Công nghệ khiến ngân hàng thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống

(Banker.vn) Sự xâm nhập của các "gã khổng lồ" về công nghệ thông tin vào cung ứng dịch vụ tài chính làm thay đổi căn bản bộ mặt ngành dịch vụ tài chính, phá đi tính độc tôn của ngân hàng trong lĩnh vực này. Công nghệ số đang dần khiến các ngân hàng thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống trên toàn cầu.

Tại Diễn đàn “Tương lai chiến lược ngân hàng số tại Việt Nam” tổ chức ngày 25/3, nhiều vấn đề đã được các chuyên gia thảo luận, trao đổi nhằm nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp đối với chuyển đổi số lĩnh vực tài chính - ngân hàng và đưa ra chiến lược phát triển các giải pháp số, chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực liên quan tại Việt Nam.

Ông Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), công nghệ số đang dần thay đổi cơ bản hình thức cung ứng các dịch vụ tài chính - ngân hàng. Sự xâm nhập của các gã khổng lồ về công nghệ thông tin (IT) và bưu chính viễn thông vào cung ứng dịch vụ tài chính làm thay đổi căn bản bộ mặt ngành dịch cụ tài chính, phá đi tính độc tôn của ngân hàng trong lĩnh vực này. Một nhân tố nữa góp phần tạo nên cách mạng trong ngành tài chính số, đó chính là sự tham gia sâu rộng của các công ty công nghệ trong lĩnh vực tài chính (Fintech). Với chi phí thấp hơn và phạm vi bao phủ rộng hơn, công nghệ số đang dần khiến các ngân hàng thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống trên toàn cầu, từng bước khẳng định vai trò của công nghệ trong thời đại mới.

Trong bối cảnh đó, ngành ngân hàng toàn cầu đang chứng kiến sự thâm nhập ngày càng sâu của các tập đoàn công nghệ tiêu dùng lớn vào các lĩnh vực dịch vụ truyền thống như thanh toán, chuyển tiền và tín dụng… Chính điều này đang làm mờ đi danh giới về ngành khó phân biệt đâu là thương mại điện tử, đâu là dịch vụ tài chính ngân hàng đưa đến thách thức lớn cho cơ quan quản lý.

Ví dụ như công ty công nghệ truyền thông xã hội Facebook đã kết hợp với Western Union để thực hiện chuyển tiền quốc tế với các mức chào tỷ giá và hỗ trợ khách hàng theo thời gian thực trên ứng dụng facebook; Ứng dụng gọi xe Go-Jek hợp tác với các ngân hàng ở Indonesia để cung cấp tài chính vi mô cho các lái xe và dịch vụ tiết kiệm hồi giáo; Trang thương mại điện tử Amazon đã kết hợp với JPMorgan Chase để cung cấp các tài khoản qua ngân hàng … Ngành ngân hàng toàn cầu đang phải thay đổi để thích ứng với những biến đổi chưa từng thấy và tái tạo số là chìa khóa để tạo ra những đột phá mới.

Tuy nhiên, theo ông Hòe, sự phát triển và ứng dụng công nghệ số trong ngành ngân hàng cũng đi kèm không ít thách thức đòi hỏi thay đổi về thể chế, vốn đầu tư lớn, về nguồn nhân lực ngân hàng có đầy đủ kiến thức và năng lực để nắm bắt các công nghệ mới và các kỹ năng mới trong hoạt động ngân hàng – tài chính thời kỳ số hóa, về năng lực kiểm soát, xử lý được những rủi ro mới một cách hiệu quả, cũng như cả vấn đề bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tài chính. 

Mặc dù thời gian diễn ra việc chuyển đổi số cho đến khi số hóa thành công hoạt động ngân hàng là tùy thuộc hệ sinh thái chuyển đổi số ở mỗi quốc gia. Tuy nhiên, vấn đề xây lựa chọn kịch bản tối ưu trong quá trình thay đổi để giữ được vị thế cạnh tranh trên thị trường ở mỗi ngân hàng khi hoạch định chiến lược phát triển sẽ là vô cùng quan trọng.

Ông Phạm Xuân Hùng - Trưởng ban, Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, việc phát triển ngân hàng số tại Việt Nam đang gặp một số hạn chế, khó khăn như khoảng trống trong hành lang pháp lý đối với phát triển ngân hàng số còn chậm ban hành, mới tập trung cho các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, như về chứng thực chữ ký số; xác định danh tính khách hàng; Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong dịch vụ tài chính; Bảo vệ tính riêng tư dữ liệu người dùng.

Bên cạnh đó, chiến lược đầu tư hạ tầng công nghệ nền tảng tài chính chậm và chưa đồng bộ; tính chia sẻ dữ liệu giữa các lĩnh vực với nhau còn nhiều bất cập. Hạn chế về nguồn lực công nghệ thông tin trong phát triển ngân hàng số; công tác truyền thông và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng (giữa các vùng miền).

Theo ông Hùng cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý về định danh khách hàng trực tuyến (eKYC) có giới hạn; Hệ thống đại lý ủy thác của ngân hàng về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ ngân hàng số; Chính sách về an toàn, bảo mật thông tin trong giao dịch điện tử để bảo vệ lợi ích hợp pháp cho khách hàng; Quy trình nghiệp vụ giao dịch điện tử qua ngân hàng, giám sát hoạt động ngân hàng số.

Sự xuất hiện của công nghệ tài chính có ảnh hưởng lớn đến xu hướng phát triển các dịch vụ ngân hàng nói riêng và của toàn ngành ngân hàng nói chung. Các ngân hàng truyền thống đang nỗ lực thích ứng và cập nhật công nghệ nhằm thay đổi mô hình kinh doanh theo hình thức ngân hàng số, giúp tăng trải nghiệm cho khách hàng và đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Ngân hàng số tại Việt Nam đang ở giai đoạn hình thành với nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên, việc xây dựng ngân hàng số hiện đang đối mặt với không ít thách thức. Ngân hàng số được hiểu là mô hình ngân hàng dựa trên nền tảng số hóa tích hợp tất cả các hoạt động và dịch vụ ngân hàng truyền thống; nhằm đảm bảo sự liền mạch trong mọi hoạt động của ngân hàng như: Chuyển khoản/giao dịch, kết nối và tư vấn cho khách hàng, đảm bảo tối đa tiện ích. 

Để xây dựng chiến lược số hóa hoàn toàn, ngân hàng cần xác định được mức độ sẵn sàng cho công cuộc kỹ thuật số. Việc số hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng không thể nằm ngoài quy luật của việc phát triển thị trường trong cuộc CMCN 4.0 và điều này phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo khảo sát của EY Việt Nam về chuyển đổi số trong ngành ngân hàng tại Việt Nam cho thấy, 42% ngân hàng đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số; 28% ngân hàng đã và đang thực hiện triển khai Chiến lược Chuyển đổi Số tích hợp với Chiến lược Kinh doanh; 11% ngân hàng đã phê duyệt và đang triển khai Chiến lược Chuyển đổi số riêng. Phần lớn các tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia khảo sát không chỉ triển khai đa dạng dịch vụ cho khách hàng trên kênh số… 47 - 77% ngân hàng đã triển khai thanh toán hóa đơn, thanh toán thương mại điện tử, chuyển tiền, tiết kiệm trực tuyến. 41,2% ngân hàng kỳ vọng triển khai đăng ký và xét duyệt khoản vay trên kênh số. 

Ngoài ra các ngân hàng còn tập trung số hóa các hoạt động nghiệp vụ, vận hành nội bộ. Cụ thể, 73% ngân hàng quy trình hoạt động liên tục; 47,6% hệ thống quản lý quan hệ khách hàng; 42,8% chữ ký điện tử, chữ ký số nội bộ.

Minh Minh

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)

Theo: