Công ty than Thanh Hóa tập kết, chế biến và kinh doanh than gây ô nhiễm môi trường

(Banker.vn) Công ty kinh doanh than Thanh Hóa cần nhanh chóng khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình tập kết, chế biến và kinh doanh than tại TP. Thanh Hóa
Thanh Hóa có hơn 800 cơ sở gây ô nhiễm, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường Thanh Hóa: Đề xuất dừng hoạt động trang trại lợn của Công ty Agri - Vina

Người dân bức xúc vì Công ty than Thanh Hóa gây ô nhiễm môi trường

Theo phản ánh của nhiều hộ dân sống tại tại phố 3 và phố 4, phường Quảng Hưng (TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), hoạt động tập kết, sản xuất than tại khu vực xung quanh trạm tập kết của Công ty kinh doanh than Thanh Hóa luôn khiến bụi than bám vào nhà cửa, đồ vật, đường giao thông, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của người dân.

Qua quan sát, đoạn đường khu dân cư này được đổ bê tông nhưng luôn bị phủ một lớp bụi than đen sì, các xe tải vận chuyển than từ đây đi phân phối cho các cơ sở, nhà máy diễn ra thường xuyên trong ngày. Việc xe tải trọng lớn lưu thông liên tục cũng khiến con đường này càng thêm xuống cấp, bụi bẩn.

"Trạm kinh doanh than Lễ Môn hoạt động nhiều năm nay gây ô nhiễm môi trường, bụi bẩn ngày càng nghiêm trọng. Người dân nhiều lần phản ánh với các cơ quan chức năng nhưng không được giải quyết triệt để. Ở đây nhà nào cũng đóng cửa suốt ngày vì bụi từ bãi than bay vào, bụi đường từ việc xe chở than ra vào khu dân cư, cuộc sống của người dân ngột ngạt quá rồi", bà P.T.S.; 73 tuổi, trú tại phố 3, phường Quảng Hưng chia sẻ...

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Công Thương, vào ngày 28/12/2023, Công ty kinh doanh than Thanh Hóa (Công ty than Thanh Hóa) đã có hợp đồng số 02/2024/HĐTK/TTH-TBLS với Hợp tác xã thương binh Lam Sơn với nội dung chính là thuê lại 12.788m2 đất (tại phường Quảng Hưng, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) của Hợp tác xã thương binh Lam Sơn.

Công ty than Thanh Hóa tập kết, chế biến và kinh doanh than gây ô nhiễm môi trường
Cửa hàng kinh doanh than Phú Sơn của Công ty kinh doanh than Thanh Hóa tại phường Quảng Hưng, TP. Thanh Hóa. (Ảnh: Quốc Huy)

Cụ thể, Công ty than Thanh Hóa đã chia phần đất thuê thành 2 khu vực, khu vực 1 có diện tích 7.400m2, được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án mở rộng kho tàng, bến bãi bốc dỡ hàng hóa – Bến thủy nội địa tại phường Quảng Hưng tại quyết định số 373/QĐ-UBND ngày 24/1/2019 cho Hợp tác xã thương binh Lam Sơn.

Khu vực 2 có diện tích 5.388m2 được UBND TP. Thanh Hóa cấp Giấy xác nhận đăng ký môi trường tại văn bản 1256/UBND-TNMT cho Dự án đầu tư xây dựng kho hàng, bãi chứa tại phường Quảng Hưng của Hợp tác xã thương binh Lam Sơn.

Khu đất của Hợp tác xã thương binh Lam Sơn cho thuê nói trên, được hình thành trên cơ sở hoạt động bến thủy nội địa thương binh Lam Sơn của Hợp tác xã thương binh Lam Sơn tại phường Quảng Hưng, được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận mở rộng từ năm 2018.

Tuy nhiên, từ khi Công ty than Thanh Hóa thuê đất, tiến hành hoạt động tập kết, chế biến tại đây đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ dân thuộc phố 3 và phố 4, phường Quảng Hưng, TP. Thanh Hóa.

Công ty than Thanh Hóa tập kết, chế biến và kinh doanh than gây ô nhiễm môi trường
Tình trạng ô nhiễm môi trường xung quanh khu đất tập kết, chế biến và kinh doanh than của Công ty than Thanh Hóa. (Ảnh: Quốc Huy)

Đoàn kiểm tra chưa làm hết trách nhiệm?

Sau khi nhận được nhiều phản ánh, ngày 7/6/2024, UBND TP. Thanh Hóa đã chỉ đạo phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Công an thành phố, Đội kiểm tra quy tắc đô thị thành phố và UBND phường Quảng Hưng kiểm tra thực tế tình hình hoạt động của Công ty than Thanh Hóa.

