UBND tỉnh Bắc Giang. Ảnh minh họa. |
Nhà thầu mới nổi đất Bắc Giang
Mới đây, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) đã công bố kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu: Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị thuộc dự án Quần thể văn hóa, thể thao huyện Việt Yên.
Theo đó, đơn vị trúng thầu là Công ty CP Đức Anh, có địa chỉ tại đường Trần Phú, phường Quang Trung, TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Giá trúng thầu là 125,3 tỷ đồng, thấp hơn 3,5 tỷ đồng so với giá gói thầu, tương ứng tỷ lệ giảm giá 2,72%.
Điều dễ nhận thấy là tính cạnh tranh của gói thầu quá yếu, bởi Công ty Đức Anh thắng thầu trong điều kiện không thể thuận lợi hơn, khi là nhà thầu độc nhất nộp hồ sơ dự thầu.
Trước đây ít lâu, thời điểm cuối năm 2022, Công ty Đức Anh cũng gặp một "kịch bản" tương tự tại gói thầu: Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị các công trình nhà B1, C1, B2, B4, C4 thuộc Khu ký túc xá số 4 - Dự án QG -HN05, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu.
Đây là gói thầu xây lắp quy mô lớn, có giá gói thầu ấn định là 259,3 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Mặc dù được tổ chức đấu thầu rộng rãi qua mạng, theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, tuy nhiên, hết hạn mời thầu, gói thầu trên chỉ "hút" duy nhất một bộ hồ sơ dự thầu từ Công ty Đức Anh.
Quyết định số 302 ngày 29/12/2022 về phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu do Giám đốc Nguyễn Minh Tuấn ký ban hành. |
Sau khi chấm thầu, Công ty Đức Anh được chọn là nhà thầu thực hiện, với giá trúng thầu lên tới 259,2 tỷ đồng. Giá trúng thầu thấp hơn khoảng 119 triệu đồng so với giá gói thầu, đồng nghĩa là giảm 0,04% cho ngân sách nhà nước. Mức giảm giá này mang đậm tính "tượng trưng".
Trong vai trò liên danh, xét riêng năm 2022, Công ty Đức Anh đảm trách vai trò liên danh chính để giành thắng lợi ở hai gói thầu do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Bắc Giang mời thầu, đó là gói thầu số 8: Xây Trung tâm - Văn hóa triển lãm do mời thầu và gói thầu số 11: Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình.
Hai gói thầu trên có tổng giá trị phê duyệt là 595 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng giá trúng thầu là 571 tỷ đồng, tương ứng giảm giá 4% cho ngân sách nhà nước.
Việc tỷ lệ tiết kiệm trong đấu thầu thấp đã được nhiều chuyên gia phân tích, chỉ ra với 2 trường hợp tách biệt. Thứ nhất, là do công tác thiết kế và lập dự toán được các chủ đầu tư thực hiện tốt, dự toán đưa ra rất sát giá thị trường, nên dù có đấu thầu cũng không thể giảm nhiều. Tuy vậy, cũng có thể vì nguyên nhân thứ hai, đó là có sự "khuất tất" trong quá trình đấu thầu và xét chọn thầu. Thực tế cho thấy, thời gian qua vẫn có những bên mời thầu, chủ đầu tư tìm cách "làm khó", chèn ép nhà thầu "lạ" nhằm hạn chế sự tham gia của họ, dọn đường cho nhà thầu "quen". Cách thức phổ biến nhất là bên mời thầu thường "quên" đăng tải những nội dung quan trọng trong hồ sơ mời thầu và các tài liệu liên quan, như thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công... hoặc bên mời thầu đưa ra những tiêu chí "đặc biệt" nhằm hạn chế nhà thầu khác. Trong phiên họp Quốc hội diễn ra thượng tuần tháng 11/2022, một đại biểu đã thẳng thắn chi ra thực trạng "cài cắm" những điều khoản hướng thầu, để phục vụ lợi ích cho các nhà thầu thân hữu, loại bỏ các nhà thầu cạnh tranh. Từ đó, biến đấu thầu rộng rãi thành đấu thầu hạn chế. Bên cạnh đó, tình trạng "quân xanh quân đỏ" cũng là nguyên nhân gây ra nhiều cuộc đấu thầu thiếu cạnh tranh, thu lời bất chính. Có những nhà thầu chỉ để trượt, nhằm lót đường cho nhà thầu đã được định sẵn trúng thầu. Hệ lụy, khiến cho doanh nghiệp làm ăn chân chính không được cạnh tranh bình đẳng, mất cơ hội kinh doanh, có thể gây thiệt hại cho Nhà nước. |
Đi sâu vào chi tiết, tại gói thầu số 11: Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình (do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Bắc Giang mời thầu, trị giá hơn 131 tỷ đồng), được biết Công ty Đức Anh đã liên danh với hai thành viên là Công ty CP Công nghệ và Xây dựng Sông Hồng - và Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Việt Nam để cùng giành chiến thắng.
