Công ty tài chính gặp khủng hoảng, tín dụng đen hoành hành

(Banker.vn) Thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển nhanh nhưng không theo kịp nhu cầu của người vay đã khiến tín dụng đen vẫn còn nhiều "đất diễn".
Tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen” Tín dụng đen vay dễ khó trả: Cần sự vào cuộc của các bộ, ngành

Tín dụng tiêu dùng tăng thấp so với nhu cầu vay vốn

Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có nhấn mạnh tới việc phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng phù hợp với đối tượng vay tiêu dùng, có mức lãi suất hợp lý, góp phần ngăn chặn “tín dụng đen”. Tài chính tiêu dùng được cho là giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu gia tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, góp phần hữu hiệu ngăn chặn tình trạng tín dụng đen.

Thực tế, tín dụng cho vay tiêu dùng tăng đều qua các năm nhưng vẫn chỉ như “muối bỏ biển” trước nhu cầu vay vốn của một bộ phận người dân không đủ tiêu chuẩn vay vốn ngân hàng cho các nhu cầu đột xuất hoặc giải quyết khó khăn tài chính trước mắt. Vì thế, tín dụng đen vẫn luôn có "đất diễn", thậm chí là “sống khỏe” với những vòi bạch tuộc vươn rộng khắp tại các địa phương, tập trung nhiều ở vùng nông thôn, khu công nghiệp.

Công ty tài chính gặp khủng hoảng, tín dụng đen “lên ngôi”

Tiếp tục các giải pháp gỡ khó trong hoạt động cho vay tiêu dùng, đặc biệt là cần những định hướng cụ thể hơn cho hoạt động của các công ty cho vay tài chính, để có thể hỗ trợ người dân tiếp cạn vốn thay vì phải đi vay tín dụng đen, một lần nữa lại được giới chuyên gia, hiệp hội, ngân hàng và doanh nghiệp đề cập tại hội thảo “Gỡ khó cho vay tiêu dùng - Đẩy lùi tín dụng đen” được tổ chức sáng 31/10 tại Hà Nội.

Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/7/2023, dư nợ cho vay phục vụ đời sống đạt 2,6 triệu tỷ đồng, tăng 2,93% so với cuối năm 2022, chiếm 21,31% dư nợ nền kinh tế. Nếu so sánh với mức tăng 22% của cả năm 2022, thì con số 2,93% của 7 tháng đầu năm nay là quá khiêm tốn. Số liệu trên cho thấy thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển khi nhu cầu vay vốn tiêu dùng của người dân là rất lớn. Ước tính tới nay, các công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép đã hỗ trợ được khoảng 30 triệu người tiếp cận được vốn vay, với dư nợ bình quân khoảng 35-50 triệu đồng/người.

Thông tin thêm về hoạt động cho vay tiêu dùng, Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng, cho biết: Đến 31/8/2023, dư nợ cho vay phục vụ đời sống toàn hệ thống đạt khoảng 2.671.000 tỷ đồng, chiếm 21% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 0,35% so với 31/12/2022, nợ xấu chiếm tỷ lệ trên 4%. Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của 16 công ty tài chính là 135.945,36 tỷ đồng (chiếm khoảng hơn 5% dư nợ cho cho vay phục vụ đời sống).

Công ty tài chính gặp khủng hoảng

Trong 5 năm gần đây, tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường tín dụng tiêu dùng đang gặp khủng hoảng khi liên tiếp đối mặt nhiều khó khăn do dịch Covid-19, suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát khiến lãi suất tăng. Đặc biệt, công nhân, người lao động, người thu nhập thấp vốn là phân khúc khách hàng chính của công ty tài chính bị giảm thu nhập, giảm việc làm hoặc thất nghiệp… ảnh hưởng tới khả năng trả nợ sau khi vay vốn của khách hàng. Tình trạng bùng nợ, dạy nhau bùng nợ diễn ra tràn lan trên các mạng xã hội. Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết: Nợ xấu của các công ty tài chính đến nay đã lên đến 8-10% cá biệt có công ty nợ xấu lên đến 20%, nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.

Chất lượng tài sản tại các công ty tài chính tiêu dùng sụt giảm, nợ xấu gia tăng cũng buộc các công ty này phải siết chặt điều kiện cho vay hơn, đẩy mức lãi suất cho vay tăng cao khiến những người có nhu cầu vay tiêu dùng chính đáng càng khó tiếp cận các khoản vay chính thống và có thể sẽ bị buộc phải tìm đến tín dụng đen để giải quyết các nhu cầu vốn sinh hoạt cấp thiết.

Ông Nguyễn Quốc Hùng chỉ ra rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các công ty tài chính đã chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tổ chức triển khai cho vay tiêu dùng đối với những đối tượng dưới chuẩn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tối thiểu của người lao động có thu nhập thấp nhằm hạn chế và từng bước đẩy lùi tín dụng đen, song đến nay hầu như các công ty tài chính đều gặp rất nhiều khó khăn do nợ xấu ngày càng tăng cao, ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung còn có những yếu tố chủ quan và rất nguy hiểm mà chưa có chế tài xử lý đó là khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ, thậm chí cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ là dùng biện pháp manh động để đòi nợ đến chính quyền. Một số đối tượng lợi dụng việc cơ quan quản lý trấn áp tội phạm tín dụng đen và cố tình qui kết các công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép là tổ chức tín dụng đen nên không trả nợ và thành lập hội bùng nợ trên zalo, facebook …. nhưng không hề bị xử lý.

Thực trạng đó dẫn đến nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng tăng cao, cán bộ thu hồi nợ nghỉ việc, các công ty tài chính không thể tiếp tục mở rộng cho vay được, thực tế dự nợ không tăng mà còn giảm so với năm 2022 (giảm trên 60.000 tỷ). Người dân có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp cận được vốn vay từ công ty tài chính tiêu dùng… Hệ quả là tín dụng đen bắt đầu trỗi dậy, mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước tích cực triệt phá nhiều ổ nhóm tín dụng đen song diễn biến còn rất phức tạp dưới nhiều hình thức tinh vi nhất là trên môi trường mạng.

Đánh giá về vấn đề này, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn, Phó trưởng Phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an cho rằng, các đối tượng hoạt động tín dụng đen gia tăng hoạt động lưu động, gây án ở nhiều địa bàn, triệt để lợi dụng công nghệ, mạng xã hội, ứng dụng, website…, phát tán tờ rơi, quảng áo để mời chào cho vay. Thời gian tới tình hình kinh tế, lao động, viêc làm vẫn gặp nhiều khó khăn, cùng với nhu cầu tài chính cuối năm tăng cao sẽ phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật có nguyên nhân từ tín dụng đen.

Vì thế, hỗ trợ thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển lành mạnh, tạo hành lang pháp lý phù hợp với thực tế để tín dụng tiêu dùng trở thành kênh cung cấp vốn cho các nhu cầu chính đáng của người dân, đặc biệt là người lao động thu nhập thấp là vấn đề cần được nghiên cứu và sớm có giải pháp cụ thể.

Thùy Linh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục