Công nghiệp chế biến chế tạo: Điểm sáng trong bức tranh FDI

(Banker.vn) Chiếm đến hơn 65% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo được đánh giá là “điểm sáng” trong bức tranh FDI.
Công nghiệp - “xương sống” của nền kinh tế Công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì vị trí “đầu tàu”

Công nghiệp chế biến, chế tạo hấp dẫn FDI

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam thu hút được 9,27 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Công nghiệp chế biến chế tạo: Điểm sáng trong bức tranh FDI
Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài: Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới thông qua các Hiệp định Thương mại tự do, do đó khi đầu tư vào Việt Nam doanh nghiệp FDI sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường toàn cầu.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17/21 ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2024, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 6,15 tỷ USD, chiếm gần 66,4% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính luỹ kế đến tháng 4/2024, Việt Nam thu hút được 40.049 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đạt 478,6 tỷ USD, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 289,7 tỷ USD, chiếm 60,5% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam, cao hơn rất nhiều lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với khoảng 70,2 tỷ USD và ngành sản xuất, phân phối điện với gần 40,7 tỷ USD.

Nhận định về kết qủa thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho rằng: Đây là một tín hiệu tốt, chứng tỏ lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam có sức hấp dẫn đặc biệt với nhà đầu tư nước ngoài.

Theo các chuyên gia kinh tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm ưu thế cũng mở ra những cơ hội cho ngành sản xuất công nghiệp tại Việt Nam, đồng thời đem lại cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, người lao động Việt Nam tiếp cận với công nghệ mới, từ đó góp phần đào tạo nhân lực và nâng cao năng suất lao động cho Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, nhiều ý kiến cũng cho rằng, một số dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chưa có nhiều đóng góp vào nền kinh tế, bởi không ít những dự án FDI sử dụng công nghệ lạc hậu, đầu tư vào Việt Nam chỉ để tận dụng nguồn lao động giá rẻ, mang lại giá trị gia tăng thấp và chưa có nhiều tác động lan toả đến nền kinh tế.

Công nghiệp chế biến chế tạo: Điểm sáng trong bức tranh FDI
Việt Nam có nhiều cơ hội thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo

Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Các chuyên gia kinh tế đánh giá cao về triển vọng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trong thời gian tới. Số liệu thu hút FDI 4 tháng đầu năm từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, trong tổng số 966 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và 345 dự án FDI đăng ký điều chỉnh tăng vốn trong 4 tháng đầu năm thì lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo cùng dẫn đầu, với tỷ lệ gần 40% dự án đăng ký mới và hơn 60% dự án điều chỉnh vốn thuộc ngành chế biến, chế tạo.

Ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng: Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới thông qua các Hiệp định Thương mại tự do, do đó khi đầu tư vào Việt Nam doanh nghiệp FDI sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường toàn cầu. Ngoài ra, giá thuê đất, nhân công ở Việt Nam vẫn được đánh giá hợp lý, chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam lại tương đối hấp dẫn, trong khi yêu cầu về chuyển đổi xanh chưa quá cao… vì vậy, hiện tại vẫn được đánh giá là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng các dự án FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trước tiên Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo ra những cơ hội thuận lợi để thu hút được những dự án có chất lượng của những tập đoàn toàn cầu. Muốn làm được điều đó, bên cạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi về hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông, thì vấn đề cải thiện chất lượng nguồn lao động cũng cần được quan tâm. Có như vậy, Việt Nam mới thu hút được những tập đoàn lớn, thu hút được những dự án có chất lượng cao, có sức lan toả đối với doanh nghiệp, nền kinh tế trong nước.

Nguyễn Hòa

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục