Công dụng của hạt mè đen với sức khỏe con người

(Banker.vn) Mè đen hay vừng đen, thực phẩm không hề xa lạ với gia đình Việt. Không chỉ là thực phẩm thơm bùi, mè đen còn sở hữu nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.
Loại rau mọc dại nhưng được ví như “thần dược” cực kỳ tốt cho sức khỏe Nhiều tác dụng của măng cụt với sức khỏe Ăn rau dền có thực sự tốt cho sức khỏe?

Hạt mè đen từ lâu được sử dụng phổ biến trong nhiều món ăn, thế nhưng không phải ai cũng biết đến công dụng của hạt mè đối với sức khỏe và những lợi ích to lớn mà chúng mang lại.

Thành phần dinh dưỡng hạt mè đen

Trong 2 thìa canh hạt mè đen có chứa các thành phần dinh dưỡng gồm: chất béo bão hòa 15%, chất béo không bão hòa 41%, chất béo không bão hòa đơn 39%, 100kcal, 3g đạm, 2g chất xơ, 18% canxi, 16% magie, 11% phốt pho, 83% đồng, 22% mangan, 15% sắt, 9% kẽm.

Mè đen là một loại hạt bổ dưỡng, còn được xem là thuốc quýẢnh minh họa
Mè đen là một loại hạt bổ dưỡng, còn được xem là thuốc quý, nếu dùng đúng cách. Ảnh minh họa

Dưới đây là những lợi ích tuyệt vời của hạt mè đen đối với sức khỏe.

Mè đen cải thiện sức khỏe xương

Hạt mè đen là nguồn cung cấp canxi tuyệt vời cho cơ thể và rất cần thiết để duy trì xương chắc khỏe. Các khoáng chất khác như magie, phốt pho và đồng có trong hạt mè đen cũng đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành cũng như tăng cường mật độ xương.

Tốt cho sức khỏe làn da

Hàm lượng kẽm cao trong hạt mè đen giúp hỗ trợ quá trình sản xuất collagen của cơ thể. Đây là chất cần thiết để duy trì độ đàn hồi của da và ngăn ngừa lão hóa sớm.

Ngoài ra, dầu chiết xuất từ hạt mè đen có thể được dùng bôi tại chỗ để dưỡng ẩm và nuôi dưỡng da. Chính vì thế, loại hạt này là một thực phẩm tự nhiên không nên bỏ qua nếu muốn có một làn da không tuổi.

Nguồn chất béo lành mạnh

Hạt mè đen chứa nguồn chất béo lành mạnh mà cơ thể cần để sản xuất năng lượng duy trì và nhiều quá trình sinh lý và sinh học liên quan tới hệ cơ, tim, hệ thần kinh và tế bào máu. Đây cũng là thành phần cần cho việc hấp thụ chất dinh dưỡng hòa tan bên trong chất béo để cách nhiệt cho cơ thể.

Trong 2 thìa canh hạt mè đen có tới 50 - 60% hàm lượng chất béo chất lượng cao trong hạt mè đen rất giàu axit béo không bão hòa đa và không bão hòa đơn. Sự thay thế của chất béo không bão hòa cho chất béo bão hòa sẽ làm giảm cholesterol xấu để giảm nguy cơ mắc bệnh tim cho cơ thể.

Hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu

Hạt mè chứa ít carbs nhưng lại giàu protein và chất béo lành mạnh nên có tác dụng hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu, rất thích hợp cho bệnh tiểu đường. Ngoài ra, trong loại hạt này còn có chứa pinoresinol, một hợp chất có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu bằng cách ức chế hoạt động của enzyme tiêu hóa maltase.

Maltase phá vỡ đường maltose, loại đường được sử dụng làm chất làm ngọt cho một số thực phẩm. Nó cũng được sản xuất trong ruột từ quá trình tiêu hóa các loại thực phẩm giàu tinh bột như cơm, bánh mì, mì ống, bún, phở… Việc pinoresinol ức chế quá trình tiêu hóa đường maltose có thể dẫn đến lượng đường trong máu thấp hơn.

Cải thiện mái tóc

Hạt vừng đen rất giàu các chất dinh dưỡng như sắt, magie, vitamin B6 vì vậy có thể thúc đẩy quá trình mọc tóc cũng như ngăn ngừa và cải thiện tình trạng rụng tóc.

Thường xuyên thêm hạt mè đen vào các bữa ăn hàng ngày hoặc bôi dầu mè đen lên da đầu có thể giúp củng cố nang tóc, từ đó cải thiện sức khỏe tổng thể của tóc.

Cải thiện sức khỏe tuyến giáp

Mè đen là nguồn cung cấp selen dồi dào, có đến 18% hàm lượng này ở cả hạt không vỏ và có vỏ mè đen. So với các cơ quan trong cơ thể thì tuyến giáp chứa nồng độ selen cao nhất - khoáng chất có vai trò quan trọng đối với tạo ra các hormon của tuyến giáp. Không những thế, mè đen còn cung cấp kẽm, đồng, sắt và vitamin B6 hỗ trợ thúc đẩy sản xuất hormone tuyến giáp và tăng cường sức khỏe cho tuyến này.

Điều hòa huyết áp là công dụng của mè đen

Hạt mè đen chứa sesaminol - hợp chất lignan được chứng minh là có thể giúp cơ thể điều chỉnh mức huyết áp. Thêm hạt mè đen vào chế độ ăn hàng ngày có thể giúp giảm huyết áp cũng như giảm nguy cơ mắc các biến chứng liên quan đến huyết áp cao.

Giúp hình thành tế bào máu

Để tạo ra các tế bào hồng cầu, cơ thể cần một số khoáng chất và vitamin như: sắt, đồng, vitamin B6. Hạt mè là một nguồn cung dồi dào các khoáng chất này. Theo nhu cầu khuyến nghị hằng ngày, ba muỗng canh (khoảng 30g) hạt mè cung cấp khoảng:

Sắt: Loại nguyên hạt: 24%; Loại đã tách vỏ: 10%

Đồng: Loại nguyên hạt: 57%; Loại đã tách vỏ: 46%

Để tăng khả năng hấp thụ của cơ thể đối với các khoáng chất này, nên ngâm hay rang loại hạt này trước khi sử dụng.

Giàu chất chống oxy hóa

Hạt mè đen chứa nhiều chất chống oxy hóa bao gồm sesamin, sesamolin và sesamol. Các hợp chất này có thể giúp trung hòa các gốc tự do có hại trong cơ thể, giảm căng thẳng oxy hóa (sự mất cân bằng giữa các gốc tự do và chất chống oxy hóa trong cơ thể) đồng thời làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như ung thư và các bệnh về tim mạch.

Ngăn ngừa ung thư

Hai hợp chất trong hạt mè đen là sesamin và sesamol có khả năng chống lại căng thẳng oxy hóa và kiểm soát vòng đời của tế bào từ đó có thể ngăn chặn mọi tác động xấu của tết bào ung thư đối với cơ thể.

Sesamin được cho đóng vai trò trung tâm trong việc tiêu diệt các tế bào ung thư và loại bỏ chúng khỏi cơ thể. Tuy nhiên, vẫn cần có nhiều nghiên cứu trên con người, đặc biệt tập trung vào hạt mè đen để hiểu một cách chính xác các hợp chất này tác động đến tế bào ung thư như thế nào.

Cải thiện tiêu hóa

Hạt mè đen là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào, giúp cơ thể thúc đẩy quá trình tiêu hóa đều đặn cũng như ngăn ngừa tình trạng táo bón. Hàm lượng chất xơ trong hạt mè đen cũng hỗ trợ sức khỏe đường ruột bằng cách thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn có lợi.

Tốt cho các bà mẹ đang cho con bú

Hạt mè đen có thể thúc đẩy quá trình tiết sữa ở các bà mẹ đang cho con bú, từ đó giúp các bà mẹ mới sinh cải thiện dòng sữa. Loại hạt này cũng rất giàu vitamin B, kẽm, đồng, magie, chất béo không bão hòa nên khi được ngấm vào sữa qua thông qua ăn uống cũng sẽ góp phần vào sự phát triển khỏe mạnh của trẻ.

Một số lưu ý khi sử dụng mè đen

Người có huyết áp thấp, người có đường tiêu hóa kém, bụng yếu, người có đông máu cao, huyết khối, viêm tắc tĩnh mạch, bệnh sỏi thận, người đang trong thời gian điều trị với glycosid tim, người đang trong thời kỳ kinh nguyệt và phụ nữ có thai ở giai đoạn 3 tháng đầu.

Công dụng của hạt mè mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, cần lưu ý là nếu bất kỳ thành viên nào trong gia đình có tiền sử dị ứng thì không nên ăn hoặc ăn từng ít một để theo dõi phản ứng của cơ thể.

Lê Nguyệt tổng hợp

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục