Công dụng kỳ diệu của củ gừng, đặc biệt với người mắc bệnh tiểu đường

(Banker.vn) Theo Đông y, gừng có tính ấm, vị cay, có khả năng tán hàn, ôn trung, giải độc, giảm viêm, giảm đau... đặc biệt có tác dụng với người bệnh tiểu đường...
Vì sao người mắc bệnh tiểu đường nên hạn chế ăn miến dong? Giá đỗ - thực phẩm tốt cho người bệnh tiểu đường

Công dụng khó ngờ của củ gừng

Lương y Bùi Hồng Minh - Hội Đông y Ba Đình (Hà Nội) - chia sẻ: Gừng là loại thực phẩm có giá thành rẻ nhưng được xem là một vị thuốc quý. Chỉ cần vài miếng gừng, cơ thể của chúng ta như được hồi sinh và thêm phần khỏe mạnh.

Công dụng kỳ diệu của củ gừng, đặc biệt với người mắc bệnh tiểu đường
Công dụng kỳ diệu của củ gừng, đặc biệt với người mắc bệnh tiểu đường

Theo Đông y, gừng có tính ấm, vị cay, có khả năng tán hàn, ôn trung, giải độc, tiêu đờm, giảm viêm, giảm đau nhanh chóng... Một số bài thuốc từ gừng như:

Chữa cảm lạnh thông thường: Nhiều nghiên cứu cho thấy, ăn gừng tươi có thể tăng cường hệ thống hô hấp của cá nhân và bảo vệ khỏi virus đường hô hấp như cảm lạnh thông thường.

Giảm nhẹ các vấn đề về dạ dày: Từ lâu gừng luôn được sử dụng để điều trị những người có vấn đề về tiêu hóa và đau dạ dày. Đồng thời cũng có thể được sử dụng để giảm buồn nôn và giảm nôn mửa thường xảy ra trong thời kỳ mang thai và sau khi điều trị y tế như phẫu thuật và hóa trị.

Một số nghiên cứu đã chứng minh tác dụng làm dịu dạ dày của gừng. Ngoài việc giảm buồn nôn và nôn sau phẫu thuật, loại thảo mộc này còn làm giảm các triệu chứng say tàu xe và ốm nghén. Có lẽ bằng chứng tốt nhất về tác dụng chống buồn nôn này là ở những người đang điều trị ung thư.

Có tác dụng chống viêm: Một số nguyên nhân gây viêm, bao gồm phản ứng dị ứng nhẹ và gắng sức nghiêm trọng. Các nghiên cứu ban đầu về gừng đã chỉ ra rằng, nó có thể giúp giảm viêm do cả hai nguyên nhân này.

Đáng chú ý, gừng giúp hỗ trợ giảm lượng đường trong máu: Một nghiên cứu năm 2008 từ Iran cho thấy, việc bổ sung 3g gừng mỗi ngày trong 45 ngày đã cải thiện hồ sơ lipid của 45 người có cholesterol cao.

Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2014, người ta đã chứng minh những người mắc bệnh tiểu đường type 2 dùng 1.600 mg bột gừng mỗi ngày trong 12 tuần đã báo cáo giảm tổng lượng cholesterol và chất béo trung tính đồng thời cải thiện độ nhạy insulin của họ. Điều này có nghĩa, gừng không chỉ giúp hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 mà còn hỗ trợ kiểm soát bệnh tốt hơn.

Những lưu ý khi sử dụng gừng

Gừng vừa là gia vị, vừa là thuốc quý. Gừng chữa được nhiều căn bệnh thông thường như cảm lạnh, buồn nôn, đau lưng, đau bụng, đau bao tử… Tuy nhiên, không phải lúc nào việc dùng gừng tươi cũng tốt cho sức khỏe.

Nhiều nghiên cứu khẳng định, những ai đang có vấn đề sức khỏe, nên chú ý đến liều lượng gừng dùng mỗi ngày, tốt nhất là tham khảo bác sĩ kĩ trước khi dùng. Chẳng hạn, với phụ nữ mang thai nên hỏi kĩ bác sĩ khi dùng gừng, vì gừng có thể làm ảnh hưởng đến hormon giới tính của thai nhi, thậm chí là nguy cơ bị dị tật.

Nếu sử dụng với liều lượng nhỏ, gừng sẽ giúp xoa dịu tình trạng khó chịu ở dạ dày, nhưng nếu dùng quá nhiều có thể dẫn tới những triệu chứng có liên quan đến hệ thống tiêu hóa.

Gừng được cho là có tác dụng tương tự như aspirin. Chúng có thể làm chậm quá trình đông máu và gây loãng máu. Do đó, điều này lại là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng đối với những bệnh nhân đang phải sử dụng những loại thuốc chống đông máu.

Bên cạnh đó, cũng có kết quả nghiên cứu cho thấy, gừng có khả năng gây ra một vài phản ứng dị ứng như: Tình trạng khó thở, tắt nghẽn đường thở, sưng phồng ở môi, lưỡi, phát ban hay mề đay.

Hay việc sử dụng gừng trong thời gian dài có thể làm da bị khô và ngứa rát, thậm chí còn được cho là nguyên nhân khiến mắt trở nên nhạy cảm với ánh sáng.

Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đặc biệt khuyến cáo phụ nữ mang thai không nên dùng những sản phẩm chiết xuất từ gừng mà chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị, bởi chúng có thể gây ra các cơn co thắt tử cung. Trong thời kỳ cho con bú cũng không nên ăn gừng vì nó có thể được bài tiết vào sữa mẹ gây ra chứng mất ngủ ở trẻ em.

Người bị bệnh viêm gan cấp và mãn tính, xơ gan không nên ăn gừng vì nó kích thích sự bài tiết của các tế bào gan. Những tế bào này sẽ bị hoại tử khi đang trong trạng thái được kích thích. Khi có dấu hiệu sốt cao và có nguy cơ tổn thương các mạch máu và xuất huyết thì tuyệt đối không được dùng gừng, chúng sẽ đẩy thân nhiệt tăng cao.

Không nên ăn củ gừng tươi sau khi bị dập, vì gừng sau khi bị dập sẽ sinh ra một loại độc tố mạnh có thể gây hoại tử các tế bào gan, lâu dần sẽ biến thành ung thư gan, ung thư thực quản.

Tâm An

Theo: Báo Công Thương