Copenhagen Infrastructure Partners khánh thành dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên của tập đoàn tại Châu Á Thái Bình Dương

(Banker.vn) CIP vừa tổ chức lễ khánh thành hai dự án điện gió ngoài khơi Changfang & Xidao, trang trại gió ngoài khơi đầu tiên của CIP trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
CIP: Tham vọng giảm phát thải và chuyển dịch năng lượng xanh Tập đoàn Đan Mạch CIP khẳng định cam kết đầu tư vào Việt Nam

Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) vừa tổ chức lễ khánh thành hai dự án điện gió ngoài khơi Changfang & Xidao, trang trại gió ngoài khơi đầu tiên của CIP trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Tập đoàn có kế hoạch đầu tư và phát triển 21 GW điện gió ngoài khơi trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương và đang tiên phong xây dựng các dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam, Hàn Quốc và Australia.

Copenhagen Infrastructure Partners khánh thành dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên của tập đoàn tại Châu Á Thái Bình Dương
Lễ khánh thành Dự án điện gió ngoài khơi Changfang & Xidao tại Đài Loan (Trung Quốc)

Dự án Changfang & Xidao nằm cách bờ biển phía tây Đài Loan (Trung Quốc) 11 km. Với tổng công suất gần 600 MW, hai dự án này đã đóng góp thêm khoảng 25% vào tổng công suất điện gió ngoài khơi của Đài Loan (Trung Quốc), góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng cũng như hiện thực hóa mục tiêu đầy tham vọng về giảm phát thải ròng bằng 0 của Đài Loan (Trung Quốc). Khi hoạt động hết công suất, Changfang & Xidao sẽ cung cấp đủ năng lượng cho khoảng 650.000 hộ gia đình Đài Loan (Trung Quốc) và dự kiến sẽ giúp giảm 1,1 triệu tấn CO2 ​​hàng năm.

Bên cạnh đó, Changfang & Xidao là dự án có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất trong lịch sử ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi của Đài Loan (Trung Quốc) . Dự án gồm 62 tua-bin Vestas V174 và móng jacket do Công ty Century Wind Power của Đài Loan (Trung Quốc) cung cấp. Trong mảng kỹ thuật hàng hải, Công ty Boskalis HwaChi Offshore Wind Taiwan chịu trách nhiệm vận chuyển và lắp đặt móng jacket, Công ty CSBC-DEME Wind Engineering (CDWE) đảm nhận việc vận chuyển và lắp đặt tua-bin ngoài khơi. Trong quá trình xây dựng, nhóm phát triển dự án đã chuyển giao thành công kinh nghiệm và công nghệ quốc tế cho Đài Loan (Trung Quốc) và thúc đẩy sự trưởng thành của chuỗi cung ứng trong nước.

Copenhagen Infrastructure Partners khánh thành dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên của tập đoàn tại Châu Á Thái Bình Dương
Quá trình xây dựng dự án điện gió ngoài khơi Changfang & Xidao

Bà Christina Grumstrup Sørensen - Thành viên Hội đồng sáng lập và HĐQT Tập đoàn CIP, cho biết: “Trong 7 năm qua, đội ngũ phát triển và xây dựng dự án, các nhà cung cấp, các đối tác và cổ đông đã chứng minh sức mạnh của sự hợp tác. Cùng nhau, chúng tôi đã xây dựng thành công một dự án góp phần quan trọng vào quá trình chuyển đổi năng lượng, trong việc thiết lập chuỗi cung ứng trong nước cho ngành điện gió ngoài khơi, đồng thời hỗ trợ mục tiêu dài hạn của Đài Loan (Trung Quốc) trong việc phát triển điện gió ngoài khơi”.​​​​​​​

CIP là nhà đầu tư chính của Dự án Changfang & Xidao, cùng với Công ty Global Power Synergy Public Company (GPSC) có trụ sở tại Thái Lan và hai công ty của Đài Loan (Trung Quốc) là Taiwan Life và Transglobe Life. Dự án được phát triển và xây dựng bởi đội ngũ nhân sự giàu kinh nghiệm của Công ty Copenhagen Offshore Partners (COP) - đối tác phát triển dự án điện gió ngoài khơi độc quyền của CIP.

Copenhagen Infrastructure Partners khánh thành dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên của tập đoàn tại Châu Á Thái Bình Dương
Quá trình xây dựng dự án điện gió ngoài khơi Changfang & Xidao

CIP và các đối tác hiện sở hữu ba dự án điện gió ngoài khơi tại Đài Loan (Trung Quốc) với tổng công suất khoảng 1,4 GW bao gồm: Changfang & Xidao (600MW), Zhongneng (300MW) và Fengmiao (500MW). Trong đó, dự án Zhongneng đang được xây dựng và dự kiến sẽ đi vào ​​vận hành thương mại vào năm 2025, dự án Fengmiao đặt mục tiêu đạt được quyết định đầu tư vào cuối năm 2024 và vận hành thương mại vào năm 2027.

Tại Việt Nam, Tập đoàn CIP đang phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn với tổng công suất 3,5 GW tại tỉnh Bình Thuận, đặt mục tiêu trở thành dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam. Dựa trên nghiên cứu của tập đoàn, tỷ lệ nội địa hóa tại một trang trại gió ngoài khơi của Việt Nam có thể lên đến trên 40%. Ví dụ, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 10,5 tỷ USD cho trang trại điện gió ngoài khơi La Gàn, 4,4 tỷ USD sẽ được chi tiêu cho các hạng mục được thực hiện tại Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực: Phát triển và quản lý dự án, cung cấp phần móng, trạm biến áp trên bờ và ngoài khơi, cảng xây dựng, vận hành và dịch vụ bảo trì.

Bùi Huyền

Theo: Báo Công Thương