Tóm tắt: Nghiên cứu này khảo sát việc công bố thông tin rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động của ngân hàng niêm yết tại hai Sở giao dịch chứng khoán ở Việt Nam theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN sử dụng phương pháp chấm điểm (chỉ số công bố thông tin) đối với các thông tin được qui định công bố trong Thông tư 41. Nhóm nghiên cứu thu thập được số liệu từ 15/19 ngân hàng niêm yết tuân thủ qui định công bố thông tin theo Thông tư 41. Phần lớn các ngân hàng công bố thông tin đều có chất lượng công bố thông tin tốt (được điểm từ 25-27 trên tổng điểm 27 điểm). Nhóm tác giả đưa ra khuyến nghị về công tác giám sát tuân thủ công bố thông tin của Ngân hàng Nhà nước và kênh công bố thông tin hiệu quả để tiếp cận nhà đầu tư tốt hơn đối với ngân hàng thương mại (NHTM).
Disclosure of operational risk and market risk by listed commercial banks in Vietnam
Abstract: This study examines the information disclosure of market risk and operational risk by listed banks at two Stock Exchanges in Vietnam under Circular 41/2016/TT-NHNN using disclosure scoring method (disclosure index). The research team collected data from 15/19 listed banks complying with Circular 41’s regulations on information disclosure. The results show that most of the banks have good information disclosure quality with score from 25-27 points out of 27 points total). The authors make recommendations on the compliance supervision on information disclosure by the State Bank as well some effective information disclosure channels for better access for investors.
1. Giới thiệu
Công bố thông tin (CBTT) là trụ cột thứ 3 trong Hiệp ước Basel II được Ủy ban Basel công bố từ năm 2004. Các ngân hàng được yêu cầu công bố thông tin tập trung vào yếu tố quan trọng trong hoạt động của họ, bao gồm thông tin về sự đầy đủ của vốn chủ sở hữu, các rủi ro chính liên quan tới hoạt động của ngân hàng (rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường (RRTT) và rủi ro hoạt động (RRHĐ)). Công bố thông tin được xem là công cụ để thực hiện kỷ luật thị trường đối với hoạt động của ngân hàng. Nhiều thông tin được công bố hơn sẽ giúp các chủ thể tham gia thị trường có đánh giá tốt hơn về tình trạng rủi ro chung của ngân hàng, từ đó có định giá tốt hơn đối với cổ phiếu ngân hàng và các giao dịch liên quan. Công bố thông tin nhiều hơn cũng sẽ làm giảm tình trạng bất cân xứng thông tin giữa các đối tượng có ưu thế về thông tin (cổ đông nội bộ, ban điều hành) so với các nhà đầu tư nhỏ bên ngoài tổ chức, do vậy giúp tăng cường hiệu quả của giám sát thị trường. Trong một thị trường chứng khoán hiệu quả, khi nhà đầu tư nhận thấy ngân hàng đang có mức chấp nhận rủi ro cao hơn kỳ vọng, nhà đầu tư sẽ bán ra cổ phiếu là giá cổ phiếu giảm. Khi giá cổ phiếu giảm đến một mức nào đó sẽ buộc các nhà quản lý ngân hàng phải đánh giá lại hoạt động của họ và có biện pháp để kiểm soát rủi ro tương ứng với định giá cổ phiếu của ngân hàng. Đây chính là ý nghĩa của kỷ luật thị trường và là mục tiêu của trụ cột 3 trong Hiệp ước Basel II.
