Công ty của đại gia “Đường bia” bị ngân hàng siết nợ và số phận các công trình dát vàng

(Banker.vn) Ngân hàng Indovina vừa thông báo bán các khoản nợ hơn 1.000 tỷ của các doanh nghiệp và cá nhân, bao gồm 482 tỷ đồng của Công ty Đường Man.

Theo thông báo từ ngân hàng, giá trị nợ tạm tính tới ngày 30/4/2024 là hơn 482 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm của khoản nợ bao gồm bất động sản và cổ phiếu, có tổng giá trị hơn 650 tỷ đồng. Giá bán khoản nợ mà ngân hàng đưa ra tương đương với giá trị nợ. Thời gian nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua khoản nợ đến ngày 31/5.

Công ty của đại gia “Đường bia” bị  ngân hàng siết nợ và số phận các công trình dát vàng
Thông báo từ Ngân hàng Indovina

Về tình hình kinh doanh, năm vừa qua Đường Man ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm 50,7 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) giảm từ âm 26,95% xuống âm 68,71%. Trước đó, giai đoạn 2020-2022, Đường Man cũng liên tục thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) ở mức âm. Cụ thể, năm 2020 lỗ gần 92 tỷ đồng, năm 2021 lỗ 51,5 tỷ đồng và lỗ 33.5 tỷ đồng vào năm 2022.

Đáng chú ý, Đường Man liên tục "khất" nợ trái phiếu. Hiện, Công ty này đang lưu hành lô trái phiếu DMBOND2017 được phát hành ngày 20/11/2017, kỳ hạn 7 năm (đáo hạn tháng 11/2024), tổng giá trị phát hành 200 tỷ đồng.

Năm 2023, Đường Man có 4 đợt đến hạn thanh toán lãi với tổng số tiền hơn 25 tỷ đồng và khoản gốc 100 tỷ đồng phải thanh toán ngày 30/11/2023. Tuy nhiên, công ty đều xin gia hạn đến ngày 30/6/2025 do chưa thu xếp đủ nguồn thanh toán tại ngày thanh toán theo kế hoạch.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng chưa có thời gian dự kiến thanh toán các khoản gốc, lãi của lô trái phiếu này trong thời gian tới.

Cần biết, Công ty CP Đường Man là thành viên của Tập đoàn Hòa Bình (Hòa Bình Group) - Doanh nghiệp tiên phong tại Việt Nam và Đông Nam Á trong lĩnh vực sản xuất Malt - nguyên liệu chính cho ngành bia.

Các công trình dát vàng của đại gia “Đường bia” được rao bán

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình Nguyễn Hữu Đường (Đường bia) được biết đến là người đầu tiên thành lập công ty tư nhân sản xuất bia tại Hà Nội. Sau này, lấn sân sang lĩnh vực địa ốc, dự án cao tốc và gây chú ý với những công trình dát vàng đầu tiên và độc nhất vô nhị trên thị trường.

Công ty TNHH Hòa Bình (Hòa Bình) được thành lập 1993 có trụ sở chính tại số 84 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội, kinh doanh chính là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác.

Một trong những dự án mang tính biểu tượng của Hòa Bình là tòa Tháp quốc tế Hòa Bình. Dự án này được xây dựng từ năm 2004 – 2006 trên khu đất rộng 1.952 m2 tại số 106 Hoàng Quốc Việt, tổng mức đầu tư 26,1 triệu USD.

Đây là dự án đầu tiên tại Việt Nam có thang máy được dát vàng, và là địa điểm quen thuộc của nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đặt văn phòng đại diện như Nippon, Systra, Liberty, Nissan, KFC.

Tuy nhiên, với mục tiêu phát triển tập đoàn đa ngành, đại gia "Đường bia" đã đem khối tài sản này bán ra thị trường với mức giá khởi điểm 705 tỷ đồng. Qua nhiều cuộc tranh đua trả giá của nhiều công ty địa ốc, mức giá chốt cuối cùng cho Tòa tháp quốc tế Hòa Bình là 735 tỷ đồng.