Điểm đáng lưu tâm, trước đó, tại gói thầu: Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị các công trình thuộc Dự án QG-HN04 do chủ đầu tư không lạ mặt khác của Công ty Đức Anh tổ chức là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Việt Nam lại xuất hiện trong vai trò đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Công ty Đức Anh.
Khi đó, Công ty Đức Anh đã thua thầu trước liên danh Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Việt Nam và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bắc Hà. Nên biết, Công ty CP Đầu tư Phát triển Bắc Hà cũng từng là đối tác quen của Công ty Đức Anh, đã cùng "chung lưng đấu cật" lập liên danh tham dự không ít gói thầu khác.
Việc Công ty Đức Anh thua, còn hai đối tác thân quen thắng tại gói thầu gần 280 tỷ đồng khiến giới nhà thầu lúc đó không khỏi ngạc nhiên.
Tình hình kinh doanh của Công ty Đức Anh ra sao?
Chỉ trong thời gian ngắn, Công ty Đức Anh liên tục nhận về các gói thầu hàng trăm tỷ đồng đã thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của dư luận.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty Đức Anh là doanh nghiệp gần 30 năm tuổi, thành lập ngày 1/12/1993. Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Văn Khuyến, sinh năm 1950, quê Hà Nam. Giúp sức cho ông Khuyến là Giám đốc Hoàng Văn Thanh, sinh năm 1985.
Vừa đảm trách ghế nóng của Công ty Đức Anh, ông Nguyễn Văn Khuyến cũng sở hữu lượng lớn cổ phần doanh nghiệp, theo sau ông còn có các cổ đông khác như ông Nguyễn Đức Tuấn, ông Nguyễn Hải Quyết, ông Nguyễn Đức Tâm, bà Nguyễn Thị Phú... Trong đó, ông Nguyễn Hài Quyết đang điều hành một nhà thầu trên địa bàn tỉnh nhà Hà Nam là Công ty TNHH Xây dựng Thăng Long.
Tài liệu thu thập thể hiện, doanh thu của Công ty Đức Anh giai đoạn 2017-2021 liên tục biến động mạnh. Sau khi lập đỉnh doanh thu vào 2018 với 318,9 tỷ đồng, ngay lập tức chỉ tiêu này trượt dốc xuống 146 tỷ đồng ở năm kế tiếp (giảm hơn một nửa so với cùng kỳ).
Năm 2020, doanh thu "hồi" dần về mức 164 tỷ đồng, và tăng vọt lên 307 tỷ đồng trong năm 2021. Với những gói thầu trúng được từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Bắc Giang và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, năm 2022, nhiều khả năng doanh thu của Công ty Đức Anh sẽ thiết lập mức đỉnh mới, bỏ xa mức thực hiện năm 2018.
Tuy nhiên, trái ngược với doanh thu "khủng", Công ty Đức Anh liên tiếp báo lỗ trong giai đoạn 2017-2021. Cụ thể, doanh nghiệp lỗ lần lượt 77,6 triệu đồng (2017), 10,3 tỷ đồng (2020) và 5,5 tỷ đồng (2021). Hai năm 2018-2019, nhà thầu cũng chỉ công bố lợi nhuận sau thuế rất "mỏng", với 74 triệu đồng và 56 triệu đồng.
Số liệu tài chính Công ty Đức Anh. |
Khi chấm thầu, kết quả kinh doanh kém tích cực không phải tiêu chí cốt yếu, song, điều đó thể hiện năng lực quản trị, điều hành của ban lãnh đạo Công ty Đức Anh, từ đó ảnh hưởng phần nào đến quyết định của những người chấm thầu.
Bên cạnh đó, về nguồn vốn, thời điểm 31/12/2021, vốn chủ sở hữu của Công ty Đức Anh đạt 173 tỷ đồng, giảm khoảng 4% so với cuối 2020 vì dính khoản thua lỗ. Đảo ngược lại, nợ phải trả của nhà thầu tăng "phi mã" từ 216 tỷ đồng lên 468 tỷ đồng, gấp 2,7 lần vốn tự có, cho thấy Công ty Đức Anh bắt đầu vướng vào rủi ro nợ đọng xây dựng, giống như phần lớn nhà thầu khác đều đang "ngao ngán" vấp phải.
Đây cũng là nguyên nhân chính gây hao hụt dòng tiền của doanh nghiệp, đẩy họ phải tìm đến tín dụng ngoài, nếu không thể chủ động cân đối tài chính từ nguồn lực nội sinh. Quản trị rủi ro và tập trung thu xếp dòng tiền là vấn đề Công ty Đức Anh cần ưu tiên hàng đầu, trong bối cảnh vừa trúng hàng loạt gói thầu "khủng" chỉ trong vài tháng cuối năm 2022.
Vân Oanh
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|