Định hướng triển khai Basel II trong hệ thống ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng tại Đề án “Phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến 2010 và định hướng đến năm 2020” ban hành theo quyết định 112/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Thông tư 41/2016/TT-NHNN (Thông tư 41) hướng dẫn về tỷ lệ an toàn vốn theo phương pháp tiêu chuẩn của Basel II có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, trong đó có quy định cụ thể về công bố thông tin về tỷ lệ an toàn vốn, rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường. Trong nghiên cứu này, hoạt động công bố thông tin về rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động của các NHTM niêm yết của Việt Nam được đánh giá, từ đó đưa ra các đánh giá về hiệu quả của Thông tư 41 trên khía cạnh công bố thông tin, và các khuyến nghị nhằm tăng cường công bố thông tin của các ngân hàng niêm yết, khuyến nghị đối với việc giám sát tuân thủ đối với Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
2. Khái quát về rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường và qui định về công bố thông tin hoạt động và rủi ro thị trường
Theo Ủy ban Basel (2004), rủi ro hoạt động là rủi ro gây ra tổn thất do các nguyên nhân như con người, sự không đầy đủ hoặc vận hành không tốt các quá trình hệ thống; các sự kiện khách quan bên ngoài. Rủi ro hoạt động bao gồm cả rủi ro pháp lý, nhưng không bao gồm rủi ro chiến lược và rủi ro danh tiếng. Rủi ro thị trường là rủi ro xảy ra tổn thất do biến động giá thị trường của tài sản nội bảng và ngoại bảng của ngân hàng. Rủi ro thị trường được đề cập bao gồm rủi ro lãi suất liên quan tới công cụ nợ và cổ phiếu, rủi ro tỷ giá và giá hàng hóa (commodities) trong toàn hoạt động ngân hàng.
Theo qui định tại Thông tư 41, rủi ro thị trường là rủi ro do biến động bất lợi của lãi suất, tỷ giá, giá chứng khoán và giá hàng hóa trên thị trường. Rủi ro thị trường bao gồm: Rủi ro lãi suất, rủi ro ngoại hối, rủi ro giá cổ phiếu, rủi ro giá hàng hóa. Thông tư 41 cũng định nghĩa riêng rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng là rủi ro do biến động bất lợi của lãi suất đối với thu nhập, giá trị tài sản, giá trị nợ phải trả và giá trị cam kết ngoại bảng của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát sinh do thay đổi lãi suất thị trường và lãi suất của các quyền chọn lãi suất. Rủi ro hoạt động là rủi ro do các quy trình nội bộ quy định không đầy đủ hoặc có sai sót, do yếu tố con người, do các lỗi, sự cố của hệ thống hoặc do các yếu tố bên ngoài làm tổn thất về tài chính, tác động tiêu cực phi tài chính đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (bao gồm cả rủi ro pháp lý).
Để đánh giá thực trạng công bố thông tin về rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường cuả các ngân hàng niêm yết, các qui định về công bố thông tin về các loại rủi ro này trong Thông tư 41 được sử dụng như là các qui định tối thiểu về công bố thông tin.
Bảng 1: Yêu cầu công bố thông tin rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường theo Thông tư 41 (Phụ lục 5)
|
Phương pháp nghiên cứu và xử lý số liệu
Mức độ công bố thông tin thường được đánh giá dựa vào chỉ số công bố thông tin (disclosure index) (Botosan, 1997), phương pháp phát triển từ chỉ số công bố thông tin (Botosan, 1997; Sengupta, 1998) hoặc thông qua phương pháp chấm điểm qua các chỉ tiêu tổng hợp như của Công ty Standard & Poor’s (S&P) (Patel và ctg, 2002).
Baumann và Nier (2003) là một trong những nhà nghiên cứu tiên phong xây dựng bộ chỉ số đánh giá về công bố thông tin trong ngân hàng. Chỉ số công bố thông tin tổng hợp từ ba chỉ số: (1) Chỉ số đầu tiên phản ánh một ngân hàng được niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán như NYSE, NASDAQ hoặc AMEX. Khi đó, ngân hàng phải tuân thủ các quy tắc công bố thông tin theo yêu cầu của các sở giao dịch chứng khoán; (2) Chỉ số thứ hai dựa trên xếp hạng ngân hàng. Các nhà đầu tư nên có thêm thông tin về ngân hàng nếu ngân hàng được xếp hạng bởi một tổ chức xếp hạng tín nhiệm; (3) Chỉ số thứ ba được xây dựng trên cơ sở thông tin có trong báo cáo tài chính. Chỉ số này cung cấp thông tin về 18 loại thông tin quan trọng được cung cấp trong các báo cáo tài chính hàng năm của ngân hàng và được lưu trong cơ sở dữ liệu của Bankscope. Các loại thông tin này gắn với một hoặc một số khía cạnh rủi ro ngân hàng (rủi ro lãi suất, rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản và rủi ro thị trường).
Chỉ số công bố thông tin ngân hàng được đề xuất bởi Huang (2006) bao gồm 2 bộ chỉ số: bộ chỉ số cốt lõi và bộ chỉ số nâng cao. Hai bộ chỉ số này được tạo ra dựa trên bộ chỉ số được đề xuất bởi Erlend Nier (Ngân hàng trung ương Anh). Chỉ số công bố thông tin được tổng hợp từ 6 nhóm thông tin công bố, bao gồm: (1) Tín dụng: phân tích các khoản vay khi đáo hạn, loại, đối tác, rủi ro tín dụng, khoản vay có vấn đề,... (2) Tài sản sinh lời khác: chứng khoán theo loại và mục đích nắm giữ; (3) Tiền gửi: phân chia tiền gửi theo kỳ hạn, loại khách hàng; (4) Tài trợ khác: tài trợ trên thị trường tiền tệ và tài trợ dài hạn khác; (5) Vốn và dự trữ: công bố tỷ lệ vốn, dự trữ, nợ tiềm tàng, ngoại bảng,... (6) Thu nhập: thu nhập ngoài lãi và các khoản dự phòng rủi ro cho vay. Cách tiếp cận này chấm điểm thông tin về 17 mục thông tin cốt lõi được công bố. Các mục thông tin cốt lõi này có sự tương đồng cao với các chỉ tiêu về công bố thông tin của Ủy ban Basel và Hệ thống chỉ tiêu lành mạnh tài chính (FSIs) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Thêm vào đó, Huang (2006) đã đưa ra một bộ các tiêu chí công bố thông tin chi tiết hơn được khuyến khích công bố mở rộng trên 3 khía cạnh: (1) Rủi ro tín dụng (chi tiết thông tin các khoản vay, chi tiết nợ xấu, phân loại khoản vay, tài sản có rủi ro, cho vay bất động sản, tập trung tín dụng); (2) Rủi ro thị trường (thời lượng, trạng thái giao dịch); và (3) Kỷ luật thị trường (tần suất báo cáo, chế độ kế toán, quản trị công ty). Các thông tin này sẽ được tổng hợp thành 1 bộ tiêu chí với 153 mục (lines) để tính điểm và so sánh giữa các nước trong mẫu nghiên cứu.
Trong nghiên cứu này, các tác giả chấm điểm công bố thông tin dựa theo số lượng thông tin về tỷ lệ an toàn vốn cùng với rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động của 19 ngân hàng niêm yết trên 2 Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tại thời điểm ngày 31/3/2021. Danh mục các ngân hàng được liệt kê trong Phụ lục 1. Trong đó, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam công bố áp dụng Thông tư 41 từ ngày 1/1/2021 (Duy Lập, 2020) và nhóm nghiên cứu cũng không thu thập được công bố thông tin theo Thông tư 41 của 3 ngân hàng là Ngân hàng Bắc Á (ngày niêm yết đầu tiên 3/3/2021), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín, Ngân hàng TMCP Quốc dân dẫn đến số lượng ngân hàng niêm yết trong mẫu nghiên cứu còn lại 15 ngân hàng. Có một số trường hợp được Ngân hàng Nhà nước cho phép lùi thời hạn áp dụng Basel II có thời hạn nhưng không rõ cụ thể là ngân hàng nào (Nhuệ Mẫn, 2021).
Đối với mỗi tiêu chí trong Bảng 1 (trừ tiêu chí về tên ngân hàng được 1 điểm), điểm số được chấm là 2 đối với thông tin công bố đầy đủ theo qui định, điểm chấm là 1 nếu có công bố thông tin về tiêu chí nhưng chưa chi tiết, cụ thể và 0 đối với thông tin được yêu cầu nhưng không xuất hiện theo qui định (cột Điểm công bố thông tin trong Bảng 1).
Thông tư 41 có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 và để đánh giá việc công bố thông tin về rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường định kỳ 6 tháng/lần theo năm tài chính (Điều 20 khoản 1). Các tác giả tổng hợp và chấm các thông tin này từ các thông tin trên website của ngân hàng, thông tin công bố theo qui định tại Thông tư 41 của các ngân hàng tại 3 thời điểm ngày 31/12/2019, 30/6/2020 và 31/12/2020 để ước lượng được mức độ công bố thông tin cũng như tác động của Thông tư 41 tới việc công bố thông tin của các ngân hàng. Các ngân hàng niêm yết cần tuân thủ qui định về công bố thông tin của công ty niêm yết theo Thông tư 155/2015/TT-BTC (hiện tại đã có Thông tư 96/2020/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 thay thế Thông tư 155) và Thông tư 41. Tuy vây, các qui định về thông tin công bố giữa Thông tư 155 và Thông tư 41 không có sự chồng lấn nhau, do vậy trong phạm vi nghiên cứu này có thể xem các qui định trong Thông tư 155 là bổ sung cho Thông tư 41 khi xem xét về thông tin về rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động.
3. Kết quả xử lý số liệu và phân tích
Kết quả chấm điểm và thống kê từ 15 ngân hàng niêm yết cho thấy các kết quả chính sau đây:
a. Điểm bình quân về công bố thông tin tăng có ý nghĩa thống kê từ thời điểm cuối năm 2019 đến giữa 2020 và cuối năm 2020. Điều này cho thấy tính tuân thủ về công bố thông tin của các ngân hàng niêm yết là tốt khi Thông tư 41 có hiệu lực (Bảng 3). Tại thời điểm cuối năm 2019, chỉ có số liệu công bố thông tin về an toàn vốn và rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường của 8/15 ngân hàng niêm yết được thu thập; đến thời điểm giữa năm và cuối năm 2020 có 13 ngân hàng công bố.
b. Nhóm nghiên cứu không thu thập được số liệu về công bố thông tin trong năm 2020 của Ngân hàng Phương Đông (OCB) (niêm yết ngày 28/01/2021), trong khi SeABank chưa ghi nhận công bố thông tin thời điểm cuối năm 2020. Điểm bình quân công bố thông tin của 15 ngân hàng thời điểm cuối năm 2020 tăng lên so với thời điểm giữa năm (và có sự khác biệt vẫn có ý nghĩa thống kê so với cuối năm 2019). Đây có thể coi là sự giảm sút về mức độ công bố thông tin (Bảng 2).
Bảng 2: Số liệu thống kê mô tả về điểm công bố thông tin an toàn vốn, RRTD, RRHĐ của ngân hàng niêm yết
Nguồn: tổng hợp từ điểm chấm của nhóm nghiên cứu |
Bảng 3: So sánh điểm công bố thông khi Thông tư 41 có hiệu lực tháng 6/2020 và tháng 12/2019
|
c. Về so sánh điểm số công bố thông tin giữa các ngân hàng với nhau với dữ liệu công bố năm 2020, có thể chia các ngân hàng thành 3 nhóm. Nhóm công bố thông tin chi tiết (25-27 điểm) bao gồm 9 ngân hàng, nhóm công bố thông tin ở mức độ trung bình (18-22 điểm) gồm 4 ngân hàng, còn lại 2 ngân hàng không có thông tin (Đồ thị 1). Các ngân hàng công bố thông tin ở mức trung bình thường có mức độ chi tiết về rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động ít hơn so với nhóm điểm cao nhất.
Đồ thị 1 - Điểm công bố thông tin an toàn vốn, RRHĐ và RRTT
|
d. Để cập nhật tình hình công bố thông tin của các ngân hàng niêm yết đến thời điểm giữa năm 2021 (theo qui định 6 tháng/lần của Thông tư 41), nhóm nghiên cứu tiến hành kiểm tra việc công bố thông tin về rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường của 15 ngân hàng niêm yết trên trang Web (Mục thông tin dành cho cổ đông/Công bố thông tin) trong khoảng thời gian từ 24-25/8/2021, nhóm nghiên cứu ghi nhận có 4 ngân hàng thực hiện công bố thông tin về an toàn vốn, RRHĐ, RRTT trong 6 tháng đầu năm 2021. Nhiều ngân hàng (7) thực hiện công bố thông tin cuối năm 2020 trong các tháng 3-5/2021 như vậy vẫn chưa đến hạn công bố thông tin kỳ tiếp theo trong thời hạn 6 tháng. Nhóm nghiên cứu chưa thu thập được bằng chứng về công bố thông tin cập nhật về tỷ lệ an toàn vốn, rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường đối với 4 ngân hàng niêm yết còn lại.
Từ kết quả tổng hợp và phân tích số liệu, nhóm nghiên cứu cho rằng Thông tư 41 đã có tác động tích cực tới hoạt động công bố thông tin an toàn vốn, rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động của các ngân hàng niêm yết. Ngoài qui định về công bố thông tin tài chính bắt buộc đối với tổ chức niêm yết thì công bố thông tin về rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường là những thông tin tài chính quan trọng để nhà đầu tư xem xét.
Tuy đạt được các kết quả ban đầu tốt nhưng kết quả phân tích lại cho thấy hoạt động công bố thông tin an toàn vốn, rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường chưa đồng đều và chưa bền vững ở một số ngân hàng. Điều này có thể lý giải các ngân hàng chưa quan tâm đến công bố thông tin cho nhà đầu tư hoặc hoạt động công bố thông tin chưa hiệu quả.
4. Kết luận và khuyến nghị
Đây là một trong rất ít các nghiên cứu ở Việt Nam quan tâm tới hoạt động công bố thông tin của NHTM. Nhìn chung, việc công bố thông tin cho nhà đầu tư nhằm tăng cường kỷ luật thị trường được thực hiện chậm hơn so với qui định về công bố thông tin tài chính. Hiện tại, nghiên cứu này mới chỉ xem xét các ngân hàng niêm yết là các tổ chức chịu sự điều chỉnh mạnh về qui định công bố thông tin trên thị trường chứng khoán nên kỳ vọng về hoạt động đối với các ngân hàng này sẽ tốt hơn hoặc phải đáp ứng yêu cầu về công bố thông tin tối thiểu. Đối với các thông tin tài chính thì các ngân hàng đều đáp ứng (qui định đối với tổ chức niêm yết), còn Thông tư 41 thì do NHNN qui định và giám sát, tuy nhiên nhóm nghiên cứu vẫn không tìm thấy bằng chứng về công bố thông tin theo qui định tại Thông tư 41 của hai ngân hàng ở thời điểm cuối 2020 và việc duy trì cập nhật công bố thông tin trong thời hạn 6 tháng ở một số ngân hàng khác. Điều này có hàm ý về công tác giám sát của NHNN đối với việc kiểm tra tuân thủ Thông tư 41. Một câu hỏi đặt ra đối với các ngân hàng chưa niêm yết thì mức độ đáp ứng Thông tư 41 sẽ là như thế nào?
Hạn chế của nghiên cứu này là về việc thu thập số liệu từ nguồn thông tin trên Website của ngân hàng, Sở giao dịch chứng khoán. Có thể các ngân hàng thực hiện công bố thông tin tại trụ sở của ngân hàng (vẫn đáp ứng qui định của Thông tư 41) và nhóm nghiên cứu đã không tiếp cận được số liệu từ kênh này. Tuy vậy, nếu điều này xảy ra thì cũng thể hiện sự bất cập về hiệu quả công bố thông tin của ngân hàng niêm yết. Mức độ và hiệu quả của việc công bố thông tin phản ánh hiệu quả và chất lượng của hoạt động quản trị ngân hàng. Ngoài ra, các ngân hàng nên đưa thông tin công bố đáp ứng Thông tư 41 vào 1 mục riêng trên trang web để giúp nhà đầu tư dễ tìm kiếm và tiếp cận hơn.
Bên cạnh hạn chế về việc tiếp cận và thu thập số liệu, phương pháp xây dựng tính toán chỉ số sử dụng trong nghiên cứu này còn khá đơn giản và mới chỉ tính đến việc có hay không việc công bố thông tin, chưa xem xét được về chất lượng của công bố thông tin.
Thông tư 41/2016/TT-NHNN và Thông tư 13/2018/TT-NHNN đã đưa ra các hướng dẫn đầy đủ cho các NHTM để áp dụng Basel II và đây là thách thức đối với nhiều ngân hàng. Tuy vậy, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, Ủy ban Basel đã đưa ra phiên bản Basel III để khắc phục những hạn chế trong khung pháp lý điều chỉnh tài chính nhằm tăng cường yêu cầu về vốn chủ sở hữu, chất lượng tài sản, và hạn chế đòn bẩy nợ của ngân hàng. Basel III được giới thiệu vào năm 2010 và thời hạn áp dụng được điều chỉnh nhiều lần, lần điều chỉnh mới nhất được lùi tới tháng 1/2023. Một số ngân hàng trong nước cũng đã có những động thái chuẩn bị cho việc áp dụng chuẩn mực Basel III này như Ngân hàng Hàng hải (MSB), Ngân hàng Quốc tế (VIB) (Nhuệ Mẫn, 2021). Như vậy để hỗ trợ cho các ngân hàng ở Việt Nam tiếp tục triển khai Basel III, NHNN là cơ quan sẽ có các hướng dẫn, hỗ trợ các ngân hàng thương mại triển khai hoạt động này.
Phụ lục 1: Danh mục các ngân hàng niêm yết trên các Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP Hồ Chí Minh
|
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Baumann, U. and; Nier, E. (2003), Market discipline and fnancial stability: some empirical evidence. Financial Industry and Regulation Division, Bank of England, Financial Stability Report.
- Botosan, C.A.(1997), “Disclosure level and the cost of equity capital”, The Accounting Review 72 (3), 323–350.
- Duy Lập (2020), Vietinbank chính thức áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN từ 1.1.2021, thanhnien.vn truy cập ngày 24/8/2021.
- Huang, Rocco (2006), Bank Disclosure Index: Global Assessment of Bank Disclosure Practices. Available at SSRN: https://ssrn.com/abstract=1425915
- Hồng Dung (2020), Xem xét nới thời hạn triển khai Basel II, tinnhanhchungkhoan.vn trung cập ngày 24/8/2020
- LA và NT (2010), Hiệp ước vốn Basel (Basel I và II), truy cập ngày 24/2/2021 tại: https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/fm/ddnhnn/nctd/nctd_t?centerWidth=80%25&dDocName=CNTHWEBAP01162524865...
- Minh Khôi (2019), Ngân hàng và đích đến Basel II, truy cập ngày 24/2/2021 tại: https://sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/trangchu/ttsk/ttsk_&showFooter=false&showHeader=false&dDocName=SBV401022...
- Nhuệ Mẫn (2021), Basel II đã hoàn tất, tinnhanhchungkhoan.vn truy cập ngày 23/8/2021.
- Patel, Sandeep A. and Dallas, George S., “Transparency and Disclosure: Overview of Methodology and Study Results - United States”, Standard & Poor’s Publication, (October 16, 2002)
- Sengupta P. (1998), “Corporate Disclosure qualilty and the cost of debt”, The Accounting Review, 73(4), pp. 459-474.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2016), Thông tư số 41/2016/TT-NHNN – Qui định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
- Ủy ban Basel (2004), International Convergence of Capital Measurement and Capital Standards, A Revised Framework.
- Ủy ban Basel (2010), Basel III – Implementattion, https://www.fsb.org/work-of-the-fsb/implementation-monitoring/monitoring-of-priority-areas/basel-iii/, truy cập ngày 24/8/2021.
- Vân Linh (2019), Cuộc đua Basel II chạm đích, tinnhanhchungkhoan.vn truy cập ngày 24/8/2021.
Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 18 năm 2021
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|