Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2021 của Tổng cục Thống kê ngày 29/8, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 8/2021 tăng 0,25% so với tháng trước và tăng 2,51% so với tháng 12/2020. Nếu so với tháng 8/2020, CPI tháng 8 tăng 2,82%.
Nguyên nhân chính đẩy CPI tháng 8 tăng là do giá lương thực, thực phẩm tăng tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16. Cụ thể: Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 4 nhóm tăng giá so với tháng trước và 4 nhóm giảm giá. Có 3 nhóm giữ giá ổn định (gồm nhà ở và vật liệu xây dựng; thiết bị và đồ dùng gia đình; hàng hóa và dịch vụ khác).
Trong 4 nhóm hàng tăng giá thì nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 8/2021 có mức tăng so với tháng trước cao nhất, với 0,74% (đẩy CPI chung tăng 0,25 điểm %), do việc vận chuyển và phân phối hàng hóa thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt hơn nhằm đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch COVID-19.
Trong khi đó, nhu cầu tích trữ lương thực, thực phẩm tăng cao tại các khu vực thực hiện giãn cách xã hội. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,22% so với tháng trước, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát khi thời tiết nắng nóng tăng cao, ngoài ra giá thuốc lá tăng do nguồn cung giảm. Nhóm giáo dục tăng 0,04% do giá văn phòng phẩm tăng 0,34%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%, trong đó giá thuốc các loại tăng 0,08%.
Giá tiêu dùng tháng 8/2021 so với tháng trước của một số nhóm hàng chính như sau: Thực phẩm tăng giá mạnh nhất là trứng, tăng hơn 10% so với tháng trước, vì nhu cầu tiêu dùng tăng, cùng thời điểm doanh nghiệp đang thu mua trứng để chế biến trứng muối cho mùa Trung thu. Giá rau cũng tăng hơn 5% do việc vận chuyển hàng hóa khó khăn, nguồn rau về chợ bán lẻ giảm. Giá tăng cao nhất ở rau dạng củ quả với 9,44%; rau bắp cải tăng 8,78%; khoai tây tăng 6,88%; rau muống tăng 5,64%; rau gia vị tươi hoặc khô tăng 4,25%; rau tươi khác tăng 4,08%…
Cũng do chi phí vận chuyển, bảo quản và nhu cầu tiêu dùng, tích trữ tăng, giá thủy sản tươi sống tăng 2,24% so với tháng trước. Giá cá, tôm (tươi, ướp lệnh) đều tăng trên 2%. Giá thịt gia cầm cũng tăng 0,66% so với tháng trước. Tuy nhiên, riêng giá thịt lợn giảm 1,81% so với tháng trước (làm CPI chung giảm 0,06 đpt) do dịch tả lợn châu Phi ở các địa phương được kiểm soát tốt, nguồn cung thịt lợn tăng.
Tính chung 8 tháng năm 2021, CPI chỉ tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Một nguyên nhân làm tăng CPI trong 8 tháng năm 2021 là giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 14 đợt làm cho giá xăng A95 tăng 4.660 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 4.380 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 3.290 đồng/lít. So với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu trong nước bình quân 8 tháng năm nay tăng 22,86%, làm CPI chung tăng 0,82 điểm %.
Cùng với đó, giá dịch vụ giáo dục 8 tháng tăng 4,44% so với cùng kỳ năm trước làm CPI chung tăng 0,24 điểm %. Giá dịch vụ giáo dục tăng do ảnh hưởng từ đợt tăng học phí năm học mới 2020-2021 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ.
Một số nguyên nhân làm giảm CPI 8 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước gồm: giá các mặt hàng thực phẩm 8 tháng giảm 0,38% so với cùng kỳ năm trước; giá vé tàu hỏa 8 tháng giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước; giá vé máy bay giảm 19,85%; giá du lịch trọn gói giảm 2,76% do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến người dân hạn chế đi lại.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản tháng 8/2021 giảm 0,02% so với tháng trước và tăng 0,98% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2020 và thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,79%).
Theo Tổng cục Thống kê, điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu, điện và giá gas tăng. Mức lạm phát cơ bản tháng 8/2021 và 8 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất kể từ năm 2011.
Thanh Hải
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|