Công ty của vợ chồng siêu mẫu Vũ Cẩm Nhung phát hành 150 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất cao

(Banker.vn) Các trái phiếu do Công ty CP Dược phẩm Tenamyd - công ty của vợ chồng siêu mẫu Vũ Cẩm Nhung phát hành có kỳ hạn linh hoạt, từ 12 tháng đến 72 tháng, nhưng đều có cùng mức lãi suất là 14%/năm, và cùng được phát hành vào ngày 12/12/2022.
Công ty của vợ chồng siêu mẫu Vũ Cẩm Nhung phát hành 150 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất cao
Tổng giám đốc Dược phẩm Tenamyd, ông Bùi Tường Nhật và bà xã - cựu siêu mẫu Vũ Cẩm Nhung.

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty CP Dược phẩm Tenamyd vừa phát hành thành công 6 lô trái phiếu có tổng giá trị 150 tỷ đồng.

Các trái phiếu có kỳ hạn linh hoạt, từ 12 tháng đến 72 tháng, nhưng đều có cùng mức lãi suất là 14%/năm, tương đối cao so với mặt bằng chung và cùng được phát hành ngày 12/12/2022 và đồng loạt hoàn tất ngay trong ngày.

Đáng chú ý, trong đợt phát hành trái phiếu rầm rộ này, Dược phẩm Tenamyd đã không công bố thông tin đầy đủ theo quy định tại bản công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu đến nhà đầu tư và cơ quan quản lý là HNX.

Cụ thể, doanh nghiệp ngành dược này không hề công bố thông tin về trái chủ, mục đích phát hành, tài sản bảo đảm (nếu có)... khiến nhà đầu tư, cơ quan quản lý không thể nắm bắt được mục đích huy động vốn của họ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 6/12/2022, Dược phẩm Tenamyd đã thế chấp toàn bộ hàng tồn kho của doanh nghiệp, bao gồm toàn bộ hàng hóa đã, đang và sẽ hình thành luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh trong kho hàng tại Quận 7, TP.HCM; các nguyên liệu, vật liệu, sản phẩm dở dang, thành phẩm, bán thành phẩm... và các quyền đòi nợ (từ khoản phải thu, khoản được nhận thanh toán...) cho Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) - Chi nhánh Bắc Sài Gòn (địa chỉ quận Gò Vấp, TP.HCM).

Không ngoại trừ khả năng đây là một trong các bước chuẩn bị quan trọng cho thương vụ chào bán trái phiếu trên.

Doanh thu vượt mặt Imexpharm, Traphaco...

Về vị thế trong ngành, Dược phẩm Tenamyd, trong giới kinh doanh mặt hàng y tế, doanh nghiệp này không phải là một gương mặt xa lạ. Tenamyd là thành tựu của doanh nhân Bùi Đình Nam, nhà sáng lập doanh nghiệp từ những năm 1950.

Theo giới thiệu trên website, Tenamyd từng được xem là nhà máy sản xuất dược phẩm lớn top đầu khu vực miền Nam, thậm chí có quy mô tầm cỡ trong khu vực Đông Nam Á giai đoạn trước 1975.

Công ty của vợ chồng siêu mẫu Vũ Cẩm Nhung phát hành 150 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất cao
Khẩu trang - mặt hàng chủ lực của Dược phẩm Tenamyd trong thời dịch.

Hiện trụ sở chính của Dược phẩm Tenamyd ở Lô Y 01-02A đường Tân Thuận, KCN/KCX Tân Thuận, Phường Tân Thuận Đông, Quận 7, TP.HCM. Tổng giám đốc là ông Bùi Tường Nhật (SN 1968), con trai ông Bùi Đình Nam, doanh nhân quốc tịch Mỹ.

Phu nhân của ông Bùi Tường Nhật là một nhân vật có tiếng trong giới showbiz, bà Vũ Cẩm Nhung (SN 1976) - siêu mẫu nổi tiếng từ thập niên 90 tại miền Bắc. Bà Vũ Cẩm Nhung đảm nhiệm cương vị Phó tổng giám tại Dược phẩm Tenamyd.

Cuối năm 2021, Dược phẩm Tenamyd bị Thanh tra Bộ Y tế xử phạt hành chính vì có hành vi lưu hành trang thiết bị y tế (lô khẩu trang Tenamyd FM -N95, số phiếu công bố 200000755/PCBA-HCM, số lô G200006, HSD 071223) trên thị trường khi không có nhãn hoặc không kèm theo nhãn phụ với đầy đủ các thông tin theo quy định của pháp luật.

Đây là hành vi vi phạm quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 74 của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Căn cứ theo quy định, Thanh tra Bộ Y tế đã đưa ra quyết định xử phạt 30 triệu đồng đối với Dược phẩm Tenamyd.

Công ty của vợ chồng siêu mẫu Vũ Cẩm Nhung phát hành 150 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất cao
Quyết định xử phạt do Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế Dương Xuân An ký ban hành.

Tenamyd bắt đầu sản xuất khẩu trang từ đầu năm 2020, ngay khi dịch bệnh Covid bùng phát dữ dội khiến nhu cầu trang thiết bị bảo hộ y tế tăng đột biến. Việc nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh đã giúp Tenamyd đem về doanh số lớn.

Theo đó năm 2020-2021, Tenamyd ghi nhận lần lượt 1.807 tỷ đồng và 1.956 tỷ đồng doanh thu thuần bán hàng cung cấp dịch vụ. Khoảng thời gian đại dịch bủa vây toàn cầu cũng là lúc doanh số của Tenamyd liên tục đạt "đỉnh". Bình quân năm ngoái, mỗi ngày Tenamyd thu về hơn 5 tỷ đồng, là con số đáng mơ ước kể cả với các "ông lớn" ngành dược phẩm khác như Dược phẩm Imexpharm (IMP), Traphaco (TRA)...

Công ty của vợ chồng siêu mẫu Vũ Cẩm Nhung phát hành 150 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất cao
Lợi nhuận của Tenamyd liên tục "đổ đèo" trong khi doanh thu khá tăng trưởng ổn định.

Doanh thu liên tiếp xô đổ các kỉ lục, tuy nhiên lợi nhuận của Dược phẩm Tenamyd lại chứng kiến sự sụt giảm đầy bất ngờ trong giai đoạn 2020-2021. Hai năm nay, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 13 tỷ đồng và 5,8 tỷ đồng. Đáng nói là xu hướng giảm lãi của Tenamyd đã bắt đầu từ nhiều năm trước.

Ví dụ năm 2017 doanh nghiệp công bố lợi nhuận 31 tỷ đồng, nhưng sau đó chỉ còn 25,3 tỷ đồng (2018) và 19,2 tỷ đồng (2019), trước khi giảm mạnh về 13 tỷ đồng và 5,8 tỷ đồng (2020-2021) như đã biết. Năm ngoái, tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu của Dược phẩm Tenamyd vẻn vẹn 0,3%, nghĩa là tạo ra 1.000 đồng doanh thu mới có lãi 3 đồng.

Không chỉ đối diện với tình trạng xuống sức trong khả năng sinh lợi, cấu trúc vốn của Tenamyd cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Năm 2020, tổng số nợ của doanh nghiệp dược phẩm này lên tới 1.644 tỷ đồng, bỏ xa gấp 5 lần vốn chủ sở hữu (343 tỷ đồng).

Công ty của vợ chồng siêu mẫu Vũ Cẩm Nhung phát hành 150 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất cao
Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nợ của Tenamyd là khoản vay dài hạn hơn 1.000 tỷ đồng.

Trong đó, doanh nghiệp có khoản nợ vay dài hạn trên 1.000 tỷ đồng từ nhiều năm về trước. Đồng thời, Tenamyd còn tăng cường chiếm dụng vốn của nhà cung cấp trong năm 2020, thể hiện rõ qua giá trị khoản phải trả người bán ngắn hạn tăng gấp 3 lần năm 2019 lên 447 tỷ đồng.

Năm 2021, mặc dù tổng số nợ đã giảm khá mạnh còn 1.260 tỷ đồng, song tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E) vẫn ở mức 3 lần. So với nhóm doanh nghiệp cùng ngành khác, Tenamyd đang sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao, ví dụ tại cùng thời điểm tỷ lệ D/E ở Imexpharm là 0,3 lần; Traphaco là 0,35 lần; Dược Hậu Giang (DHG) là 0,21 lần...

Trên sàn chứng khoán, một doanh nghiệp dược phẩm khác cũng từng có nhiều liên quan đến vợ chồng doanh nhân Bùi Tường Nhật - Vũ Cẩm Nhung, đó là Công ty CP Dược Medipharco (UPCoM: MTP), tiền thân là doanh nghiệp quốc doanh có lịch sử hoạt động hàng chục năm.

MTP được cổ phần hóa năm 2005, sau đó được đổi tên thành Công ty CP Dược TW Medipharco - Tenamyd và bắt đầu niêm yết trên sàn UPCoM từ năm 2011. Ông Bùi Tường Nhật có thời gian dài giữ ghế Thành viên HĐQT của MTP, đồng thời Dược phẩm Tenamyd, bà Vũ Cẩm Nhung hay bà Bùi Ngọc Khánh đều nắm lượng cổ phần không nhỏ của MTP.

Tháng 4/2018, ông Nhật rút khỏi HĐQT MTP và các cổ đông MTP liên quan cũng có động thái thoái toàn bộ vốn khỏi doanh nghiệp. MTP và Tenamyd chính thức đứt duyên từ đó.

Vân Oanh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán