Công ty chứng khoán “khóc ròng” vì mảng tự doanh

(Banker.vn) Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa khép lại tuần đầu tháng 11 với kết quả không mấy khả quan. Mặc dù đã nỗ lực “rút chân” trong phiên cuối tuần, VN-Index vẫn dưới 1.000 điểm, ghi nhận mức giảm 3% từ đầu tháng. Diễn biến bất lợi của thị trường chứng khoán đã khiến không chỉ các nhà đầu tư nhỏ lẻ mà lợi nhuận của nhiều công ty chứng khoán sụt giảm, thậm chí thua lỗ. Đáng chú ý, bên cạnh kết quả kém tích cực của mảng môi giới, cho vay ký quỹ do thanh khoản thị trường thấp, không ít công ty chứng khoán còn ôm lỗ lớn ở mảng tự doanh.

Tự doanh mua ròng nghìn tỷ đồng tuần VN-Index mất mốc 1.000 điểm, tâm điểm cổ phiếu "vua"

Điển hình như Công ty chứng khoán Everest (HoSE: EVS) lỗ lớn nhất trong ngành chứng khoán quý III với hơn 146,2 tỷ đồng, mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của công ty. Nguyên nhân bởi đánh giá lại các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) của công ty giảm 224,7 tỷ đồng, chủ yếu do khoản đầu tư của EVS vào cổ phiếu NVB.

NVB hiện cũng là cổ phiếu chiếm phần lớn tỷ trọng danh mục tự doanh của EVS với tổng giá trị (tính theo giá gốc) là 273,3 tỷ đồng, xếp sau NVB là ACB (123,8 tỷ đồng), OGC (21,7 tỷ đồng), GMA (5 tỷ đồng). Bên cạnh cổ phiếu, EVS cũng sở hữu hơn 519 tỷ đồng trái phiếu của Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả...

Công ty chứng khoán “khóc ròng” vì mảng tự doanh

Trương tự, Công ty chứng khoán FPT (FPTS), doanh thu giảm gần 88% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 54 tỷ đồng. Kéo theo đó, công ty lỗ ròng 60 tỷ đồng trong quý III/2022, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 296 tỷ đồng.

FPTS cho biết, doanh thu từ chênh lệch đánh giá lại tài sản tài chính trong kỳ giảm mạnh, chủ yếu là đánh giá lại khoản đầu tư cổ phiếu MSH. Cụ thể, chênh lệch đánh giá tại tài sản tài chính quý 3/2022 là âm 162 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước là 150 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động môi giới cũng giảm tới 50%, chỉ đạt 76,4 tỷ đồng do thanh khoản thị trường chứng khoán giảm mạnh và việc áp dụng chính sách giảm phí môi giới cho khách hàng.

Cũng trong tình trạng thua lỗ, Công ty chứng khoán ASEAN bị âm hơn 48,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi gần 101,2 tỷ đồng. Quý III năm nay là quý thứ hai liên tiếp công ty chứng khoán này báo lỗ. Trước đó, trong quý II, công ty báo lỗ gần 1,4 tỷ đồng. Tương tự như Everest, Chứng khoán ASEAN lỗ quý III do khoản chênh lệch giảm đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL gần 190 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/9, danh mục tự doanh của Chứng khoán ASEAN có giá gốc hơn 351 tỷ đồng và giá thị trường gần 526 tỷ đồng. Công ty đang nắm giữ một số cổ phiếu như: ABI giá gốc 20 tỷ đồng, SGP (42 tỷ đồng), TSJ (62,2 tỷ đồng), VNC (42,2 tỷ đồng), VEC (10,8 tỷ đồng), HTM (143,7 tỷ đồng) và TCB (29,6 tỷ đồng).

Ngoài danh mục cổ phiếu, Chứng khoán ASEAN cũng nắm 910 tỷ đồng trái phiếu của Công ty CP Vui chơi giải trí tổng hợp Tam Giang (82,7 tỷ đồng), CTCP Du lịch Thung lũng Nữ Hoàng (577,2 tỷ đồng), Công ty TNHH Endo Việt Nam (250 tỷ đồng).

Chứng khoán APG (HNX: APG) với mức lỗ quý III hơn 49 tỷ đồng, cũng là quý lỗ thứ hai liên tiếp của APG, trước đó quý II của APG lỗ 105,8 tỷ đồng. Trong quý III, kết quả kinh doanh của APG lỗ do bán danh mục FVTPL hơn 39,2 tỷ đồng và chênh lệch giảm đánh giá lại là 36,4 tỷ đồng. Tại thời điểm ngày 30/9, danh mục tự doanh của công có giá trị thị trường gần 431 tỷ đồng.

Một đơn vị khác, Chứng khoán Trí Việt (HoSE: TVB) báo lỗ quý III hơn 6,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi gần 38,7 tỷ đồng. Danh mục tự doanh của TVB đã giảm mạnh từ 138,3 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn vỏn vẹn 5,2 tỷ đồng tại ngày 30/9. TVB hiện nắm duy nhất mã MBB (giá gốc 5,2 tỷ đồng).