Ngày 2/3/2023, ông Nguyễn Hữu Đường bất ngờ thông báo muốn bán khách sạn dát vàng Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake (nằm tại Giảng Võ, Hà Nội). Theo đó, ông Nguyễn Hữu Đường cho biết sẽ chào bán cạnh tranh khách sạn này với giá khởi điểm 250 triệu USD và có “các tỷ phú Trung Quốc, Ấn Độ và UAE đang xếp hàng chờ mua”.

Nguyên nhân phải rao bán khách sạn này, được ông Đường tiết lộ là do "công ty hết tiền, không có tiền trả lương cho nhân viên". Ông cho biết, những năm Covid-19, mỗi một năm công ty mất khoảng 1.000 tỷ doanh thu và 500 tỷ tiền lợi nhuận. Đặc biệt, năm 2022 còn lỗ hơn bởi đây là năm Hoà Bình khi đưa vào hoạt động cả 3 hệ thống khách sạn (gồm 3 khách sạn Somerset Hoa Binh, Dolce Hanoi Golden Lake và Danang Golden Bay). Kinh doanh gặp khó khăn do dịch bệnh, nhiều tháng liền nhân viên không có lương.

Tuy nhiên, thương vụ này không thành công vì chỉ 6 tháng sau đó, vào tháng 9/2023, ông Đường lại bất ngờ tuyên bố sẽ không bán khách sạn dát vàng với bất cứ giá nào, dù có đối tác trả giá cao ông cũng không bán. Nói về nguyên nhân hủy quyết định bán khách sạn, ông Đường cho biết: "Sắp tới Hòa Bình sẽ triển khai 2 dự án nhà ở xã hội, doanh nghiệp có doanh thu, có tiền rồi... không cần bán khách sạn nữa".

Một dự án mang tính biểu tượng khác của Hòa Bình đó là dự án Da Nang Golden Bay (Hòa Bình Green, nằm tại Đà Nẵng), trong 1 cuộc họp với khách hàng diễn ra vào tháng 12/2022, ông Đường tiết lộ Công ty TNHH Hòa Bình đang đàm phán để bán lại dự án Da Nang Golden Bay (Hòa Bình Green, nằm tại Đà Nẵng) cho một doanh nghiệp Singapore. Nếu doanh nghiệp bên kia đồng ý, Công ty Hòa Bình sẽ bán 80% cổ phần của dự án Da Nang Golden Bay.

Tuy nhiên trong cuộc gặp mặt các khách hàng mua căn hộ Da Nang Golden Bay (Hòa Bình Green) sáng 24/1/2024 để giải quyết vấn đề về quyền lợi liên quan, ông Nguyễn Hữu Đường cho biết ông muốn bán hai khách sạn dát vàng nhưng đều không bán được vì đang kinh doanh lỗ.

Cụ thể, ông Đường cho biết: "Nếu bán được khách sạn thì tôi cũng đã bán rồi, nhưng hai khách sạn không bán được vì đang kinh doanh lỗ, nhiều phòng trống".

Vận chuyển Sài Gòn Tourist (STT) bị "xướng tên" trong danh sách nợ BHXH TP.HCM

Mới đây, BHXH TP.HCM vừa nhắc tên Công ty CP Vận chuyển Sài Gòn Tourist (UPCoM: STT) vì nợ đóng bảo hiểm xã hội cho ...

Tập đoàn Sao Mai (ASM) muốn tăng vốn lên hơn 3.700 tỷ đồng, áp lực từ chi trả lãi vay hàng trăm tỷ

Nhằm trả cổ tức cho năm 2022 và 2023, Tập đoàn Sao Mai sắp phát hành thêm hơn 33,6 triệu cổ phiếu, qua đó nâng ...

Quốc Cường Gia Lai (QGC) muốn chuyển nhượng hai dự án thủy điện trăm tỷ

Tổng giá trị chuyển nhượng của hai dự án thuỷ điện la Grai 2 và Ayun là 615 tỷ đồng.

Tuấn Khải

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán