Craft Link hỗ trợ bà con vùng dân tộc lưu giữ văn hoá từ thương mại hoá sản phẩm

(Banker.vn) Gần 30 năm qua, Craft Link đã giúp bảo tồn, phát triển nền văn hóa truyền thống của các nhóm dân tộc thiểu số đồng thời giúp bà con thương mại hoá sản phẩm.

Khai mạc Hội chợ hàng thủ công truyền thống Craft Link 2016 Lan tỏa mạnh mẽ “tuyệt kỹ” của đồng bào dân tộc thiểu số Mông trắng

Bà Trần Tuyết Lan - Giám đốc Công ty Cổ phần Doanh nghiệp Xã hội Craft Link chia sẻ với phóng viên về vấn đề này.

Thưa bà, thời gian qua, Craft Link đã không chỉ hỗ trợ bà con miền núi, vùng dân tộc chinh phục được người tiêu dùng trong nước mà các sản phẩm Craft Link hỗ trợ còn vươn ra toàn cầu. Bà có thể chia sẻ những điểm nổi bật và kết quả của quá trình đưa những giá trị văn hóa vào sản phẩm của đồng bào vùng dân tộc của Craft Link?

Craft Link hỗ trợ bà con vùng dân tộc lưu giữ văn hoá từ thương mại hoá sản phẩm
Bà Trần Tuyết Lan - Giám đốc Công ty Cổ phần Doanh nghiệp Xã hội Craft Link

Craft Link được thành lập từ năm 1996 và trong 27 năm qua, nhiệm vụ xuyên suốt của chúng tôi là hỗ trợ cho các nhóm dân tộc thiểu số, các nhóm khuyết tật và một số nhóm ngành truyền thống trong việc duy trì nền văn hóa truyền thống và tăng thêm thu nhập cho cộng đồng thông qua các hoạt động hỗ trợ phát triển hàng thủ công mỹ nghệ.

Trong những năm qua, Craft Link đã tiến hành nhiều dự án ở khắp mọi miền của đất nước với rất nhiều nhóm dân tộc thiểu số để tập huấn và hỗ trợ cho họ tăng thêm nội lực, để họ sử dụng chính những kĩ năng làm hàng thủ công truyền thống và những đặc trưng văn hoá truyền thống đưa vào các sản phẩm mới. Từ đó có thể giới thiệu, quảng bá ra thị trường, tăng thêm thu nhập.

Khi thu nhập tăng cao thì đồng bào sẽ vui, sẽ quay lại làm nhiều hơn nữa các sản phẩm thủ công truyền thống, nhờ vậy nền văn hoá và bản sắc văn hoá được gìn giữ, phục hồi và phát huy, lưu giữ cho thế hệ mai sau.

Trong số các dự án mà Craft Link tiến hành suốt những năm qua để hỗ trợ các nhóm dân tộc thiểu số, chúng tôi triển khai nhiều đợt tập huấn, mỗi dự án kéo dài trong hai năm. Trong hai năm đó, chúng tôi tổ chức tập huấn cho các nhóm dân tộc thiểu số về các kỹ năng cơ bản mà họ cần phải biết.

Thứ nhất là kỹ năng quản lý nhóm. Điều này rất quan trọng, bởi sau này khi dự án kết thúc thì họ cần phải tự quản lý nhóm họ, phát triển một cách bền vững về sau.

Thứ hai là kỹ năng thiết kế, phát triển sản phẩm và hoàn thiện sản phẩm. Bởi đồng bào dân tộc thiểu số chỉ có kỹ năng truyền thống như thêu dệt, mây tre đan... nhưng để đưa các kĩ năng đó vào các sản phẩm sao cho nhuần nhuyễn, làm sao để hỗ trợ họ khai thác được các giá trị văn hóa truyền thống, đưa chính những giá trị văn hóa truyền thống vào sản phẩm thì họ cần phải có sự hỗ trợ của những tổ chức giống như Craft Link.

Thông qua quá trình làm việc trong vòng hai năm qua, các nhóm cũng lĩnh hội được nhiều kiến thức mới, đồng thời củng cố lại được tất cả các kỹ năng nghề truyền thống của họ, qua đó gìn giữ được nền văn hóa truyền thống và bản sắc văn hóa ẩn chứa trong các sản phẩm.

Những năm đầu thành lập, một trong những dự án mà chúng tôi tiến hành là dự án hỗ trợ nhóm người Mông ở Kỳ Sơn, Nghệ An. Dự án đó chúng tôi rất nhớ, bởi trong dự án đó Craft Link đã kết hợp với UNDCP (Chương trình Kiểm soát ma tuý của Liên Hợp Quốc) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tiến hành xóa bỏ cây thuốc phiện ở vùng đó, đồng thời thay thế thu nhập từ thuốc phiện trước kia bằng thu nhập từ sản xuất và tiêu thụ hàng thủ công truyền thống.

Sau hai năm, dự án kết thúc, chúng tôi có tiến hành một khảo sát về tác động của dự án đến người dân như thế nào, người dân cảm thấy ra sao và có đánh giá như thế nào về hiệu quả dự án mang lại.

Hầu hết các chị em tham gia trong dự án đều trả lời rằng họ rất vui bởi vì thứ nhất là tự kiếm được thêm thu nhập. Phụ nữ Mông trước kia hầu như không tự kiếm được thu nhập bằng tiền, nhưng giờ đã có thể bán sản phẩm, có tiền. Thứ hai là những người phụ nữ Mông thấy rằng kỹ năng truyền thống của họ được phục hồi và hàng ngày họ vừa có thể làm vừa có thể chăm sóc được con cái.

Cùng với những hoạt động hỗ trợ bà con trong sản xuất sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa, tạo giá trị thương hiệu và nhận diện cho thị trường, Craft Link còn tổ chức các sự kiện văn hóa, hội chợ xúc tiến thương mại để giới thiệu sản phẩm của bà con. Craft Link đã thực hiện quảng bá, tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thông qua các hoạt động văn hóa, trải nghiệm văn hóa dân tộc như thế nào?

Trong quá trình tiến hành các hoạt động hỗ trợ cho các nhóm, chúng tôi cũng phải tùy thuộc vào từng nhóm một. Mỗi nhóm dân tộc thiểu số lại có bản sắc văn hóa truyền thống khác nhau. Họ có ngôn ngữ khác nhau và cách thể hiện nền văn hóa của họ cũng khác và khi tham gia vào dự án thì cách mà các nhóm tiếp nhận các đợt tập huấn của Craft Link cũng khác nhau hoàn toàn.

Craft Link hỗ trợ bà con vùng dân tộc lưu giữ văn hoá từ thương mại hoá sản phẩm
Các dự án vì cộng đồng của Craft Link không chỉ giúp bà con vùng đồng bào DTTS gìn giữ nghề truyền thống, mà còn được học thêm nhiều kỹ năng về quản lý nhóm, kinh doanh (Ảnh: Craft Link)

Vì vậy, với mỗi nhóm, chúng tôi lại có một kế hoạch riêng để làm thế nào cùng nhau hỗ trợ phát triển một cách tốt nhất. Nhưng nhìn chung, chúng tôi cũng có những hoạt động chung, có thể phổ cập với tất cả các dự án mà chúng tôi hỗ trợ.

Cụ thể, ngoài việc hỗ trợ về marketing thông qua hệ thống bán lẻ, bán sỉ và xuất khẩu của Craft Link, hằng năm chúng tôi tiến hành nhiều các hoạt động khác để hỗ trợ cho nhóm giới thiệu được truyền thống văn hóa của nhóm mình. Đồng thời, quảng bá đến công chúng các kĩ năng truyền thống đi kèm với nền văn hóa của họ.

Ngoài ra, mỗi năm chúng tôi cũng tổ chức hội chợ hàng thủ công truyền thống và mời các nhóm tham gia, để nhóm cũng có thể trực tiếp giao lưu với công chúng và khách hàng. Thông qua quá trình đó, họ không chỉ giới thiệu được nền văn hóa truyền thống của chính họ mà họ còn học hỏi từ khách hàng và công chúng về nhu cầu của thị trường và xu hướng của thị trường như thế nào.

Trong năm nay, chúng tôi tổ chức một chuỗi các hoạt động trình diễn nghề truyền thống. Mỗi tháng chúng tôi mời đại diện một nhóm dân tộc thiểu số ra Hà Nội để trình diễn nghệ thuật truyền thống của mình cho công chúng được biết. Công chúng được mời đến tham gia miễn phí, trải nghiệm các hoạt động này và cùng giao lưu, chia sẻ thông tin với đại diện của các nhóm dân tộc thiểu số. Hoạt động này cũng giúp các nhóm dân tộc thiểu số trong việc giao lưu với cả khách hàng và công chúng.

Khi kết thúc các dự án, chúng tôi cũng hỗ trợ cho nhóm để tổ chức một cuộc triển lãm lớn để giới thiệu về nền văn hóa truyền thống của chính họ và trưng bày tất cả các sản phẩm truyền thống của họ từ xưa đến giờ cũng như những sản phẩm mà bây giờ mới được phát triển lên.

Từ các câu chuyện kèm theo những sản phẩm đó, công chúng có thể thấy được văn hóa thay đổi như thế nào qua các thế hệ. Bởi vì văn hóa không phải là một thứ đứng mãi ở một chỗ, mà nó sẽ thay đổi. Thông qua các hoạt động có thể tuyên truyền được như vậy thì công chúng cũng hiểu được sâu hơn về nền văn hóa của các nhóm dân tộc, đồng thời hiểu được kỹ hơn và đánh giá cao hơn những kỹ năng truyền thống của bà con trong việc phát triển hàng thủ công. Cuối cùng, người sản xuất và các nhóm sẽ hưởng lợi là công chúng sẽ hỗ trợ và tiêu thụ sản phẩm đó nhiều hơn.

Từ thực tế triển khai của đơn vị, theo bà, đâu là điểm khó vượt qua nhất trong hành trình khai thác giá trị văn hóa dân tộc để phát triển sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số?

Cái mà chúng tôi khó nhất là khi mà khai thác khía cạnh văn hóa của truyền thống, của các nhóm dân tộc thiểu số và đưa vào sản phẩm là làm thế nào để có sự nhuần nhuyễn giữa giá trị văn hóa truyền thống và các sản phẩm mới. Để có sự nhuần nhuyễn đấy là một cả một quá trình học hỏi của các bạn thiết kế, các bạn cán bộ dự án, team thực hiện dự án đó và chính cả nhóm sản xuất nữa.

Trước khi tiến hành bất kỳ một dự án nào, chúng tôi thường mời cán bộ dân tộc học đi cùng với Craft Link đến các vùng mà chúng tôi định tiến hành các dự án để điều tra, để học hỏi. Khi mà đến chúng tôi ở với cả người dân và thu thập các thông tin về truyền thống văn hóa của họ thể hiện qua các trang phục truyền thống của họ, các kỹ năng làm hàng thủ công truyền thống của họ, các loại nguyên liệu mà họ đang sử dụng từ xưa đến nay và các nguyên liệu hiện có tại thị trường như thế nào, các nhóm đã có những sản phẩm đưa ra để tiêu thụ hay chưa? Hay là chỉ sự trao đổi hàng hóa với hàng hóa thôi?

Thông qua quá trình, sẽ có hai cho đến ba chuyến nghiên cứu trước đó cùng với cán bộ dân tộc học. Sau đó về chúng tôi mới bàn nhau và cùng với đại diện của nhóm dân tộc thiểu số để lập ra kế hoạch mà chúng tôi nghĩ là phù hợp nhất với chính nhóm đó và phù hợp với cả truyền thống văn hóa của nhóm đó.

Sau đó mới đến quá trình bắt đầu tiến hành dự án và tiến hành tập huấn cho các nhóm. Lúc đó lại là một quy trình làm sao chắt lọc những khía cạnh văn hóa nào và cụ thể là những chi tiết, họa tiết, hoa văn nào trên trang phục truyền thống của họ hoặc là trên các họa tiết trang trí trong những đồ dùng mà họ dùng hàng ngày. Lấy kỹ năng nào và lấy những họa tiết nào để là đặc trưng của chính nhóm đó để đưa vào sản phẩm mới.

Sản phẩm mới phải có tính công năng sử dụng và phù hợp với nhu cầu của thị trường. Như thế thì sản phẩm mới đứng vững.

Nhiệm vụ của những tổ chức như Craft Link và công chúng là làm thế nào để lan tỏa các giá trị văn hóa, để tất cả mọi người đều được biết. Thông qua đó sẽ quay lại hỗ trợ được nhiều hơn cho nhóm dân tộc thiểu số đó và lưu giữ được giá trị văn hóa đấy lâu hơn cho các thế hệ mai sau.

Thời gian tới, Craft Link có kế hoạch gì để khai thác những giá trị văn hóa dân tộc trong phát triển và tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc?

Từ năm ngoái đến nay, chúng tôi đang hỗ trợ các nhóm gây dựng lại và mạnh mẽ hơn. Trong những năm tiếp theo, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ các nhóm mới nữa trong việc duy trì truyền thống văn hóa của chính họ và lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống cho thế hệ mai sau.

Trong năm tiếp theo chúng tôi cũng sẽ tiến hành các dự án hỗ trợ nhóm Tày và hai nhóm Thái ở Kỳ Sơn - Nghệ An, một nhóm Thái ở Mai Châu - Hòa Bình.

Trong năm tới, 4 dự án đó chúng tôi vẫn tiếp tục. Ngoài ra vẫn tiến hành thêm các hoạt động trình diễn nghề. Chúng tôi thấy là công chúng đón nhận rất hoan nghênh. Công chúng rất thích những hoạt động trình diễn nghề bởi vì họ đến họ trải nghiệm và họ học hỏi từ nhóm dân tộc thiểu số rất nhiều. Các nhóm cũng thích tham gia các hoạt động bởi vì họ thấy là nền văn hóa của họ, kỹ năng của họ được công chúng trân trọng.

Thông qua quá trình đó thì chính nội lực của họ cũng được được nâng lên. Bởi vì họ thêu hay là dệt, họ cảm thấy là công việc bình thường, họ làm từ bao nhiêu năm nay, từ các thế hệ trước truyền lại cho họ. Nhưng khi thấy công chúng trân trọng các giá trị truyền thống đấy thì họ cảm thấy tự hào hơn về nền văn hóa của chính bản thân họ và quay lại yêu hơn nền văn hóa của chính mình và càng mong muốn lưu giữ nền văn hóa đó thông qua việc lưu giữ các kỹ năng làm hàng thủ công truyền thống.

Xin cảm ơn bà!

Phương Lan (ghi)

Theo: Báo Công Thương