Theo hiện trạng tại buổi kiểm tra, Công ty than Thanh Hóa đang tập kết, chế biến và kinh doanh than. Đồng thời khẳng định, thông tin phản ánh hoạt động của công ty gây ảnh hưởng đến đời sống người dân phố 3, phố 4 là có cơ sở.

Kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, trong quá trình hoạt động, Công ty than Thanh Hóa đã thực hiện một số biện pháp để quản lý và giảm thiểu ô nhiễm đến môi trường xung quanh. Cụ thể như đã xây dựng bể tự hoại để thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt; nước mưa chảy tràn được thu gom bằng hệ thống rãnh và bể lắng. Chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và hợp đồng với đơn vị chức năng để vận chuyển, xử lý; bố trí khu vực lưu chứa chất thải rắn nguy hại.

Công ty cũng đã trang bị bạt che chắn, trồng cây phi lao, lắp đặt hệ thống phun sương quanh khu vực sản xuất, thuê nhân công quét dọn và phun nước tuyến đường Chương Dương... để giảm thiểu bụi than phát tán ra môi trường xung quanh.

Công ty than Thanh Hóa tập kết, chế biến và kinh doanh than gây ô nhiễm môi trường
Công ty than Thanh Hóa cần có biện pháp khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động. (Ảnh: Quốc Huy)

Tuy nhiên, bạt che chắn của công ty ở một số vị trí đã bị hỏng, rách; mật độ cây trồng ít, nhỏ và một số cây đã chết; hệ thống phun sương hoạt động chưa thường xuyên nên hiệu quả không cao; hệ thống rửa lốp bánh xe ra vào bãi đã hỏng; phía trước công ty có một đoạn đường chưa được bê tông hóa nên trời mưa xuống bị ứ đọng nước, lầy lội gây mất vệ sinh.

Để khắc phục và hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến môi trường xung quanh từ hoạt động của Công ty than Thanh Hóa, đoàn kiểm tra đã yêu cầu Công ty than Thanh Hóa thực hiện nghiêm túc các nội dung: Trồng bổ sung hệ thống cây xanh cách ly phía tường rào, thay thế các bạt chắn đã hư hỏng và đầu tư thêm hệ thống lưới chắn, nâng cấp và vận hành thường xuyên hệ thống phun sương để đáp ứng công suất hoạt động của công ty, sửa chữa hệ thống bể nước để thực hiện việc rửa lốp bánh xe trước khi ra khỏi bến bãi; bố trí lao động tăng cường công tác vệ sinh công nghiệp, thường xuyên quét và phun nước đường Chương Dương, tăng tần suất phun nước rửa đường và các ngày khô hanh, giông gió.

Phối hợp với Hợp tác xã thương binh Lam Sơn rà soát và thực hiện nghiêm túc các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động theo nội dung đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền cấp.

Công ty than Thanh Hóa tập kết, chế biến và kinh doanh than gây ô nhiễm môi trường
Cơ quan chức năng cần làm rõ hoạt động chế biến than tại khu đất thuê lại của Hợp tác xã thương binh Lam Sơn có đầy đủ hồ sơ, thủ tục hay không? (Ảnh: Quốc Huy)

Đoàn kiểm tra cũng đề nghị Hợp tác xã thương binh Lam Sơn lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường cho 2 cơ sở, trình cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng Hưng cho biết: Hiện tại thì công ty đã mua bạt, khắc phục các vị trí đã hỏng, rách; thường xuyên vệ sinh vệ sinh, rửa xe, tăng cường quét dọn, tưới nước nhưng chưa thực hiện việc trồng cây.

Như vậy, việc Công ty than Thanh Hóa tập kết, chế biến và kinh doanh than gây ô nhiễm môi trường đã được Đoàn kiểm tra của UBND TP. Thanh Hóa chỉ ra. Tuy nhiên, Đoàn kiểm tra của UBND TP. Thanh Hóa lại không làm rõ hoạt động chế biến than của Công ty than Thanh Hóa tại khu đất UBND tỉnh cho Hợp tác xã thương binh Lam Sơn thuê có đầy đủ hồ sơ, thủ tục theo quy định hay không?

Theo hồ sơ, khu đất này được chấp thuận nhằm mục đích làm kho hàng, bãi chứa, bến bốc dỡ hàng hóa chứ không phải để chế biến than. Phải chăng Đoàn kiểm tra của UBND TP. Thanh Hóa đang mập mờ để tiếp tay cho sai phạm?.

Quốc Huy

Theo: Báo Công Thương