Phần tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) cũng ghi nhận TVB đã bán hết PVT, bán bớt cổ phiếu FPT. Đặc biệt, TVB vẫn đang gồng lỗ “cổ phiếu quốc dân” HPG dù khoản đầu tư này hiện đã âm hơn 90 tỷ đồng. Các khoản lãi/lỗ tạm tính trong danh mục AFS chưa phản ánh vào kết quả kinh doanh và chỉ được nhận khi công ty chứng khoán bán hoặc chuyển sang FVTPL. Do đó, nếu khoản đầu tư này được ghi nhận, TVB có thể lỗ đến hàng trăm tỷ đồng.

Mảng tự doanh cũng là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả lỗ của Công ty chứng khoán Phố Wall (WSS) trong quý 3/2022. Cụ thể, doanh thu trong kỳ của WSS chỉ đạt 2,4 tỷ đồng do các hoạt động môi giới, tự doanh sụt giảm. Hoạt động tự doanh chỉ đạt 57 triệu đồng doanh thu trong khi cùng kỳ hơn 734 triệu đồng; doanh thu môi giới cũng giảm 38%, chỉ đạt 360 triệu đồng; lãi từ các khoản cho vay và phải thu giảm mạnh 84%. Trong khi đó, lỗ từ tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng 30% lên gần 50 tỷ đồng.

Sau khi trừ các chi phí, WSS báo lỗ sau thuế hơn 50 tỷ đồng. Tương tự, một số công ty chứng khoán khác cũng ôm lỗ do tự doanh như APG, TVB, DVSC… Trong khi đó, một số khác ghi nhận sự sụt giảm mạnh ở mảng tự doanh như Công ty chứng khoán VNDirect giảm hơn 85% lợi nhuận tự doanh, MBS giảm 67%, VCBS giảm 60%...

Tuy nhiên, vẫn có những công ty chứng khoán ghi nhận kết quả tích cực từ mảng tự doanh. Điển hình như Công ty chứng khoán SSI, lãi từ tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng 28% so với cùng kỳ, đạt 429,5 tỷ đồng. Trong khi đó, lỗ từ tài sản FVTPL giảm 28%, còn 162 tỷ đồng.

Công ty chứng khoán “khóc ròng” vì mảng tự doanh
SSi ghi nhận kết quả tích cực từ mảng tự doanh. Hình minh họa

Mặc dù lãi từ khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn giảm đáng kể 62% so với cùng kỳ, còn 81,3 tỷ đồng, nhưng sau khi trừ đi chi phí, mảng tự doanh của SSI vẫn báo lãi 334 tỷ đồng trong quý 3/2022, tăng 5% so với cùng kỳ.

Dù tự doanh vẫn khá vững vàng, nhưng các mảng môi giới, cho vay ký quỹ, bảo lãnh phát hành và tư vấn cùng giảm mạnh nên tổng doanh thu hoạt động của SSI vẫn giảm 25% so với cùng kỳ, xuống còn 1.286 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, SSI báo lãi sau thuế 309 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, tại Công ty chứng khoán Bảo Minh (BMS), doanh thu hoạt động tự doanh (lãi FVTPL) đạt 85 tỷ đồng; tăng gần 190%. Trong khi đó, lỗ tài sản tài chính FVTPL ở mức 54 tỷ đồng, giảm 31%; chi phí tự doanh ở mức 8,5 tỷ đồng, giảm 50%. Theo đó, mảng tự doanh của BMS lãi gần 22,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 65,5 tỷ đồng.

Sự tích cực của mảng tự doanh đã giúp BMS bão lãi trước thuế 19 tỷ đồng, tích cực hơn rất nhiều so với khoản lỗ 48 tỷ đồng hồi cùng kỳ năm 2021.

Danh sách lỗ còn nối dài với các công ty khác như: Chứng khoán Beta (-6,08 tỷ đồng), Chứng khoán Đại Việt (-3,7 tỷ đồng), Chứng khoán Alpha (-3,4 tỷ đồng), Chứng khoán SaigonBank Berjaya (-3,3 tỷ đồng), Chứng khoán RHB Việt Nam (-2,2 tỷ đồng), Chứng khoán Quốc tế Hoàng Gia (-231,5 triệu đồng), Chứng khoán Pinetree (-1,7 tỷ đồng) và Chứng khoán EuroCapital (-1,2 tỷ đồng).

Hầu hết các công ty chứng khoán thua lỗ quý III năm nay do chênh lệch đánh giá giảm tài sản tài chính FVTPL, vì vậy đây chỉ là khoản “lỗ kỹ thuật”, lỗ tạm tính tại thời điểm công bố báo cáo tài chính. Trong trường hợp các cổ phiếu trong danh mục FVTPL tăng trưởng, khoản lỗ của các công ty chứng khoán hoàn toàn có thể thu hẹp hoặc lãi trở lại.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang đi qua thời điểm khắc nghiệt, giới đầu tư khó có thể kỳ vọng các khoản mục FVTPL kể trên sớm hồi phục và giúp tình hình tài chính các công ty chứng khoán biến chuyển tích cực. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, trong chiến lược phát triển của nhiều công ty chứng khoán, không phải tự doanh chứng khoán, mà những sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt, phí cạnh tranh, yếu tố công nghệ... mới là điều kiện quan trọng nhất để họ hướng tới và tập trung phát triển.

Quỳnh Nga

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục