện nhờ Công ty tích trữ được lượng hàng tồn kho lớn trong khi giá hóa chất có xu hướng tăng. Biên lợi nhuận gộp tăng từ mức 26,13% tại thời điểm 31/12/2021 lên 31,94% 31/12/2022.

Sang năm 2023, CSV đặt kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 1.957 tỷ đồng và 270 tỷ đồng, giảm 7% và 47% so với thực hiện năm 2022. Trong quý 1/2023, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của CSV đạt 391,62 tỷ đồng và 89,11 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý 1/2023, Công ty đã hoàn thành 20% kế hoạch doanh thu và 33% kế hoạch lợi nhuận năm 2022.

Báo cáo tài chính doanh nghiệp CSV giai đoạn 2015 – 2023F
Báo cáo tài chính doanh nghiệp CSV giai đoạn 2015 – 2023F

Triển vọng:

Công ty CPCK Đầu tư Tài chính Việt Nam (VISC) đánh giá triển vọng của CSV nhờ việc tiếp tục đẩy mạnh mối quan hệ tốt với khách hàng, tăng cường tiêu thụ các sản phẩm; Sản phẩm mới là PAC bột dự kiến sẽ được đẩy mạnh công tác bán hàng trong năm 2023; Công tác duy tu, bảo dưỡng tốt đảm bảo dây chuyền hoạt động ổn định, tạo ra các sản phẩm đáp ứng yêu cầu của khách hàng về chất lượng và số lượng; Dự trữ, theo dõi mức tồn kho hợp lý, tránh tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu khi thị trường hồi phục, các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề sẽ tăng gia sản xuất.

Một số rủi ro đối với CSV:

Hiệu quả kinh doanh của Công ty năm 2023 được dự báo sẽ kém khả quan hơn so với năm 2022, do các khách hàng thuộc ngành sản xuất công nghiệp liên quan như sản xuất thép, dệt may,… thu hẹp quy mô; giá bán các sản phẩm chính có xu hướng giảm mạnh. Giá nguyên liệu sản xuất chính là muối công nghiệp, phốt pho vàng vẫn còn khá cao.

Tình hình kinh doanh sản phẩm hóa chất chủ lực như: NaOH, H2SO4, HCl,… tiếp tục chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các mặt hàng nhập khẩu, các đối thủ thương mại. Các mặt hàng này đều có mức thuế nhập khẩu rất thấp (0 – 3%).

Các chi phí đầu vào khác như: Chi phí sửa chữa lớn, khấu hao tài sản cố định, lãi vay dự kiến khá cao.

Xuất khẩu tiếp tục gặp nhiều khó khăn do gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của các mặt hàng cùng loại của Trung Quốc.

Công ty CP Chứng khoán Đầu tư Tài chính Việt Nam (VISC) tiền thân là Công ty CP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam được thành lập ngày 15/10/2007 theo giấy phép thành lập và hoạt động số 88/UBCK-GP do UBCK Nhà Nước cấp ngày 11/01/2008 với các cổ đông sáng lập có nền tảng tài chỉnh vững mạnh. Lĩnh vực kinh doanh: Môi giới chứng khoán; Tự doanh chứng khoán; Tư vấn đầu tư chứng khoán; Lưu ký chứng khoán; Bảo lãnh phát hành chứng khoán…

Ngày 01/12/2009, VICS chính thức niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với mã chứng khoán VIG.

Ngày 04/5/2023, Công ty CP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã nhận được Giấy phép điều chỉnh của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận về việc thay đổi tên Công ty với tên mới là Công ty CP Chứng khoán Đầu tư Tài chính Việt Nam (viết tắt là VISC, MCK: VIG). Đồng thời, Công ty cũng thay đổi địa chỉ website mới: visc.com.vn (địa chỉ website cũ: vics.com.vn).

Địa chỉ trụ sở chính: Tầng 1 và Tầng 8, khối B tòa nhà Sông Đà, đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.

Trải qua 15 năm hình thành và phát triển, đến nay Công ty CP Chứng khoán Đầu tư Tài chính Việt Nam đã được Tập đoàn Đầu tư Thăng Long đầu tư chiến lược, tái cấu trúc thành công và ra mắt thương hiệu mới VISC, với định hướng trở thành một định chế tài chính trung gian hàng đầu tại Việt Nam, tham gia vào lĩnh vực kinh doanh dịch vụ chứng khoán, dịch vụ tài chính và ngân hàng đầu tư.

Đ. Duy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán