Coteccons (CTD) báo lãi cao nhất 2 năm trước "lùm xùm" nợ nần với Ricons

(Banker.vn) Công ty CP Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2023 với mức lợi nhuận sau thuế cao nhất 8 quý gần đây.
Coteccons (CTD) báo lãi cao nhất 2 năm trước
Nửa đầu năm 2023, Coteccons đã vượt chỉ tiêu lợi nhuận

Kết thúc quý II/2023, doanh thu thuần của Coteccons đạt gần 3.619 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nguồn thu chủ yếu đến từ các hợp đồng xây dựng, ghi nhận 3.613 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tăng tới 15%, mạnh hơn mức tăng doanh thu, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp tụt dốc 53%, xuống còn 101 tỷ đồng.

Về hoạt động tài chính, doanh thu trong kỳ đạt hơn 94 tỷ đồng, giảm 38% so với quý II/2022, phần lớn giảm là do lãi từ cho vay và đầu tư trái phiếu giảm. Chi phí tài chính giảm đáng kể, ở mức 26%, về còn 35 tỷ đồng, chủ yếu là do dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh giảm mạnh.

Cùng với đó, phần lỗ trong công ty liên kết giảm gần 6 lần so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong giải trình biến động lợi nhuận kinh doanh quý II/2023, Coteccons cho biết, yếu tố chính giúp lợi nhuận sau cùng của doanh nghiệp đảo chiều là do ảnh hưởng của việc tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp. Cụ thể, chi phí quản lý doanh nghiệp quý II/2023 ghi nhận ở mức 120 tỷ đồng, giảm gần 67% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do dự phòng nợ phải thu khó đòi giảm 76% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, Tập đoàn đang thực hiện tái cấu trúc cũng góp phần tối ưu hoá chi phí quản lý trong kỳ.

Theo đó, lợi nhuận sau thuế của Coteccons đạt hơn 30 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước âm 24 tỷ đồng. Đáng chú ý, đây cũng là quý có lãi cao nhất kể từ quý 3/2021.

Coteccons (CTD) báo lãi cao nhất 2 năm trước
Lợi nhuận quý II/2023 của Coteccons cao nhất 8 quý gần đây

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Coteccons ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 6.749 tỷ đồng, tăng 30% so cùng kỳ. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế đạt 52 tỷ đồng, gấp gần 10 lần cùng kỳ.

Năm 2023, Coteccons đã thay đổi niên độ tài chính thành niên độ từ 1/7 tới 30/6 năm sau. Theo đó, niên độ mới đầu tiên sau khi thay đổi là từ 1/1 - 30/6/2023. Trong niên độ này, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu đạt 7.644 tỷ đồng, tăng 144% so với cùng kỳ (6 tháng đầu năm 2022) và lợi nhuận sau thuế đạt 44 tỷ đồng, tăng trưởng 880%.

Như vậy, kết thúc nửa đầu năm, Coteccons đã thực hiện được 88% chỉ tiêu doanh thu và vượt chỉ tiêu lợi nhuận.

Tính đến thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản Coteccons đã tăng 13% so với đầu năm, lên mức 21.375 tỷ đồng, tăng 13% so đầu năm. Trong đó, lượng tiền và các khoản tương đương tiền ghi nhận ở mức 1.883 tỷ đồng, tăng tới 77% so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng đột biến này chủ yếu đến từ tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng, khi chỉ tiêu này đã tăng gấp gần 3 lần, lên mức 1.251 tỷ đồng.

Trong kỳ, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của Coteccons tăng 23%, lên mức 2.180 tỷ đồng. Các khoản đầu tư này được phân bổ vào chứng khoán, gửi ngân hàng và trái phiếu. Trong đó, các hạng mục ghi nhận biến động tích cực nhất là cổ phiếu FPT và tiền gửi ngân hàng, với mức tăng trưởng lần lượt là 10% và 82%.

Về các khoản đầu tư tài chính dài hạn, chỉ tiêu này giảm nhẹ 2%, xuống còn 304 tỷ đồng. Trong đó, tổng mức đầu tư vào các công ty liên kết là Công ty CP Đầu tư Hạ tầng FCC, Công ty CP Đầu tư Hiteccons, Công ty CP Thương mại Quảng Trọng rất nhỏ so, chỉ ghi nhận ở mức hơn 2 tỷ đồng. Phần lớn khoản đầu tư tài chính dài hạn của Coteccons được rót vào Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons – đơn vị vừa “đệ đơn” yêu cầu Coteccons mở thủ tục phá sản. Theo thuyết minh, Coteccons đang đầu tư vào Ricons gần 302 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu 14,3%.

Bảng cân đối kế toán hợp nhất quý II/2023 của Coteccons ghi nhận, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp đã tăng 22% so với đầu năm, lên mức hơn 13.103 tỷ đồng. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng 27%, lên mức 697 tỷ đồng; vay và nợ thuê tài chính dài hạn giảm nhẹ 5%, còn 498 tỷ đồng.

Coteccons (CTD) báo lãi cao nhất 2 năm trước
Báo cáo tài chính của Coteccons chỉ ghi nhận khoản đầu tư vào Ricons mà không thể hiện khoản nợ trong lùm xùm gần đây

Đáng nói, khoản nợ đối với Ricons – nguyên nhân của những lùm xùm giữa hai công ty thời gian gần đây không được thể hiện trong báo cáo tài chính kỳ này của Coteccons. Trước đó, trong báo cáo tài chính quý I năm nay, tại ngày 31/3/2023, Coteccons vẫn ghi nhận khoản nợ 322,5 tỷ đồng với Ricons.

Ở chiều ngược lại, về phía Ricons, báo cáo tài chính quý II/2023 của doanh nghiệp này vẫn ghi nhận khoản phải thu từ Coteccons là 322,5 tỷ đồng.

Coteccons (CTD) báo lãi cao nhất 2 năm trước
Phía Ricons vẫn ghi nhận Coteccons nợ 322,5 tỷ đồng

Những bất đồng của Coteccons và Ricons về khoản nợ này nổi lên trong bối cảnh đang là giai đoạn cuối chấm điểm các nhà thầu trong vụ đấu thầu thi công gói thầu 35.000 tỷ đồng tại sân bay Long Thành. Trong đó, Coteccons đứng đầu Liên danh số 2 - Hoa Lư còn Ricons là một thành viên trong nhóm Liên danh số 3 - Vietur.

Về tình hình kinh doanh của Ricons, quý II/2023, doanh thu thuần của doanh nghiệp này đạt hơn 2.102 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 52 tỷ đồng, tăng 90% so cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Ricons đạt 3.821 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 20% nhưng lợi nhuận ròng đạt hơn 68 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ. Mặc dù doanh thu thấp hơn nhưng lợi nhuận Ricons lại nhỉnh hơn Coteccons.

Hà Lê

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán